27/08/2011 - 19:22

Đồng chí Lê Hồng Phát – Giám đốc Sở Xây dựng TP Cần Thơ:

Cần có đột phá trong quản lý quy hoạch, xây dựng, cải cách hành chính để thu hút đầu tư

Ngành xây dựng TP Cần Thơ đã có những bước phát triển tích cực trong công tác quy hoạch (QH), quản lý QH xây dựng và phát triển đô thị. Nhiều dự án, đề án được Sở Xây dựng kịp thời tham mưu cho thành phố thông qua như: QH và kêu gọi đầu tư xây dựng các khu đô thị tái định cư để phục vụ cho các dự án phát triển của thành phố. Thời gian tới làm gì để góp phần hoàn chỉnh các tiêu chí của đô thị loại I… Đồng chí Lê Hồng Phát, Giám đốc Sở Xây dựng TP Cần Thơ cho biết:

- Từ nay đến cuối năm 2011, Sở Xây dựng sẽ thực hiện các công việc sau: Rà soát và xây dựng mới các công cụ quản lý (như QH, quy chế, quy định...) để bổ sung và hoàn thiện. Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động sâu rộng ra dân, thông qua các hành động cụ thể như: ra quân xử lý dọn dẹp lòng lề đường, lấn chiếm hành lang lộ giới, thường xuyên tổ chức vệ sinh đường phố, tạo cảnh quan đô thị xanh sạch đẹp... Tăng cường kiểm soát, thực hiện nghiêm các biện pháp chế tài, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định pháp luật nhằm kiên quyết chấn chỉnh trật tự, kỷ cương đô thị. Phát huy, phổ biến kinh nghiệm cách làm điển hình tốt, đồng thời cũng kịp thời uốn nắn và chấn chỉnh các tồn tại, vướng mắc (nếu có) nhằm thực hiện có hiệu quả, đúng tiến độ theo Chủ đề năm và kế hoạch đề ra.

Giám đốc Sở Xây dựng thành phố - Lê Hồng Phát (trái) trao đồ án quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 hai bên đường Võ Văn Kiệt cho địa phương quản lý và công bố quy hoạch. Ảnh: T.K 

Một nhiệm vụ rất quan trọng của ngành là đẩy nhanh tiến độ lập QH đô thị, đặc biệt thường xuyên rà soát QH để đề xuất với UBND thành phố hướng xử lý đối với các đồ án QH chậm triển khai, đồ án nào cần phải điều chỉnh, đồ án nào phải hủy bỏ do không còn phù hợp tình hình thực tế của địa phương. Trong những năm qua, Sở Xây dựng đã đề xuất với cơ quan có thẩm quyền hủy bỏ, điều chỉnh nhiều QH chi tiết 1/500 trên địa bàn thành phố. Nhưng hủy bỏ rồi, quản lý bằng cách nào? Chúng tôi xin nêu rõ quan điểm: Các QH được hủy bỏ thường là QH 1/500 không còn phù hợp với tình hình thực tế, hoặc không có nhà đầu tư, và khi hủy bỏ sẽ thay thế bằng QH 1/2000 trước đó để địa phương quản lý xây dựng. Hoặc có thể QH 1/2000 trước đó chưa phù hợp, thì Sở Xây dựng tiếp tục điều chỉnh để phù hợp hơn, làm cơ sở quản lý trật tự xây dựng trong khu vực đó. Chứ không phải huỷ bỏ QH là bỏ tất cả các QH, đưa khu vực đó trở thành nơi không có QH, bởi không có QH thì trật tự xây dựng sẽ xáo trộn, không thể định hướng phát triển về mặt kinh tế - xã hội... Việc phát triển kinh tế – xã hội là cần phải có QH và cần rất nhiều loại hình QH, chứ không phải chỉ có QH xây dựng không thôi. Do đó, việc rà soát QH là việc làm thường xuyên. Tất cả công tác này đều vì mục đích phát triển kinh tế – xã hội của địa phương...

* Trong quản lý QH, điều chỉnh hay xóa QH, Sở Xây dựng đã có những quy định cụ thể gì để người dân sử dụng đất trong vùng QH không bị thiệt thòi, thưa đồng chí?

