29/09/2018 - 14:32

Xử lý tài sản thu nhập tăng thêm không giải trình được hợp lý về nguồn gốc

Cân nhắc kỹ tính pháp lý 

Phòng, chống tham nhũng (PCTN) đang là vấn đề nóng, được các ngành, các cấp đặt ra mọi lúc, mọi nơi. Để công tác này thực hiện một cách căn cơ, bài bản, những quy định pháp luật về PCTN phải chặt chẽ. Dự thảo Luật PCTN (sửa đổi) đã được Quốc hội đã đưa ra thảo luận tại 2 kỳ họp thứ 4 và thứ 5. Xung quanh những nội dung lớn của Dự thảo luật này, ở TP Cần Thơ, các đại biểu Quốc hội, đại diện các cơ quan, ban, ngành, vẫn còn nhiều ý kiến, nhất là đối với Điều 57 Dự thảo Luật PCTN (sửa đổi) về việc xử lý tài sản, thu nhập tăng thêm không giải trình được hợp lý về nguồn gốc.

Việc mở rộng phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật ra ngoài khu vực nhà nước, được nhiều người tán thành. Các đại biểu cho rằng, đó là điều cần thiết, vì trên thực tế, tình hình tham nhũng khu vực ngoài nhà nước đã và đang xuất hiện, gây bất lợi cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, hoạt động bình thường của các cơ quan nhà nước và hiệu quả công tác PCTN.

Các đại biểu đóng góp ý kiến cho Dự thảo Luật PCTN (sửa đổi).

Các đại biểu quan tâm nhiều đến vấn đề xử lý tài sản, thu nhập tăng thêm không giải trình được hợp lý về nguồn gốc. Ông Diệp Thành Nguyên, Khoa Luật, Trường Đại học Cần Thơ cho rằng, đối với phương án 1 “Việc xử lý tài sản, thu nhập tăng thêm mà người có nghĩa vụ kê khai không giải trình được hợp lý về nguồn gốc sẽ do tòa án xem xét, quyết định”, thì việc xác lập quyền sở hữu tài sản xem thuộc về ai, theo thông lệ các nước thường là do tòa án giải quyết. Tuy nhiên, ngay trong chính điều luật này đã có sự mâu thuẫn. Khoản 1, Điều 57 Dự thảo luật có nêu “người có nghĩa vụ kê khai không giải trình được hợp lý về nguồn gốc tài sản, thu nhập tăng thêm thì sẽ do tòa án xem xét, quyết định”. Trong khi đó, tại điểm a, khoản 3 Điều này lại quy định “Bác yêu cầu của cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập trong trường hợp người có nghĩa vụ kê khai giải trình được hợp lý về nguồn gốc của tài sản, thu nhập tăng thêm”. Như vậy, giữa 2 khoản này đã nảy sinh mâu thuẫn, việc quy định như vậy là thừa, không có khả năng xảy ra, vì đã không chứng minh được mới ra tòa án.

Bên cạnh đó, tại điểm b, khoản 3, Điều 57 dự thảo quy định thu hồi tài sản, thu nhập cũng cần xem xét vì tài sản bất hợp pháp mới thu hồi. Vấn đề quan trọng là cơ quan nhà nước phải chứng minh được tài sản đó là không hợp pháp. Trong trường hợp này, Nhà nước phải chứng  minh chứ không thể buộc người có tài sản chứng minh. Mục đích ban đầu là tốt nhưng về sau không hợp lý, nên không thống nhất với phương án này.

Đối với phương án 2, ông Nguyên cho rằng không chứng minh được nguồn gốc tài sản thì đánh thuế có vẻ hợp lý hơn vì dù sao nhà nước cũng thu được một khoản nhất định. Nhiều người lo lắng việc đánh thuế là hợp thức hóa tài sản không rõ nguồn gốc. Tuy nhiên, đóng thuế ở đây không phải là hợp thức hóa mà đây chỉ là tạm thu thuế. Nếu sau này, qua quá trình chứng minh, phát hiện tài sản này không hợp pháp thì xử lý hành chính hoặc xử lý hình sự (khoản 3 Điều 57). Do đó, phương án 2 là hợp lý hơn.

Bà Trần Thị Tám, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân thành phố cũng đồng tình với việc phải xử lý đối với loại tài sản không rõ nguồn gốc. Tuy nhiên, theo phong tục tập quán, tài sản có thể hình thành từ nhiều nguồn khác nhau: người thân, thừa kế…, không đưa ra xử lý thì không được, nhưng cũng không thể nói là tài sản tham nhũng. Bà Trần Thị Tám cũng băn khoăn việc thu thuế đối với tài sản chưa rõ nguồn gốc để tạm thời cho sử dụng thì như vậy có phải là hợp thức hóa không. Nếu sau này chứng minh được tài sản đó là bất hợp pháp, tiếp tục xử lý hành chính hoặc hình sự thì có ổn không, vì 1 tài sản mà bị xử lý 2 lần. Đối với tài sản người kê khai không giải trình được về nguồn gốc, Cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập chuyển kết luận xác minh đến tòa án. Việc chứng minh nguồn gốc tài sản này thuộc cả 2 bên nhà nước và chủ tài sản. Do đó, phương án 1 tiến bộ và khả thi hơn.

Đóng góp về vấn đề này, ông Nguyễn Thanh Thiên, Chánh án TAND thành phố cho rằng, việc người kê khai tài sản thu nhập tăng thêm không chứng minh hợp lý được nguồn gốc, không làm rõ được tính pháp lý của tài sản chứ chưa khẳng định tài sản này là tài sản tham nhũng nên không thể đưa ra tòa án xem xét, quyết định mà chỉ nên đưa sang cơ quan thuế, đánh thuế thu nhập cá nhân với tỷ lệ cao là hợp lý. Bên cạnh đó, ông Nguyễn Thanh Thiên cũng đặt vấn đề về đưa hành vi chạy chức, chạy quyền vào hành vi tham nhũng. Trong giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội nêu lên hành vi này nằm trong các hành vi khác là nhận hối lộ, đưa hối lộ. Tuy nhiên, không dễ chứng minh được hành vi chạy chức chạy quyền có đưa hối lộ hay nhận hối lộ. Trong khi Nghị quyết 26 ngày 19-8-2018 của Ban Chấp hành Trung ương ghi rất rõ xem tệ chạy chức, chạy quyền gây hậu quả hết sức nghiêm trọng và phải xem đây là hành vi tham nhũng. Do đó đề nghị vẫn đưa chạy chức, chạy quyền vào hành vi tham nhũng.

Những tranh luận trên cho thấy cần phải có sự cân nhắc kỹ lưỡng để xây dựng quy định pháp luật về PCTN  phù hợp với điều kiện thực tiễn, đảm bảo quyền, lợi ích của Nhà nước, của người kê khai tài sản, thu nhập và hợp lòng dân. 

Bài, ảnh: Sơn Hà

Chia sẻ bài viết