17/03/2009 - 08:53

Phát triển nguồn nhân lực ĐBSCL trong thời kỳ hội nhập

Cần có chiến lược phù hợp và căn cơ

Thiếu chiến lược đào tạo, thu hút nhân tài và môi trường làm việc hấp dẫn đang làm nguồn nhân lực chất lượng cao của Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) ngày càng khan hiếm. “Đốt đuốc” đi tìm người quản trị doanh nghiệp giỏi đang là chuyện bức xúc ở vùng đất trù phú này. Với 7 chuỗi sự kiện tại Diễn đàn hợp tác kinh tế ĐBSCL (MDEC An Giang 2009) dự kiến diễn ra vào tháng 5-6/2009, do tỉnh An Giang đăng cai sẽ tập trung bàn biện pháp giải quyết những bất cập này.

THIẾU VỀ CHẤT LẪN LƯỢNG!

ĐBSCL là vựa nông sản của cả nước, cung cấp 70% nông sản hàng hóa cho thị trường trong nước và xuất khẩu, nhưng nhiều năm qua vẫn chưa theo kịp đà tăng trưởng chung của cả nước. Hơn 17 triệu dân, trong đó gần 80% gắn bó với kinh tế nông nghiệp tạo ra một lực lượng lao động tại chỗ đông đảo. Tuy nhiên, nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu trong sản xuất, kinh doanh và quản lý lại thiếu. Tình trạng thừa lao động phổ thông, thiếu lao động có kỹ năng theo tiêu chuẩn công nghiệp không chỉ làm đau đầu nhà quản lý mà cả DN sản xuất, kinh doanh trong vùng. Phát triển nguồn nhân lực là 1 trong 3 lĩnh vực đột phá được Chính phủ xác định trong chiến lược phát triển kinh tế- xã hội vùng ĐBSCL (giao thông; thủy lợi; giáo dục đào tạo và dạy nghề) đến năm 2010.

Ban chỉ đạo Diễn đàn MDEC họp thông qua nội dung diễn đàn (ngày 11-3-2009) tại An Giang. 

Theo Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội, lao động qua đào tạo của vùng ĐBSCL hiện chưa quá 30%, dù đây được xem là vùng có nguồn nhân lực khá dồi dào. Mặt khác, DN khi tuyển dụng lao động phải đào tạo lại tay nghề nên rất tốn kém. Do trên thực tế, công tác dự báo thị trường và kế hoạch đào tạo của cơ sở đào tạo nghề còn yếu kém, chưa bám sát thực tế nhu cầu của DN về thị trường lao động.

Tính đến tháng 6-2008, toàn vùng có 344 cơ sở dạy nghề công lập và 194 ngoài công lập. Theo đánh giá của các ngành chức năng, mạng lưới cơ sở dạy nghề hiện nay còn mỏng, toàn vùng mới có 5 trường cao đẳng nghề và 18 trường trung cấp nghề (1,38 trường/1 tỉnh; trong khi bình quân cả nước 5 trường/1 tỉnh). Cơ sở vật chất, trang thiết bị lạc hậu, đội ngũ giảng viên thiếu và yếu năng lực chuyên môn; đồng thời chưa có chương trình, giáo trình cũng như hệ thống kiểm định, đánh giá chất lượng đào tạo. Việc huy động DN, các khu công nghiệp, làng nghề... tham gia dạy nghề còn hạn chế. Mặt khác, ngành nghề đào tạo chủ yếu là nghề phổ thông (may, sửa chữa thiết bị nông nghiệp, điện tử dân dụng...) nên hoạt động dạy nghề của vùng chưa bắt kịp nhu cầu thị trường lao động.