- Quản lý đất đai, QH xây dựng đô thị đi vào nề nếp, trật tự, kỷ cương, khai thác sử dụng đất có hiệu quả là vấn đề luôn được thành phố đặc biệt quan tâm. Trên cơ sở của Luật Đất đai, Luật Xây dựng, các nghị định của Chính phủ xung quanh vấn đề này, Sở Xây dựng đã tham mưu UBND thành phố ban hành Chỉ thị 18/2005/CT-UB ngày 20-9-2005 về việc xác định rõ ràng hơn quyền lợi của người dân trong thực hiện quyền sử dụng đất trong vùng QH, đã tạo được nhiều thuận lợi cho nhân dân và Nhà nước trong quản lý sử dụng đất, xây dựng nhà ở. Tuy nhiên, để việc thực hiện những văn bản này hiệu quả, nhất quán, Sở Xây dựng và Sở Tài nguyên & Môi trường đã thống nhất ban hành Hướng dẫn liên ngành số 01/HDLN-XD-TN&MT (thực hiện Luật Đất đai, Luật Xây dựng và quản lý quy hoạch xây dựng đô thị trên địa bàn TP Cần Thơ do Sở Xây dựng - Sở Tài nguyên và Môi trường ban hành), có thể nói đã cụ thể hóa được nhiều vấn đề liên quan nêu trên... Hướng dẫn này chỉ quy định cho các trường hợp đã có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, thì người dân có đất trong khu vực chưa có QH chi tiết xây dựng (tỷ lệ 1/500,1/2000) đương nhiên được thực hiện đầy đủ các quyền theo quy định của Luật Đất đai, được chính quyền xem xét cho phép chuyển mục đích sử dụng đất theo quy định của pháp luật, được xem xét cấp giấy phép xây dựng trên cơ sở tiêu chuẩn, quy chuẩn xây dựng hiện hành... Trường hợp nhà, đất trong khu vực đã có QH chi tiết được duyệt (tỷ lệ 1/500, 1/2000), hướng dẫn này cũng quy định: Trường hợp đã có QH chi tiết nhưng chưa có nhà đầu tư, về đất đai được thực hiện đầy đủ các quyền theo Luật Đất đai; được xem xét cho phép chuyển mục đích sử dụng đất phù hợp với chức năng QH được duyệt... Về xây dựng, nếu phù hợp với QH sẽ được xem xét cấp giấy phép xây dựng; nếu không phù hợp QH, mà hộ dân có đầy đủ giấy tờ về quyền sử dụng đất ở và có yêu cầu xây dựng thì được cấp giấy phép xây dựng tạm có thời hạn...

* Thưa đồng chí, Sở Xây dựng sẽ tập trung tham mưu vào những lĩnh vực nào để có bước phát triển đột phá QH đô thị trong những năm tới?

- Cập nhật, rà soát, kiến nghị điều chỉnh kịp thời hệ thống văn bản pháp luật của ngành. Phổ biến, hướng dẫn các văn bản pháp quy ngành xây dựng. Tập trung hoàn thành các đồ án QH, bao gồm: điều chỉnh QH chung xây dựng thành phố đến năm 2030, làm cơ sở để triển khai các đồ án QH phân khu, QH chi tiết; QH các khu dân cư, tái định cư cho các dự án trọng điểm; thiết lập các đồ án QH hạ tầng kỹ thuật cho thành phố; hoàn thành việc QH các xã theo tiêu chí nông thôn mới. Tham mưu cho UBND thành phố trong việc lập Quy chế quản lý QH, kiến trúc đô thị theo tinh thần Thông tư 19/2010/TT-BXD ngày 22 - 10 – 2010 (hướng dẫn lập Quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc đô thị). Chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan xây dựng cơ chế chính sách, giải pháp nhằm thu hút, huy động nguồn lực để đầu tư xây dựng và phát triển đồng bộ các khu đô thị mới, kiểu mẫu và tổ chức thực hiện các chương trình, dự án đầu tư phát triển đô thị đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo phân công của Chủ tịch UBND thành phố. Tăng cường tuyên truyền phổ biến pháp luật về lĩnh vực xây dựng. Xây dựng quy định về cấp phép xây dựng trên địa bàn TP Cần Thơ để các tổ chức và công dân có cơ sở thực hiện đảm bảo tính thống nhất và nhanh chóng...

Nhiệm vụ trọng tâm mà chúng tôi quyết tâm thực hiện trong năm nay là kêu gọi và đôn đốc tiến độ triển khai các dự án khu tái định cư. Bởi đây là nhiệm vụ hàng đầu, là cơ sở quan trọng để triển khai các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng, xây dựng các công trình phát triển kinh tế – xã hội trên địa bàn thành phố thuận lợi. Từ trước đến giờ, dự án TĐC thường là dự án thành phần trong dự án xây dựng nên khi triển khai dự án xây dựng thì mới triển khai dự án TĐC, nên không thể có chỗ nơi kịp thời đáp ứng nhu cầu TĐC của người dân trong vùng dự án.

Ngoài ra, để hạn chế tình trạng dự án “treo”, Sở Xây dựng sẽ không QH 1/500 khi chưa có nhà đầu tư (trừ những trường hợp ở những khu vực đặc biệt), mà chủ yếu chỉ QH phân khu tỷ lệ 1/5000, 1/2000 tiến tới phủ kín QH các trung tâm quận, huyện, tạo điều kiện thuận lợi cho công tác quản lý xây dựng ở các địa phương. Thứ hai, khi có nhà đầu tư tham gia đầu tư vào QH đó, thì Sở Xây dựng sẽ xem xét trình cấp có thẩm quyền về chủ trương đầu tư dựa trên các tiêu chí quan trọng là năng lực tài chính, năng lực tổ chức thực hiện dự án, kinh nghiệm chuyên môn của nhà đầu tư... để làm sao các dự án triển khai đảm bảo được tiến độ và hiệu quả. Thứ ba, là thường xuyên theo dõi tiến độ thực hiện các dự án thuộc phạm vi được giao quản lý nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong quá trình thực hiện, tạo điều kiện cho nhà đầu tư nhanh chóng hoàn thành dự án...

* Xin cảm ơn đồng chí!

THIỆN KHIÊM (thực hiện)

Chia sẻ bài viết