 |
Chế biến cá tra xuất khẩu tại Công ty cổ phần Thủy sản Bình An (Khu công nghiệp Trà Nóc - TP Cần Thơ). Ảnh: ĐỖ CHÍ THIỆN |
Trong 9 tháng đầu năm 2008, kim ngạch xuất khẩu (KNXK) hàng hóa ở TP Cần Thơ đã đạt 645,3 triệu USD, hoàn thành 100,7% kế hoạch năm và tăng 71,3% so với cùng kỳ năm 2007. Tuy nhiên, trong cơ cấu hàng hóa xuất khẩu, thủy sản và gạo chiếm tỷ lệ khá cao (88,2%). Đây vốn là những mặt hàng được quyết định từ thị trường nước ngoài. Chính vì vậy, ngành công thương TP Cần Thơ cần phải chủ động nhận diện đúng thị trường để đẩy mạnh KNXK hàng hóa trong thời gian tới...
XUẤT KHẨU VỀ ĐÍCH SỚM
Những tháng đầu năm 2008, cùng với việc đối mặt chi phí đầu vào tăng, đẩy giá thành sản phẩm lên cao, các doanh nghiệp xuất khẩu còn chịu nhiều áp lực khác ảnh hưởng đến KNXK của từng ngành hàng. Điển hình như mặt hàng gạo, ngay từ đầu năm, các doanh nghiệp thực hiện ý kiến chỉ đạo của Chính phủ tiếp tục tạm ngừng ký thêm hợp đồng xuất khẩu mới để đảm bảo an ninh lương thực. Chính vì thế, sản lượng xuất khẩu gạo các tháng đầu năm đạt thấp so với kế hoạch năm. Quý I-2008, các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố chỉ xuất được 82.000 tấn gạo, đạt 14,9% kế hoạch; sang quý II-2008 xuất 265.000 tấn, đạt 48,2% kế hoạch năm và đến quý III-2008 ước xuất hơn 364.000 tấn, đạt 66,2% kế hoạch năm. Tuy nhiên, nhờ giá xuất khẩu cao nên 9 tháng đầu năm 2008, kim ngạch xuất khẩu gạo đã vượt 26,6% kế hoạch năm.
Khó khăn khác ảnh hưởng đến xuất khẩu những tháng đầu năm chính là tác động của lạm phát và chính sách thắt chặt tiền tệ, nhiều ngân hàng hạn chế cho các doanh nghiệp, trong đó có các doanh nghiệp xuất khẩu vay vốn, khiến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn. Ngoài ra, tỷ giá đô-la Mỹ sụt giảm vào quý I-2008; hàng may mặc, giày dép xuất khẩu chưa có thị trường ổn định; tình trạng cúp điện thường xuyên... cũng ảnh hưởng lớn đến hiệu quả xuất khẩu của doanh nghiệp.
Ngược lại với diễn biến trên, ông Nguyễn Ngọc Minh, Giám đốc Sở Công Thương TP Cần Thơ, cho biết: Nguồn cung lúa gạo của Cần Thơ và ĐBSCL dồi dào, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động thu mua, xuất khẩu của doanh nghiệp, giá xuất khẩu bình quân tăng so năm trước. Người tiêu dùng thế giới đã quen sử dụng và đón nhận khá tốt hàng thủy sản của Việt Nam nói chung và Cần Thơ nói riêng, nhất là mặt hàng cá da trơn. Các doanh nghiệp TP Cần Thơ đã giữ vững được thị trường truyền thống và quan tâm mở rộng thị trường mới. Đây là những thuận lợi lớn giúp KNXK hàng hóa của thành phố 9 tháng đầu năm 2008 ước đạt 645,3 triệu USD, vượt 0,7% kế hoạch năm.
TĂNG TRƯỞNG NHƯNG CHƯA BỀN VỮNG...
Ông Nguyễn Ngọc Minh, Giám đốc Sở Công Thương TP Cần Thơ, nhận định: Chính phủ đã yêu cầu các Bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL, các tổng công ty, hiệp hội lương thực cần tập trung chỉ đạo các doanh nghiệp xuất khẩu gạo đẩy nhanh tiến độ giao hàng để trong tháng 9, tháng 10-2008 giao hết số gạo đã ký hợp đồng. Đồng thời, khẩn trương thương thảo, ký hợp đồng mới với giá cả có lợi; các ngân hàng thương mại tiếp tục cho các doanh nghiệp xuất khẩu vay vốn kịp thời với lãi suất thích hợp. Đây là những điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp xuất khẩu gạo đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu. Còn theo các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu thủy sản, thông thường nhu cầu tiêu thụ thủy sản rất lớn trong các dịp Noel, Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán (của các nước Á Đông)... nên các nhà nhập khẩu đặt hàng với số lượng lớn.
Với những nhận định thuận lợi trên, theo Sở Công Thương TP Cần Thơ, KNXK hàng hóa của thành phố năm 2008 sẽ đạt khoảng 750 triệu USD, vượt khoảng 17% kế hoạch và tăng 45% so với năm 2007. Tuy nhiên, để KNXK của TP Cần Thơ tăng trưởng ổn định trong những năm về sau ngành công thương, các doanh nghiệp xuất khẩu trên địa bàn thành phố còn phải vượt qua nhiều thử thách.
