26/12/2012 - 20:19

Cần quan tâm đến bảo hộ giống cây trồng

Ở nước ta, ngành nông nghiệp góp phần rất quan trọng trong ổn định đời sống và thúc đẩy phát triển kinh tế. Những năm gần đây, Việt Nam trở thành quốc gia xuất khẩu nông sản lớn trên thế giới. Điều này càng cho thấy vai trò quan trọng của ngành nông nghiệp. Vì vậy, việc bảo hộ giống cây trồng (BHGCT) là cần thiết để thúc đẩy các hoạt động nghiên cứu, sáng tạo ra các giống mới có nhiều đặc tính tốt, đáp ứng nhu cầu phát triển của ngành nông nghiệp cũng như tăng khả năng cạnh tranh của nông sản Việt Nam trên thị trường thế giới…

Việc BHGCT góp phần khẳng định thương hiệu nông sản trong lòng người tiêu dùng và tăng sức cạnh tranh trên thị trường. 

BHGCT là một dạng sở hữu trí tuệ có những nét đặc thù riêng so với các dạng sở hữu trí tuệ khác do cây trồng là một cơ thể sống, có sự biến đổi trong quá trình tồn tại. Theo các chuyên gia, BHGCT là một trong những biện pháp bảo đảm cho nông dân được sử dụng giống cây trồng có năng suất cao, chất lượng tốt, ít sâu bệnh, tạo ra sản phẩm có sức cạnh tranh cao. Hơn nữa, quy trình để tạo ra một giống cây trồng mới thường mất rất nhiều thời gian và tiền bạc. Nhưng, việc sao chép giống cây trồng có thể được thực hiện nhanh chóng theo nhiều cách thức khác nhau, như: chiết cây, giâm cành hoặc gieo hạt. Do đó, nếu không đăng ký sở hữu, người tạo giống có thể bị sao chép hay tước đoạt thành quả. Khi đăng ký sở hữu trí tuệ, chủ sở hữu sẽ có được thu nhập cao từ việc chuyển nhượng hay sản xuất sản phẩm.

Ngoài ra, theo kinh nghiệm từ các nước trên thế giới: Nếu không đăng ký sở hữu trí tuệ cho giống cây trồng hiện có, một nước có thể mất quyền sở hữu hợp pháp trên quốc tế đối với loại cây vốn xuất phát từ nước mình. Thêm vào đó, các mặt hàng nông sản khi không đăng ký sở hữu thường gặp bất lợi về giá cũng như giảm sức cạnh tranh trên thị trường, chưa kể đến khả năng bị nhân giống một cách bất hợp pháp. Thực tế những năm qua cho thấy, một số mặt hàng nông sản của Việt Nam khi xuất khẩu sang nước ngoài không có nhãn hiệu, bị các công ty nước ngoài đóng gói lại với nhãn hiệu của họ và bán ra thị trường. Điều này đã làm cho hàng hóa Việt Nam không có thương hiệu, giảm sức cạnh tranh và phân chia lợi nhuận thấp.

