17/08/2009 - 20:16

Cần lành mạnh hóa thị trường ga

Do cạnh tranh nên hiện nay giá ga giữa các hãng trên thị trường thường điều chỉnh tăng, giảm không đồng nhất.
Trong ảnh: Cửa hàng kinh doanh ga Công ty cổ phần Vật tư Hậu Giang.

Với tốc độ tăng trưởng mỗi năm từ 15-20%, thị trường ga đang được xem là một lĩnh vực kinh doanh béo bở. Tham gia thị trường này, hiện cả nước có gần 80 doanh nghiệp kinh doanh ga. Sự cạnh tranh bằng các hình thức khuyến mãi, chăm sóc khách hàng đang làm cho người tiêu dùng được hưởng lợi. Tuy nhiên, do nảy sinh cạnh tranh không lành mạnh, thị trường này đã đang tồn tại nhiều bất cập...

GIÁ GA CHƯA ĐỒNG NHẤT

Theo các công ty kinh doanh ga, với mức giá trên 200.000 đồng/bình ga như hiện nay là khá cao cộng với sự thay đổi liên tục và không đồng nhất từ công ty đã khiến cho việc qui định giá bán lẻ rất khó khăn. Theo cửa hàng kinh doanh ga, thuộc Công ty cổ phần Vật tư Hậu Giang: Việc giá cả tăng, giảm giữa các hãng không đồng nhất gây khó khăn trong việc phân phối đến các đại lý nhỏ. Hiện nay, giá bán lẻ trên thị trường cũng không đồng nhất, nhiều cửa hàng cạnh tranh, chiếm khách bằng cách giảm lời nhằm đẩy hàng ra hưởng doanh số.

Ông Trần Mạnh Tâm, đại diện Totalgaz Vietnam, cho rằng: “Việc cạnh tranh trong một môi trường tự do kinh doanh là điều tự nhiên và nên khuyến khích vì điều đó có lợi cho người tiêu dùng. Chúng tôi sẵn sàng chấp nhận cạnh tranh bình đẳng, chân chính và minh bạch. Những cung cách làm ăn kiểu chụp giựt có thể đạt được một số thành quả nào đó nhưng về lâu dài, các doanh nghiệp này sẽ khó có thể tồn tại và phát triển được vì chính thị trường và người tiêu dùng chân chính sẽ đào thải”.

Trên thực tế, giá bán lẻ một bình ga phụ thuộc vào quy mô đầu tư, trình độ quản lý của từng doanh nghiệp. Tuy nhiên, trên thị trường hiện nay hầu hết các doanh nghiệp chưa xây dựng và quản lý được hệ thống phân phối nên thường diễn ra hiện tượng các doanh nghiệp kinh doanh ga, các tầng nấc phân phối trung gian và các cửa hàng bán lẻ xảy ra hiện tượng tranh mua tranh bán. Từ năm 2005, giá ga bán lẻ được thực hiện theo cơ chế thị trường, vì vậy việc ấn định giá ga do các doanh nghiệp tự quyết.

Theo thông thường, các doanh nghiệp kinh doanh ga thực hiện ấn định điều chỉnh giá vào mỗi đầu tháng với mức điều chỉnh tương đối bằng nhau, nhưng thời gian gần đây, sự biến động về giá đã diễn ra khi hiện tại nguồn hàng trong nước từ nhà máy Dinh Cố hiện tại chỉ đáp ứng khoảng 30% nhu cầu thị trường, còn lại là phải nhập khẩu từ nước ngoài nên phải điều tiết theo giá thế giới. Trong khi đó, kho trong nước không đảm bảo về dự trữ dài hạn và giá cho người tiêu dùng.

