15/02/2016 - 08:38

CẦN LỰC ĐẨY
trong năm mới

Năm 2015, sản xuất công nghiệp, thương mại dịch vụ, thu hút đầu tư… trên địa bàn TP Cần Thơ đạt mức tăng trưởng khá. Năm 2016, dự báo nền kinh tế vĩ mô có sự phục hồi, cùng với dự báo về thị trường xuất khẩu nhiều khởi sắc, Việt Nam là điểm đến tiềm năng của các nhà đầu tư nước ngoài khi các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) đang mở ra nhiều triển vọng gia nhập thị trường khu vực và quốc tế cho Việt Nam. Tận dụng các cơ hội hội nhập, chính quyền địa phương và các doanh nghiệp (DN) đều đang nỗ lực cải cách hành chính, tái cấu trúc lại DN; đồng thời đầu tư khoa học công nghệ vào sản xuất.

Tín hiệu tích cực

Theo báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Cần Thơ, năm 2015, tình hình sản xuất công nghiệp của các DN trên địa bàn duy trì mức tăng trưởng khá; chỉ số phát triển sản xuất công nghiệp tăng 8,21% so với năm 2014.  Hoạt động khu vực dịch vụ đạt nhiều kết quả khả quan, lưu chuyển hàng hóa trên thị trường khá sôi động, Chương trình đưa hàng Việt về nông thôn, kết nối cung cầu hàng hóa,... đã góp phần tác động thúc đẩy sản xuất, phát triển thị trường; ước tổng mức bán lẻ hàng hóa, doanh thu dịch vụ đạt 81.248,8 tỉ đồng, vượt 0,4% kế hoạch, tăng 16,4% so năm 2014; trong đó kim ngạch xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ thu ngoại tệ thực hiện hơn 1,375 tỉ USD, đạt 94,9% KH, giảm 1,3% so cùng kỳ; kim ngạch nhập khẩu thực hiện 387,5 triệu USD, tăng 2% so cùng kỳ. Sản xuất nông nghiệp dù gặp rất nhiều khó khăn nhưng cũng đạt kết quả tích cực. Năm 2015, thành phố cấp mới đăng ký kinh doanh 1.098 DN các loại hình, với tổng vốn đăng ký 3.657 tỉ đồng; thực hiện giải thể 84 DN các loại hình với tổng vốn 502 tỉ đồng. Cấp Giấy chứng nhận đầu tư cho 8 dự án có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), với tổng vốn đầu tư đăng ký 42 triệu USD; điều chỉnh tăng vốn 5 dự án FDI với vốn tăng 40,6 triệu USD. Tính đến cuối năm 2015, thành phố có 49 tổ chức tín dụng, với 235 địa điểm có giao dịch; tổng dư nợ cho vay nền kinh tế ước đạt 54.900 tỉ đồng, tăng 10% so với cuối năm 2014. Ngoài ra, hoạt động đối ngoại, xúc tiến đầu tư, thương mại mang lại hiệu quả tích cực, các chính sách hỗ trợ DN tham gia quảng bá, giới thiệu sản phẩm và kết nối giao thương tại các hội chợ thương mại trong và nước đã góp phần đẩy mạnh tiêu thụ, mở rộng kênh tiêu thụ hàng hóa cho DN.

Kiểm tra sản phẩm tại Công ty cổ phần May Meko.

Theo ông Nguyễn Khánh Tùng, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư- Thương mại và Hội chợ triển lãm TP Cần Thơ, năm qua công tác xúc tiến đầu tư, hỗ trợ DN quảng bá sản phẩm, mở rộng thị trường xuất khẩu và tiêu thụ nội địa đạt nhiều kết quả tích cực. Đồng thời thu hút được nhà đầu tư trong nước quan tâm các dự án hạ tầng du lịch (khách sạn, trung tâm hội nghị cao cấp) và các nhà đầu tư đã có bước đầu đến thành phố để khảo sát thực địa vị trí xây dựng dự án. Thành phố còn chú trọng công tác xúc tiến đầu tư tại chỗ, tăng cường đối thoại để gỡ vướng mắc cho nhà đầu tư nhằm tiếp tục củng cố lòng tin của các nhà đầu tư đối với môi trường kinh doanh tại thành phố, tạo hiệu ứng tích cực đối với nhà đầu tư mới. Để đạt hiệu quả cao trong công tác xúc tiến, trung tâm rất chú trọng hợp tác với các tổ chức trong và ngoài nước trong công tác đào tạo nâng cao trình độ cho đội ngũ làm công tác xúc tiến; từng bước xây dựng đội ngũ chuyên nghiệp, đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ cho các năm tới.