Vì vậy, BHGCT theo một hệ thống riêng biệt đang là xu thế phổ biến của các quốc gia trên thế giới. Việc bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ đối với giống cây trồng đã có từ rất lâu. Cụ thể nhất, sự ra đời Công ước quốc tế về BHGCT vào năm 1961. Qua quá trình chuẩn bị hơn 10 năm, tháng 12-2006, Việt Nam gia nhập Hiệp hội Quốc tế về bảo hộ giống cây trồng mới (UPOV). Việc hình thành và phát triển BHGCT nước ta thuộc thế hệ "sinh sau đẻ muộn" trong gia đình sở hữu trí tuệ. Theo Luật Sở hữu trí tuệ Việt Nam, giống cây trồng được bảo hộ là giống cây được chọn tạo hoặc phát hiện và phát triển, thuộc danh mục giống cây trồng được bảo hộ do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành theo tiêu chuẩn. Đó là tính khác biệt, tính đồng nhất, tính ổn định và có tên phù hợp. Bằng bảo hộ có giá trị trên toàn lãnh thổ Việt Nam, có hiệu lực 25 năm đối với cây thân gỗ và cây nho; 20 năm đối với các cây trồng khác. Nếu như năm 2004, Việt Nam chỉ có 4 đơn đăng ký bảo hộ, đến nay đã có 89 đơn đăng ký bảo hộ và đã cấp 345 bằng bảo hộ giống cây trồng. Tuy nhiên, con số này cũng cho thấy, việc BHGCT ở Việt Nam vẫn còn khiêm tốn. PGS. TS Võ Công Thành, Phó Trưởng bộ môn di truyền – giống nông nghiệp, Trường Đại học Cần Thơ, cho rằng: Những khó khăn trong thực tiễn về thực hiện BHGCT là do nước ta chưa có kỹ thuật để phân biệt, xét nghiệm đánh giá cấp giống theo hệ thống 4 cấp (cấp tác giả, cấp siêu nguyên chủng, cấp nguyên chủng và cấp xác nhận). Chưa khắc phục những hạn chế về điểm đặc thù theo công ước UPOV để giải quyết những mâu thuẫn trong việc xác định vật liệu đối chứng để thẩm định theo 5 tiêu chuẩn, làm cơ sở cho bảo hộ sau này. Ngoài ra, Luật Sở hữu trí tuệ chưa giải quyết được vấn đề BHGCT mới do biến đổi gien. Chưa xây dựng được cơ sở vật chất và đào tạo đội ngũ nhân lực cần thiết cho việc đăng ký, xét nghiệm và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ đối với giống cây trồng... Theo TS. Nguyễn Quốc Mạnh, Phó Chánh văn phòng Phòng BHGCT mới, Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ý thức của các cá nhân, tập thể về tầm quan trọng của vấn đề sở hữu trí tuệ còn rất hạn chế dẫn đến số lượng đơn đăng ký BHGCT chưa nhiều. Cùng với đó, đội ngũ cán bộ cho công tác BHGCT vẫn còn hạn chế. Vì vậy, theo công ước đến năm 2016, Việt Nam phải bảo hộ tất cả các loại cây trồng là một thách thức lớn.

Tính đến ngày 1-12-2012, Việt Nam có 69 giống cây trồng được bảo hộ. Trong đó, cây lương thực 2 loài, cây công nghiệp 8 loài, cây rau 22 loài, cây cảnh và hoa 13 loài, cây ăn quả 14 loài, cây khác 10 loài. Năm 2013 dự kiến thêm 19 loài và đến năm 2016, Việt Nam phải bảo hộ tất cả các loại cây trồng.

Để giải quyết vấn đề này, các chuyên gia đã đề xuất nhiều ý kiến đóng góp. PGS. TS Võ Công Thành, Phó Trưởng bộ môn Di truyền – Giống nông nghiệp, Trường Đại học Cần Thơ, đề xuất: Cần phát triển phòng kiểm nghiệm giống cây trồng cấp quốc gia, cấp vùng hay cấp tỉnh. Thông qua đó, đào tạo nhân lực về chuyên môn; phát triển kỹ thuật sinh học phân tử, gồm hai kỹ thuật chủ lực là DNA và protein. Lập bản mẫu gien đối chứng để phát hiện, thẩm định sự lẫn tạp, độ thuần di truyền cho từng giống có đăng ký nhất là các hạt giống rau màu tại các cửa khẩu. Đầu tư nghiên cứu bước đầu về việc thẩm định cấp giống… Ths. Nguyễn Thị Kiều, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Cần Thơ, cho rằng: Rào cản lớn nhất cho việc BHGCT vẫn là chưa quan tâm đến vấn đề thương mại hóa tài sản trí tuệ. Chủ sở hữu chưa thấy được lợi ích trực tiếp từ việc BHGCT. Vì vậy, cần xây dựng cơ chế bảo hộ hữu hiệu cho giống cây trồng mới, đảm bảo chủ sở hữu có thể khai thác lợi nhuận và tái đầu tư cho hoạt động sáng tạo của mình. Đồng thời, tuyên truyền phổ biến Luật Sở hữu trí tuệ và tư vấn đăng ký BHGCT nâng cao ý thức cá nhân, tổ chức về tầm quan trọng của vấn đề sở hữu trí tuệ.

Theo Cục trồng trọt, tổ chức Jica (Nhật) đang hỗ trợ Việt Nam xây dựng cơ sở dữ liệu và phần mềm khảo nghiệm DUS (khảo nghiệm tính khác biệt, tính đồng nhất, tính ổn định của giống cây trồng). Đây sẽ là công cụ hữu hiệu cho công tác công nhận giống cây trồng mới cần được bảo hộ…

Bài, ảnh: T.Trinh

Chia sẻ bài viết