11/12/2014 - 20:08

Cần phẫu thuật sớm bệnh lý phình đại tràng bẩm sinh

Vừa qua, đoàn cán bộ y tế của Bệnh viện Nhi đồng (BVNĐ) 1, do bác sĩ Đào Trung Hiếu, Phó Giám đốc bệnh viện, đã chuyển giao kỹ thuật mới trong phẫu thuật điều trị bệnh lý phình đại tràng bẩm sinh cho các bác sĩ Khoa Ngoại, BVNĐ TP Cần Thơ...

Em Dương Trọng Nghĩa, ở xã Tân Long, huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang, bị táo bón thường xuyên. Mẹ Nghĩa cho biết: “Nghĩa đi cầu rất khó, từ 10-20 lần/ngày. Thấy vậy, chồng tôi đưa Nghĩa đi khám ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hậu Giang, rồi chuyển đến Bệnh viện Nhi đồng TP Cần Thơ. Nghĩa phẫu thuật vào đầu tháng 11-2014, sau khoảng 1 tuần thì xuất viện. Theo lịch hẹn của bác sĩ, Nghĩa đi tái khám 2 lần. Hiện nay, mỗi ngày cháu đi cầu 2-3 lần, đi học và sinh hoạt bình thường, gia đình tôi rất cảm ơn các bác sĩ”.

 Kiểm tra mẫu xét nghiệm bằng máy Thinprep tại Bệnh viện Quốc tế
Phương Châu. Ảnh: H.H

Theo bác sĩ Tạ Vũ Quỳnh, Phó Trưởng khoa Ngoại, BVNĐ TP Cần Thơ, phình đại tràng bẩm sinh là bệnh bẩm sinh do không có hạch thần kinh ruột (bắt đầu từ bờ trên cơ thắt trong hậu môn ngược lên), đoạn ruột không có hạch thần kinh sẽ không co bóp và bị teo nhỏ nên phân không lưu thông mà ứ đọng ở đoạn trên ruột có hạch, gây dãn to đại tràng. Bệnh này có tần suất mắc bệnh khoảng 1/5.000 trẻ mới sinh ra. Tuổi phát hiện bệnh tùy thuộc chiều dài đoạn ruột không có hạch. Trong đó, trẻ bệnh ngay sau sinh chiếm khoảng 20%, khi đoạn vô hạch quá dài (trên 15 cm), với biểu hiện trẻ không tiêu phân xu, bụng chướng hơi. Khoảng 80% trường hợp bệnh còn lại ở trẻ sau sinh vài tháng, khi đoạn vô hạch từ 6-10cm, biểu hiện chậm tiêu phân xu 24 giờ sau sinh, thường xuyên bị táo bón, xen kẽ tiêu chảy nhưng bón nhiều hơn, phải thông hậu môn mới tiêu được. Ngoài ra, nếu đoạn vô hạch ngắn dưới 4 cm, bệnh có thể phát hiện trễ hơn, thường trước khi trẻ 2 tuổi, biểu hiện những đợt bón nhiều, xen kẽ tiêu chảy phải thông hậu môn.

Phình đại tràng bẩm sinh là bệnh lý khá phổ biến. Bác sĩ Đào Trung Hiếu cho biết: Các dấu hiệu nhận biết đặc trưng của bệnh này là táo bón. Táo bón nên phân bị ứ đọng trong ruột, để lâu gây nhiễm trùng, viêm ruột, vi khuẩn đi vào máu. Nhiễm trùng huyết trên bệnh cảnh viêm ruột rất nguy hiểm, có thể gây tử vong. Ngoài ra, trẻ bị bệnh này ăn uống kém, suy dinh dưỡng, bụng chướng sình lên, cản trở hô hấp, viêm phổi tái đi tái lại nhiều lần. Phương pháp điều trị bệnh này là phẫu thuật sớm, tránh cho trẻ bị viêm ruột do ứ đọng phân, ảnh hưởng sự phát triển thể chất và trí tuệ của trẻ. Phẫu thuật cắt bỏ toàn bộ đoạn ruột không có hạch thần kinh và một phần đoạn phình dãn có chức năng kém, để tái tạo ruột lưu thông bình thường.

Theo các bác sĩ, bệnh này trước đây thực hiện khi trẻ lớn, khoảng 2 tuổi, đủ cân nặng trên 13,5 kg và trẻ phải trải qua 3 lần phẫu thuật. Thời gian trước, BVNĐ TP Cần Thơ phẫu thuật cho trẻ từ 2-3 tuổi và phẫu thuật làm 3 lần. Lần 1 làm hậu môn tạm, tức là đưa ruột ra ngoài thành bụng để thoát phân trong những trường hợp đoạn vô hạch thần kinh quá dài, thụt tháo không thành công, hoặc bệnh nhân đến muộn có biến chứng viêm ruột nặng, nhiễm trùng huyết thủng ruột, đoạn đại tràng phình dãn quá lớn để cứu bệnh nhi cho bệnh ổn định và sinh thiết để chẩn đoán. Lần 2 cắt bỏ toàn bộ đoạn vô hạch thần kinh và một phần đoạn dãn kém chức năng. Lần 3 đóng hậu môn tạm (cho bệnh nhân đi cầu qua hậu môn thật). Trong một số tình huống có thể phối hợp lần 2 và 3 vào cùng 1 lần.

Ở lần chuyển giao kỹ thuật này, BVNĐ TP Cần Thơ được ê kíp bác sĩ BVNĐ 1 chuyển giao đồng bộ kỹ thuật phẫu thuật, gây mê và hồi sức mới nhằm giảm tuổi phẫu thuật xuống còn vài tháng tuổi (trẻ nhũ nhi) và giảm số lần mổ xuống chỉ còn 1 lần với phương pháp hạ đại tràng qua ngã hậu môn, tức là phẫu thuật một lần qua đường hậu môn. Theo bác sĩ Tạ Vũ Quỳnh: Khi phẫu thuật trẻ còn nhỏ tuổi, gây mê phức tạp, dụng cụ phẫu thuật phải phù hợp. Tuy nhiên, thuận lợi là phục hồi bệnh phát hiện sớm tốt hơn, thao tác dễ hơn vì thành ruột ít viêm. Trước khi phẫu thuật, trẻ được thụt tháo đại tràng 2 lần/ngày, từ 3- 5 ngày trước mổ. Đối với trẻ lớn đã ăn thì cho chế độ ăn ít chất bã (ít rau) 2-3 ngày. Sau phẫu thuật khoảng 1 tuần, bệnh nhi có thể được xuất viện. Một tuần sau, bệnh nhi tái khám và tiếp tục tái khám 3 tháng, 6 tháng và 12 tháng, đến khi bệnh ổn định. Qua đó, hướng dẫn cha mẹ nong hậu môn trẻ tại nhà, tư vấn chế độ dinh dưỡng và chăm sóc trẻ; tránh bị táo bón bằng cách tập trẻ đi cầu 2 lần mỗi ngày sau ăn sáng và tối, chế độ ăn nhiều chất xơ (rau đối với trẻ lớn), uống nhiều nước, có thể dùng thuốc nhuận tràng phối hợp nhằm tạo cho phần ruột bị dãn co lại và phục hồi chức năng bình thường. Ngoài ra, việc tái khám để các bác sĩ theo dõi và điều trị tình trạng viêm ruột còn diễn biến tiếp tục một thời gian sau phẫu thuật.

Bài, ảnh: H.HOA

Chia sẻ bài viết