Bên cạnh việc hỗ trợ DN xúc tiến đầu tư, tìm thị trường; thành phố cũng đặc biệt chú trọng đến hỗ trợ DN đổi mới công nghệ. Chương trình "Đổi mới công nghệ giúp phát triển DN nhỏ và vừa giai đoạn 2013- 2017"; dự án hỗ trợ DN nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm; Chương trình hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ Cần Thơ giai đoạn 2012-2015… đã góp phần hỗ trợ DN thành phố đầu tư công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm tốt hơn. Bà Trần Hoài Phương, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP Cần Thơ, cho biết: thời gian qua, Sở đã phối hợp với các sở, ngành chức năng, truyền thông tuyên truyền về sở hữu trí tuệ, chính sách hỗ trợ DN đổi mới công nghệ rất mạnh. Nhờ đó, các cá nhân, DN tìm đến với Sở nhiều hơn để đăng ký về: kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu hàng hóa, bảo hộ giải pháp hữu ích… DN lớn rất quan tâm đến xây dựng thương hiệu, sở hữu trí tuệ, DN nhỏ và vừa cũng bắt đầu quan tâm hơn đến vấn đề này.

Cần sự đồng hành

Mặc dù đạt nhiều kết quả tích cực trong năm 2015, nhưng theo đánh giá của sở, ngành chức năng thành phố, chất lượng tăng trưởng kinh tế và tái cơ cấu kinh tế, ngành, lĩnh vực chưa đáp ứng yêu cầu. Việc hoàn chỉnh hạ tầng các khu, cụm công nghiệp còn chậm; chính sách hỗ trợ nhà đầu tư chưa hấp dẫn; DN tiếp cận nguồn vốn còn khó khăn. Công nghiệp hỗ trợ chưa phát triển, nhiều sản phẩm công nghiệp hỗ trợ có hàm lượng công nghệ chưa cao, sức cạnh tranh của sản phẩm xuất khẩu còn yếu, chủ yếu là các mặt hàng sơ chế, xuất thô, chưa có thương hiệu mạnh... Để đạt kế hoạch đề ra trong năm 2016, ngoài sự nỗ lực của ngành chức năng thành phố, của DN thì cần tiếng nói chung giữa cơ quan công quyền và DN.

Ông Trần Chí Gia, Giám đốc Công ty cổ phần May Meko, Khu công nghiệp Trà Nóc, TP Cần Thơ, cho biết: "Là DN chuyên gia công hàng may mặc, thời gian qua, công ty luôn chú trọng ứng dụng công nghệ, đầu tư máy móc tự động, hiện đại để nâng cao năng suất. Năm nào công ty cũng dành khoảng 10 tỉ đồng từ tiền lợi nhuận để đầu tư công nghệ. Năm 2015, doanh số của công ty đạt 300 tỉ đồng, tăng 20% so với năm 2014, nhưng lãi ít hơn năm 2014 do tác động của việc tăng lương tối thiểu vùng. Năm 2016 tiếp tục điều chỉnh tăng lương tối thiểu vùng là khó khăn lớn cho DN, nhất là DN sử dụng nhiều lao động như ngành may mặc". Công ty cổ phần May Meko hiện có khoảng 3.200 lao động, mức lương bình quân (lương, thưởng năng suất) trong năm 2015 khoảng 6 triệu đồng/người/tháng. Theo ông Trần Chí Gia, để giữ lao động lành nghề, DN buộc phải có chính sách ưu đãi cho họ, nên DN rất cần sự hỗ trợ từ chính sách kinh tế, đặc biệt là chính sách thuế thu nhập DN.

Cùng với những tín hiệu tích cực của nền kinh tế vĩ mô, các chính sách "mở" trong hỗ trợ DN từ Trung ương cũng được cơ quan công quyền địa phương tích cực triển khai. Đồng thời khuyến cáo DN tăng cường đầu tư đổi mới công nghệ, quan tâm R&D (nghiên cứu và phát triển) để tăng hàm lượng chất xám trong sản phẩm, nâng cao năng lực cạnh tranh trong hội nhập. Trên thực tế, có ý kiến DN cho rằng phần lớn các nghiên cứu khoa học của ngành chức năng, cơ quan nghiên cứu đều ở dạng "tiềm năng" do đa phần nghiên cứu bị "đóng" trong ngăn kéo, khó triển khai ứng dụng trong thực tiễn dù đề tài, dự án đã được hội đồng nghiệm thu, nhưng. Bà Trần Hoài Phương, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP Cần Thơ, cho biết: "Các nghiên cứu khoa học hiện nay trên địa bàn thành phố chủ yếu ứng dụng cho ngành nông nghiệp, y tế. Về phản ánh của DN cho rằng nghiên cứu chưa sát với thực tiễn sản xuất của họ cũng chỉ đúng một phần, bởi năm nào Sở cũng gửi đề xuất đến các DN yêu cầu họ cung cấp thông tin để biết họ cần gì, nhưng DN phản hồi về Sở rất ít. DN chưa xác định rõ họ cần gì thì Sở cũng rất khó có cơ sở để nghiên cứu. Sở đang rà soát trình độ công nghệ của 3 ngành chủ lực của thành phố (chế biến nông sản (gạo), chế biến thủy sản và cơ khí) để từ đó đề xuất với lãnh đạo thành phố có định hướng phát triển mới, phù hợp". Trong hội nhập kinh tế, buộc DN phải đổi mới công nghệ để nâng cao năng lực quản trị, sản xuất và nâng cao chất lượng sản phẩm. Do đó, ban hành chính sách và thực thi chính sách cần sự chung sức, đồng hành của cơ quan công quyền và DN.

Bài, ảnh: GIA BẢO

Chia sẻ bài viết