20/10/2019 - 09:02

Cần giải pháp căn cơ để phòng, chống ngập lụt đô thị 

Theo Ban Chỉ huy Phòng chống Thiên tai - Tìm kiếm Cứu nạn (PCTT-TKCN) TP Cần Thơ, từ nay đến cuối năm 2019, trên địa bàn thành phố còn xuất hiện 4 đợt triều cường lớn, gây ngập nghẹt đường phố, đe dọa đê bao sản xuất nông nghiệp. Đó là các đợt triều cường Rằm tháng 9 và đầu tháng 10 âm lịch; Rằm tháng 10 và đầu tháng 11 âm lịch...

Khẩn trương phòng tránh

Dự báo, đợt triều cường đầu tháng 10 âm lịch lên cao ở mức từ 2,20-2,25m vào các ngày 28, 29, 30-10-2019 (tương đương mức triều cường cuối tháng 9 và đầu tháng 10-2019 vừa qua). Quận Ninh Kiều - đô thị trung tâm của TP Cần Thơ được dự báo tiếp tục ngập sâu trong nước.

Ông Trần Tiến Dũng, Quyền Chủ tịch UBND quận Ninh Kiều, cho biết: “ Đợt triều cường đầu tháng 9 âm lịch vừa qua, Ninh Kiều có đến 61 tuyến đường chính bị ngập sâu. Ngập sâu nhất là các tuyến đường thuộc phường Tân An, An Lạc, đường Mậu Thân (phường An Hòa), đường Nguyễn Văn Cừ, Huỳnh Cương, Trần Hưng Đạo, Lý tự Trọng, Trần Văn Hoài và khu vực Trung tâm thương mại Cái Khế, Cồn Khương… với độ sâu từ 0,4m đến 0,6m nước. Các tuyến đường còn lại ngập trung bình từ 0,2m đến 0,4m nước. Rút kinh nghiệp từ đợt triều cường vừa qua, quận Ninh Kiều tập trung: mở, đóng van ngăn triều khi con nước lên, xuống; ngắt điện chiếu sáng công cộng ở công viên, các tuyến đường ngập sâu; tổ chức phân luồng giao thông, tránh ùn tắc; đề nghị đơn vị xây dựng hạ tầng giao thông rào chắn khu vực công trình, tránh ảnh hưởng người đi đường sụp hố, ao, hồ…”.

Khu vực Hồ Búng Xáng được rào chắn, gắn đèn, bảng cảnh báo để tránh ảnh hưởng người đi đường khi triều cường lên cao.

Trước tình hình này, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, Trưởng Ban Chỉ huy PCTT-TKCN thành phố Lê Quang Mạnh, yêu cầu: các sở, ngành, UBND các quận, huyện nắm chắc thông tin về diễn biến triều cường, mưa, lũ để chủ động ứng phó; Đài khí tượng thủy văn TP Cần Thơ phải có dự báo sớm, kịp thời, chính xác mực nước đỉnh triều, diễn biến tình hình mưa, lũ cung cấp cho Ban Chỉ huy PCTT-TKCN thành phố và các cơ quan thông tin đại chúng để kịp thời đưa tin, thông báo rộng rãi về diễn biến của triều cường, mưa, lũ đến người dân để chủ động phòng, chống.

Công an TP Cần Thơ tăng cường lực lượng, phương tiện để phân luồng, khắc phục sự cố giao thông và đảm bảo tuyệt đối an toàn đối với người, phương tiện qua lại tại những điểm triều cường dâng cao, ngập nghẹt đường phố. Sở Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với UBND quận, huyện triển khai ngay các biện pháp phòng, tránh đuối nước trong mùa nước nổi, nhất là đảm bảo an toàn cho trẻ em và học sinh; tổ chức các điểm trông giữ trẻ tập trung, đưa đón học sinh trong mùa nước; căn cứ vào dự báo tình hình triều cường thực hiện phương án điều tiết thời gian đến trường và tan học phù hợp, đảm bảo tuyệt đối an toàn cho các em học sinh, giáo viên tại các khu vực ngập sâu. Sở Giao thông Vận tải chủ trì, phối hợp với UBND quận, huyện khẩn trương khắc phục nhanh sạt lở trên các tuyến giao thông; chủ động bố trí lực lượng, vật tư, phương tiện tại các khu vực trọng điểm, xung yếu có nguy cơ sạt lở để sẵn sàng khắc phục ngay khi xảy ra sự cố; chỉ đạo bảo đảm an toàn đối với các hoạt động giao thông vận tải tại vùng ngập nước...