Nhìn vào cơ cấu xuất khẩu hàng hóa của thành phố, chỉ có hai mặt hàng chủ lực gạo và thủy sản chiếm tỷ trọng 88,2% tăng trưởng mạnh. Các mặt hàng còn lại so với cùng kỳ năm 2007, chỉ có hàng thủ công mỹ nghệ KNXK tăng 12,2%; hàng may mặc, giày - dép, da thuộc giảm từ 7,6% - 14,5%. Một trong những nguyên nhân của tình trạng này, theo Sở Công thương TP Cần Thơ, do hàng xuất khẩu chưa đa dạng sản phẩm, chưa có thị trường ổn định và phải chịu sự cạnh tranh gay gắt với hàng Trung Quốc.
Ông Dương Tấn Lộc, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thủy sản Cần Thơ, cho rằng: Xuất khẩu thủy sản, đặc biệt là cá tra đang phải đối mặt với nhiều mối nguy lớn. Trong đó, vấn đề đảm bảo chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm rất đáng quan tâm. Ngoài ra, mất cân bằng cung - cầu nguyên liệu chế biến đã và đang đẩy nghề nuôi, chế biến, xuất khẩu cá tra ở ĐBSCL nói chung và TP Cần Thơ nói riêng đứng trước nhiều khó khăn... Đây là áp lực lớn trong thời gian tới. Bởi TP Cần Thơ có 25/27 công ty chế biến xuất khẩu thủy sản và cá tra là mặt hàng chủ lực.
Đối với xuất khẩu gạo, ông Lê Việt Hải, Giám đốc Công ty cổ phần Mekong Cần Thơ, cho rằng, công tác dự báo thị trường, sản lượng lúa hàng hóa... thời gian qua bộc lộ nhiều yếu kém. Trong khi đó, việc cân đối để đảm bảo an ninh lương thực chưa được nhận định chính xác. Những điều này ảnh hưởng nhiều đến hiệu quả xuất khẩu gạo của doanh nghiệp và việc tiêu thụ lúa hàng hóa trong dân. Xuất phát từ vấn đề này, ông Hải kiến nghị: “Ngành hữu quan cần nhìn nhận vấn đề an ninh lương thực phải hết sức khoa học và thực tế, chính xác. Song song đó, Nhà nước nên xem xét hiện đại hóa sản xuất nông nghiệp thông qua hình thức hợp tác xã, hướng đến sản xuất nông nghiệp hàng hóa với quy mô lớn...”.
NHẬN DIỆN THỊ TRƯỜNG
Trong chiến lược phát triển, Sở Công Thương TP Cần Thơ xác định thị trường Mỹ và EU là hai thị trường mục tiêu. Bởi 2 thị trường này có mức tiêu thụ lớn với phương thức thanh toán hiện đại theo thông lệ quốc tế và giá xuất khẩu khá cao. Thị trường Nga, các nước Liên Xô cũ, các nước Đông Âu và một số nước châu Phi là thị trường tiềm năng. Đây là các thị trường dễ tính, có sức tiêu thụ khá nhưng giá xuất khẩu không cao và phương thức thanh toán chưa theo thông lệ quốc tế. Ông Nguyễn Ngọc Minh, Giám đốc Sở Công Thương TP Cần Thơ, cho biết: “Việc xác định này nhằm nhận diện, nắm bắt những điểm mạnh yếu, nhu cầu nhập khẩu của các thị trường để đẩy mạnh, gia tăng hiệu quả công tác xuất khẩu”.
Theo nhận định của Sở Công Thương TP Cần Thơ, thị trường Mỹ là thị trường có quy mô nhập khẩu lớn với chủng loại hàng hóa thuộc các cấp khác nhau, sức mua cao. Các sản phẩm xuất sang thị trường này chủ yếu là dệt may, giày dép, thủy sản chế biến đông lạnh... Tuy nhiên, trong những năm qua, doanh nghiệp Cần Thơ còn những hạn chế về chất lượng sản phẩm, thiếu thông tin và chưa hiểu biết luật lệ, cách thức kinh doanh Mỹ... EU là thị trường có nhu cầu cao về hàng hóa chất lượng cao, là thị trường nhập khẩu lớn thứ hai trên thế giới, sau Mỹ. Các sản phẩm chính có thể xuất sang thị trường EU là dệt may, giày dép, nông thủy sản, thủ công mỹ nghệ... Các mặt hàng mới có triển vọng xuất sang thị trường này gồm sản phẩm cơ khí, linh kiện vi tính và điện tử.
Hiện nay, các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu thủy sản Cần Thơ đang đẩy mạnh xuất khẩu sang các thị trường Nga, các nước Đông Âu. Riêng các nước châu Phi đang có nhu cầu lớn nhập khẩu gạo nên các doanh nghiệp xuất khẩu gạo đang thu mua lúa gạo để xuất khẩu sang các nước này trong thời gian tới.
HÀ TRIỀU