23/05/2014 - 14:30

Cần hiểu đúng bệnh trĩ

Ăn nhiều rau, quả sẽ phòng tránh táo bón, nguy cơ gây bệnh trĩ (Trong ảnh: rau quả tại siêu thị Metro Hưng Lợi).

Chỉ riêng năm 2013, Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) Hoàn Mỹ Cửu Long đã tiếp nhận, điều trị gần 300 bệnh nhân mắc bệnh trĩ, tăng gấp đôi so với năm trước. BVĐK Hoàn Mỹ Cửu Long đã mời 60 bệnh nhân bị bệnh trĩ nặng được bệnh viện điều trị khỏi bằng phương pháp phẫu thuật longo, tham dự Hội thảo chuyên đề "Trĩ và các bệnh lý hậu môn thường gặp", với sự hướng dẫn chuyên môn của bác sĩ CKII Nguyễn Minh Cường, Phó Trưởng khoa Ngoại A, nhằm phổ biến kinh nghiệm giúp người dân hiểu và điều trị đúng căn bệnh rất dễ mắc phải này.

Bệnh trĩ là tình trạng giãn quá mức đám tĩnh mạch ở vùng hậu môn - trực tràng. Chỉ cần có chèn ép, cản trở lâu dài sự lưu thông mạch máu ở đây là bệnh trĩ có thể xuất hiện. Như vậy, bệnh trĩ có thể gặp ở bất cứ ai. Bệnh thường biểu hiện qua các triệu chứng như: đau rát, chảy máu, sa búi trĩ và ngứa hậu môn. Hầu hết bệnh nhân khi không chịu nổi cơn đau mới đến bệnh viện điều trị. Anh Nguyễn T. N., ở tỉnh Hậu Giang, trị dứt bệnh trĩ nhờ mổ longo vào tháng 12-2013, cho biết: "Tôi bị bệnh trĩ hơn 10 năm. Thời gian còn làm công nhân, do công việc nhiều và làm theo dây chuyền nên tôi thường nhịn tiểu tiện, đại tiện. Lâu ngày thành thói quen và tôi bị táo bón. Mãi đến khi đại tiện đau, ra máu, sờ vào vùng hậu môn cảm giác có gì vương vướng, tôi đi khám, phát hiện bị trĩ giai đoạn 2. Uống thuốc, bôi thuốc không khỏi, tôi phải đi mổ cắt trĩ (năm 2005). Sau mổ một thời gian, thấy tạm ổn nên tôi "quên" là cần phải giữ gìn và kiêng khem ăn uống, tập luyện. Đến khi đi ngoài ra máu, ngồi cũng đau, đi lại vướng, gây khó chịu, mất ăn, mất ngủ, đến BVĐK Hoàn Mỹ Cửu Long khám bệnh, bác sĩ cho biết, bệnh trĩ ở giai đoạn 3 với kích cỡ bằng quả táo. Lần này, nhờ mổ trĩ bằng máy longo nên không bị đau đớn như mổ lần trước, chỉ nằm viện 3 ngày. Hiện nay, tôi tuyệt đối tuân thủ lời khuyên của bác sĩ về chế độ ăn uống, sinh hoạt để bệnh không tái phát". Bệnh lý của anh Nguyễn T.N. cũng là tâm trạng của nhiều bệnh nhân bị bệnh trĩ đang điều trị tại bệnh viện.

BSCKII Nguyễn Minh Cường, Phó Trưởng khoa Ngoại A của BV ĐK Hoàn Mỹ Cửu Long, nói: Hiện nay, do đời sống công nghiệp nên tỷ lệ người mắc bệnh trĩ rất nhiều. Dân gian có câu: "thập nhân cửu trĩ" (mười người thì 9 người bị trĩ). Bệnh tuy không gây tử vong nhưng ảnh hưởng lớn đến chất lượng cuộc sống con người. BSCKII Nguyễn Minh Cường tư vấn:

* Một số triệu chứng thường gặp:

Đại tiện ra máu đỏ tươi. Đây là triệu chứng sớm và thường gặp nhất. Lúc đầu chảy máu kín đáo, về sau máu chảy thành giọt hoặc phun thành tia như cắt tiết gà. Đau vùng hậu môn, đau nhiều khi có tắc mạch hoặc nứt hậu môn. Sưng nề vùng hậu môn.

* Nguyên nhân bệnh trĩ:

Tư thế làm việc đứng hoặc ngồi quá lâu, rối loạn nhu động ruột hoặc những thay đổi nội tiết theo chu kỳ sinh dục của phụ nữ như: mang thai, sinh đẻ hoặc trước chu kỳ kinh nguyệt. Trong đó, táo bón là tác nhân gây bệnh trĩ nhiều nhất và mang lại nhiều phiền toái nhất làm ảnh hưởng đến chất lượng sống của người bệnh. Những người làm việc văn phòng, vốn dĩ cơ thể đã ít vận động. Khi thời tiết nắng nóng, ngồi trong phòng có máy điều hòa mát mẻ, tâm lý rất ngại ra ngoài khiến bệnh trĩ càng có cơ hội phát sinh. Mùa hè nguy cơ mắc trĩ hoặc tái phát bệnh rất cao nên mọi người không nên lơ là. Với những bệnh nhân trĩ, cái nóng sẽ làm tăng giãn mạch, đau rát khó chịu nhiều hơn khi ra mồ hôi, nhất là khi đã bị sa búi trĩ. Khi đó, búi trĩ có nguy cơ sưng to hơn và đau hơn. Với bệnh trĩ nặng kèm rỉ nước, mùa hè sẽ gây mùi hôi nhiều hơn và dễ gây viêm nhiễm búi trĩ.

* Cách phòng bệnh trĩ:

Để phòng ngừa bệnh trĩ, bà con cần chọn cho mình một chế độ ăn uống sinh hoạt hợp lý nhằm tránh táo bón như: ăn nhiều rau quả tươi – có chất xơ, uống đủ nước (bình quân 2 lít nước/ngày/người), hạn chế đồ ăn cay nóng và chất kích thích rượu, bia. Trường hợp bị táo bón bà con nên ăn một số loại rau có tính nhuận tràng như: mồng tơi, lang, đay, diếp cá và dền (nên dùng nấu canh ăn thường xuyên rất tốt cho người bệnh trĩ). Chuối là loại quả có giá trị nhuận tràng tốt, sau mỗi bữa ăn nên dùng một quả chuối hoặc dưa hấu. Khoai lang có công dụng nhuận tràng tốt, ăn thêm vào các bữa ăn phụ. Và quan trọng nhất hằng ngày nên rèn luyện thể dục thể thao đều đặn, nhất là những người làm việc văn phòng, phải ngồi lâu trước máy vi tính.

Bài, ảnh: Đình Khôi

Chia sẻ bài viết