Cần giải pháp lâu dài

Đồng chí Phạm Văn Hiểu, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Cần Thơ, chỉ đạo: “Ngoài việc thực hiện nghiêm các giải pháp hạn chế tác hại xấu của triều cường trong những tháng sắp tới, về lâu dài các sở, ngành chức năng tìm hiểu nguyên nhân các quận nội ô thành phố ngày càng ngập sâu do triều cường, từ đó tham mưu thành phố hướng ứng phó. UBND thành phố tăng cường tổ chức hội thảo, hội nghị trưng cầu ý kiến các nhà khoa học, đơn vị chức năng xung quanh vấn đề ngập nghẹt độ thị, từ đó xây dựng kịch bản ứng phó triều cường cho thành phố thời gian tới…”.

Thời gian qua, mỗi năm TP Cần Thơ đều bị ngập sâu do triều cường, bởi thành phố có hệ thống sông ngòi chằng chịt, rất dễ bị ảnh hưởng của nước từ thượng nguồn đổ về và nước biển dâng; hệ thống cấp thoát nước nhỏ, xuống cấp; một số tuyến đường có cốt nền thấp; nhiều tuyến kênh, rạch bị lấn chiếm, rất dễ xảy ra tình trạng ngập lụt, ứ đọng kéo dài... Theo ông Lương Hồng Tân, Phó Trưởng Phòng Khoáng sản và Tài nguyên nước (Sở Tài nguyên và Môi trường TP Cần Thơ), TP Cần Thơ cũng như các địa phương trong vùng ĐBSCL tập trung chống ngập, bảo vệ sản xuất nông nghiệp, vườn cây ăn trái, lúa, hoa màu trong mùa nước nổi mà quên lo chống ngập đô thị. Mỗi địa phương có hàng trăm ki-lô-mét đê bao, bờ bao được xây dựng, bảo vệ hàng ngàn héc-ta đất sản xuất nông nghiệp khiến cho nước lũ, triều cường không vào được ruộng lúa, hệ thống kênh, rạch nội đồng, ao, hồ… Ông Lương Hồng Tân nhấn mạnh: “Từ cách làm trên, triều cường, nước thượng nguồn đổ về “tấn công”, gây ngập nghẹt đô thị là điều tất nhiên. Tôi đơn cử như đê bao Ô Môn - Kênh xáng Xà No xây dựng, bảo vệ hàng ngàn héc-ta đất sản xuất nông nghiệp, trong đó có nhiều diện tích kênh, rạch, ao, hồ cũng được bảo vệ, làm hạn chế chứa nước trong mùa triều cường, nước thượng nguồn đổ về… Do đó, theo tôi TP Cần Thơ cũng như các địa phương trong khu vực không nên sản xuất lúa vụ 3 (thu đông) mà phải mở đồng, đê bao đón nước, hứng lấy phù sa phục vụ các các vụ mùa khác. Có như thế, nước sẽ được chan hòa, tình trạng ngập đô thị sẽ được hạn chế…”.

Ông Lê Tiến Dũng, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải TP Cần Thơ cho rằng, ngoài các biện pháp phòng tránh tác hại của triều cường sắp tới, về lâu dài thành phố cần quy hoạch, xây dựng bản đồ chống ngập đô thị,  hoạch định các tuyến đường, khu vực bị ngập sâu để có giải pháp phòng chống, ưu tiên xử lý. Đồng thời, về lâu dài, thành phố nên lập quy hoạch hệ thống không gian ngầm để chống ngập. Không gian này xây dựng dưới lòng đất, có tác dụng chứa nước khi đô thị thoát nước mưa, triều cường chậm và tái sử dụng hoặc tiêu thoát lượng nước này khi cần thiết. Bên cạnh đó, thành phố cũng cần xây dựng nắp ngăn triều tại các miệng cống theo hệ thống cảm ứng, tự đóng mở khi triều cường lên xuống, góp phần hạn chế ngập nghẹt…

Lực lượng chức năng TP Cần Thơ hướng dẫn, hỗ trợ người đi đường bị chết máy xe trong đợt triều cường lên cao vào đầu tháng 9 âm lịch.

Mới đây, trong buổi làm việc của Thường trực Thành ủy Cần Thơ về tình hình triều cường, nước dâng cao trên địa bàn thành phố thời gian qua và giải pháp khắc phục, hạn chế thiệt hại thời gian tới, Ban Chỉ huy PCTT-TKCN TP Cần Thơ đề nghị Ban Quản lý dự án ODA sớm đầu tư và đưa vào sử dụng các hạng mục công trình chống ngập thuộc Dự án phát triển TP Cần Thơ và tăng cường khả năng thích ứng đô thị để góp phần chống ngập cho nội ô thành phố; các địa phương tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cộng đồng trong việc chung tay chống ngập thành phố, không san lấp, lấn chiếm kênh mương, không vứt rác xuống kênh rạch, cống thoát nước gây ngập nghẹt thành phố…

Bài, ảnh: HÀ VĂN

Chia sẻ bài viết