Ông Lê Phúc Đại, Tổng Giám đốc Công ty năng lượng Đại Việt - Vinagas, cho biết: “Giá ga trong nước đã được điều chỉnh theo giá thế giới, tuy nhiên thời gian gần đây, do cạnh tranh và kích cầu tiêu dùng nên các hãng đã tăng, giảm không đúng với giá ga thế giới. Giả sử, với mức tăng 10 USD/tấn, mỗi bình ga 12kg tăng tương đương 2.000 đồng, nhưng khi tăng 35 USD/tấn, giá chỉ được điều chỉnh tăng 5.000 đồng/bình thay vì 8.000 đồng. Mặt khác, việc tăng giảm giá không đồng nhất như hiện nay, một phần là do một số doanh nghiệp nhỏ đưa ra giá rẻ để thâm nhập thị trường và một số doanh nghiệp “bành trướng” thị trường để chuẩn bị cổ phần hóa”.

“ÁM ẢNH” VỎ BÌNH GA

Cho đến nay, để quản lý thị trường ga, ngành chức năng vẫn áp dụng Thông tư số 15/1999/TT-BTM của Bộ Thương mại, ban hành ngày 19-5-1999 về kinh doanh khí đốt hóa lỏng và Quyết định số 36/2006/QĐ-BCN của Bộ Công nghiệp, ban hành ngày 16-10-2006 về Quy chế quản lý kỹ thuật an toàn về nạp khí hóa lỏng dầu mỏ vào chai.

Theo các ngành chức năng, hiện nay trên cả nước có gần 80 công ty kinh doanh ga, tuy nhiên chỉ có khoảng 40 công ty có đăng ký nhãn hiệu vỏ bình và có đến 30% số lượng vỏ bình ga cung cấp trên thị trường là giả. Tình trạng chiếm dụng vỏ bình ga để sang chiết ga để có các nhãn công ty ga uy tín lớn để bán ra thị trường đang có diễn biến rất phức tạp và ngày càng tinh vi. Do những gian lận này mà đã xảy ra nhiều trường hợp cháy nổ, gây tai nạn... Theo thống kê, năm 2008 cả nước xảy ra 42 vụ cháy nổ bình ga, làm 6 người chết và bị thương, gây thiệt hại đến 80 tỉ đồng.

Ông Lê Phước Đại, Tổng Giám đốc Công ty năng lượng Đại Việt - Vinagas, bức xúc: “Nhiều công ty đã chiếm dụng vỏ bình rồi chiết nạp ga mới bán ra thị trường, các mặt hàng này thường không đủ trọng lượng và nếu qui trình sang chiết không đúng kỹ thuật sẽ không đảm bảo an toàn cho người sử dụng. Nguy hiểm hơn, các đơn vị này còn chiếm dụng vỏ bình bằng các hình thức cắt tai xách, cạo sửa tên, đóng dập lại số serie, sơn và dán bằng một logo khác... Các tác động này đã làm thay đổi kết cấu, khiến sức chịu áp lực của vỏ bình giảm. Bên cạnh đó, việc tẩy xóa thông số theo dõi thời gian luân chuyển cũng dẫn đến tình trạng không có căn cứ để kiểm tra thời gian sử dụng để thẩm định được độ an toàn”.

Ông Trần Mạnh Tâm, đại diện Totalgaz Vietnam, cho rằng: “Sang chiết ga lậu là một vấn đề khá cũ nhưng vẫn là việc thời sự gây nhiều nhức nhối, đến nay Nhà nước vẫn chưa có giải pháp xử lý dứt điểm vấn nạn này. Các cá nhân, tập thể gian lận thương mại trong kinh doanh ga ngày càng ranh ma, xảo quyệt hơn trong việc đối phó với các cơ quan chức năng. Trong khi đó, pháp luật hiện hành lại thiếu khung hình phạt tương ứng cho các hành vi vi phạm. Vì không có tội danh cụ thể nên khi xử phạt các cơ quan chức năng thường vận dụng vào các tội danh như vi phạm quyền sở hữu công nghiệp, vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, vi phạm nhãn hiệu hàng hóa... để xử phạt, chính vì vậy vẫn không mang tính thuyết phục, răn đe và ngăn chặn được việc tái phạm”.

Theo một số doanh nghiệp kinh doanh ga, hằng năm lượng vỏ bình đến hạn kiểm định mất đi khoảng 40% và đây cũng chính là phần trăm xác suất hiểm họa cho người tiêu dùng ga.

Bài, ảnh: KHÁNH NAM

Chia sẻ bài viết