11/01/2008 - 08:59

Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân:

Cần đẩy mạnh việc đào tạo nguồn nhân lực công nghệ thông tin

* Intel Việt Nam hỗ trợ công nghệ thông tin cho Đại học Bách khoa Đà Nẵng

Ngày 10-1, tại Đại học Đà Nẵng, Bộ Giáo dục Đào tạo phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức Hội thảo quốc gia về đào tạo nguồn nhân lực công nghệ thông tin - truyền thông theo nhu cầu xã hội. Tham dự hội thảo có 400 đại biểu là những nhà nghiên cứu, nhà khoa học phụ trách công nghệ thông tin trên cả nước.

Phát biểu tại hội thảo, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân khẳng định: Thời gian qua, Chính phủ đã rất quan tâm đến công tác giáo dục đào tạo, đặc biệt trên lĩnh vực công nghệ thông tin. Hiện đất nước đang đứng trước cơ hội lớn về thông tin và công nghệ thông tin đang bước vào thời kỳ mới. 10 năm vừa qua (1997-2007), chúng ta đã đạt được những kết quả khả quan trên lĩnh vực công nghệ thông tin, nhờ giáo dục đào tạo đã phục vụ tốt cho công tác đào tạo nguồn nhân lực này. Tuy nhiên kết quả vẫn chưa làm hài lòng các nhà đầu tư do chúng ta đang thiếu cách làm phù hợp. Vì vậy tại hội thảo này cần bàn kỹ, đánh giá đúng thực trạng và tìm những giải pháp có tính thuyết phục. Để công tác đào tạo nguồn nhân lực cho công nghệ thông tin đạt hiệu quả cao nhất, thì vấn đề hợp tác là quan trọng. Vì vậy, cần phải đẩy mạnh việc hợp tác đào tạo giữa Bộ Giáo dục Đào tạo và Bộ Truyền thông Thông tin, có như thế chúng ta mới đảm bảo đủ nguồn nhân lực, góp phần thu hút đầu tư nước ngoài một cách mạnh mẽ nhất.

Theo thống kê của các ngành chức năng: hiện Việt Nam có khoảng 35.000 lao động trực tiếp trong các doanh nghiệp phần mềm (trên 95% có chuyên môn công nghệ thông tin), hơn 20.000 lao động trong các doanh nghiệp nội dung số và dịch vụ công nghệ thông tin (khoảng 65% có chuyên môn công nghệ thông tin hoặc điện tử, viễn thông), gần 100.000 lao động trong các doanh nghiệp điện tử, phần cứng máy tính (khoảng 70% có chuyên môn về điện tử, viễn thông hoặc công nghệ thông tin), gần 100.000 lao động trong các doanh nghiệp viễn thông (60% có chuyên môn về điện tử, viễn thông hoặc công nghệ thông tin) và ước tính 90.000 nhân lực chuyên trách ứng dụng công nghệ thông tin trong các tổ chức, doanh nghiệp thuộc ngành khác.

Tuy nhiên, chất lượng đào tạo nguồn nhân lực công nghệ thông tin của Việt Nam vẫn chưa theo kịp trình độ của một số nước tiên tiến trong khu vực; chưa đáp ứng được yêu cầu của các đơn vị sử dụng, nhất là các doanh nghiệp nước ngoài, các khu công nghiệp về công nghệ thông tin có đầu tư lớn vào nước ta. Đây là hạn chế lớn nhất trong sự phát triển của công nghệ thông tin nói chung và công nghiệp phần mềm nói riêng, đặc biệt là việc khai thác các thị trường nước ngoài, như Nhật Bản, Mỹ. Công tác đào tạo công nghệ thông tin cũng chưa đáp ứng được nhu cầu ứng dụng và phát triển các phần mềm ứng dụng chuyên ngành; chưa hình thành hệ thống chứng chỉ quốc gia về đào tạo công nghệ thông tin để việc đào tạo được chuẩn hóa và liên thông. Đội ngũ giảng viên, giáo viên vừa thiếu về số lượng và yếu về năng lực giảng dạy do không được đào tạo về nghiệp vụ sư phạm, khó tuyển dụng được người giỏi để làm giáo viên công nghệ thông tin. Môn Tin học trong trường phổ thông tuy đã là môn học chính khóa nhưng mới tập trung ở những nơi có điều kiện, chưa được thực hiện đồng đều giữa các vùng miền...

Hội thảo đã nêu ra phương hướng và giải pháp phát triển nguồn nhân lực công nghệ thông tin đến năm 2015. Trước hết là phát triển mạnh nguồn nhân lực công nghệ thông tin, đảm bảo đủ nhân lực công nghệ thông tin phục vụ nhu cầu phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng kinh tế tri thức và xã hội thông tin, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập kinh tế quốc tế. Giải pháp tiếp theo là nâng trình độ đào tạo nhân lực công nghệ thông tin của nước ta tiếp cận trình độ quốc tế và tham gia thị trường đào tạo nhân lực công nghệ thông tin quốc tế, phấn đấu trở thành một trong những nước cung cấp nhân lực công nghệ thông tin chất lượng cao cho các nước trong khu vực và trên thế giới.

Tại hội thảo đã diễn ra lễ ký kết các văn bản thỏa thuận hợp tác giữa Bộ Giáo dục Đào tạo với Bộ Thông tin Truyền thông và giữa các trường với doanh nghiệp.

* Cùng ngày, Công ty Intel Việt Nam đã cùng đại diện đại học Bách Khoa Đà Nẵng, Chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Công ty máy tính Phương Tùng ký biên bản ghi nhớ hợp tác trong việc hỗ trợ mua trả góp máy tính xách tay cho giáo viên và cán bộ, công nhân viên của Trường.

Theo đó, giáo viên, cán bộ công nhân viên trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng khi mua máy tính xách tay trả góp của Công ty Intel Việt Nam, sẽ được Chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn Đà Nẵng cho vay 100% giá trị tiền mua máy tính, thông qua sự bảo lãnh của trường. Thời hạn cho vay tối đa lên đến 3 năm và không giới hạn số lượng người vay. Công ty Intel cũng sẵn sàng cung cấp cho giáo viên những dòng máy tính xách tay với những giải pháp công nghệ tiên tiến nhất của công ty, giá cả được ưu đãi.

Cùng ngày, Công ty Intel Việt Nam đã trao tặng Đại học Bách khoa Đà Nẵng một phòng Lab, bao gồm 1 máy chủ có công nghệ tiên tiến nhất của Intel và 20 máy vi tính để bàn, cùng hệ thống mạng không dây phủ sóng toàn bộ khu vực nhà trường, góp phần rút ngắn khoảng cách giữa lý thuyết và thực hành cho sinh viên so với yêu cầu xã hội, cũng như phục vụ công tác nghiên cứu.

VĂN SƠN - NGUYỄN SƠN (TTXVN)

Chia sẻ bài viết