Làm gì để phát triển nguồn nhân lực ĐBSCL trong thời kỳ hội nhập là chủ đề được đưa ra tại Diễn đàn MDEC An Giang 2009 với 7 chuỗi sự kiện như: Hội thảo khoa học về phát triển nguồn nhân lực ĐBSCL; gặp gỡ giao lưu giữa chính quyền, DN các tỉnh ĐBSCL với sinh viên tại TP Hồ Chí Minh; hội nghị hợp tác xúc tiến đầu tư ĐBSCL; vinh danh các cá nhân và tổ chức có đóng góp cho sự phát triển của vùng; diễn đàn đầu tư- thương mại ĐBSCL; hội nghị lãnh đạo các tỉnh ĐBSCL và các bộ ngành liên quan; chương trình truyền thông về phát triển nguồn nhân lực. Tại cuộc họp thông qua nội dung diễn đàn (ngày 11-3-2009), Ban tổ chức MDEC bày tỏ quan điểm muốn đi sâu vào phân tích những nguyên nhân tạo nên sự yếu kém trong công tác phát triển nguồn nhân lực. Từ đó, tìm ra hướng đi mới cho vùng, từng bước cải thiện chất lượng nguồn nhân lực theo hướng chuyên sâu và bám sát nhu cầu thực tiễn để nâng cao năng lực cạnh tranh.

Ông Trần Khiêu, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Trà Vinh, phản ánh: “Ở Trà Vinh, tìm người quản trị DN rất khó. Đây là trở ngại cho địa phương trong phát triển kinh tế, thu hút đầu tư. Do vậy, tại Diễn đàn lần này, tôi hy vọng Trung ương có chính sách hỗ trợ cho các địa phương trong vùng để kiện toàn và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao”. Đồng tình với ý kiến này, ông Tô Minh Giới, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, cho rằng: Muốn phát triển kinh tế ĐBSCL, vấn đề quan trọng sống còn là nguồn nhân lực. ĐBSCL có nguồn nhân lực dồi dào, nhưng chưa được quan tâm đào tạo đúng mức. Do vậy, cần có chương trình hành động mang tính liên vùng để giải quyết vấn đề này trong thời gian tới.

XÂY DỰNG CHIẾN LƯỢC DÀI HƠI

Ông Lưu Phước Lượng, Phó trưởng Ban chỉ đạo Tây Nam bộ, Trưởng Ban chỉ đạo MDEC, cho biết: “Với chủ đề Phát triển nguồn nhân lực ĐBSCL trong thời kỳ hội nhập, nói lên những bất cập trong đào tạo nhân lực của vùng. Tuy nhiên, kinh tế nông nghiệp ĐBSCL vẫn đang giữ vai trò chủ lực, nên diễn đàn sẽ đi sâu vào nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu phát triển nông nghiệp bền vững, góp phần xây dựng nông thôn mới của vùng”. Theo ông Lượng, MDEC An Giang 2009 cần đi thẳng vào bàn giải pháp, cơ chế thực hiện, phối hợp liên vùng để giải quyết vướng mắc trong thời gian qua. Mặt khác, cần tranh thủ các chương trình hỗ trợ đào tạo từ Trung ương, các tổ chức nước ngoài cho địa phương trong vùng ĐBSCL.

Với vai trò chủ nhà đăng cai tổ chức diễn đàn, UBND tỉnh An Giang đã ra quyết định thành lập Ban tổ chức diễn đàn, bà Phan Thị Thúy Truyển, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại- Đầu tư- Du lịch An Giang, Phó ban thường trực MDEC An Giang 2009, cho biết: “Diễn đàn sẽ tạo thành một cuộc vận động xã hội phát huy và cổ vũ tinh thần hiếu học trong cộng đồng, nhất là vùng nông thôn. Qua đó, đề xuất những vấn đề phục vụ chiến lược xây dựng nông nghiệp- nông dân - nông thôn trên cơ sở làm chuyển biến nhận thức về giáo dục và đào tạo thế hệ trẻ, bồi dưỡng nhân tài trong lực lượng công nhân nông nghiệp, công nghiệp của vùng. Xây dựng hình ảnh tiêu biểu cho sự năng động của vùng trong thời kỳ mới”. MDEC An Giang 2009 sẽ đặt chiến lược phát triển nguồn nhân lực ĐBSCL trong mối tương quan giữa nhà trường- người lao động- DN- chính quyền địa phương và các cơ quan trung ương.

Theo bà Truyển, để tránh tình trạng “khát” lao động có tay nghề ở các khu công nghiệp, khan hiếm nguồn nhân lực quản trị DN cao cấp trong các tổ chức kinh tế lớn của vùng trong những năm tới, ĐBSCL phải xây dựng một chiến lược phát triển nguồn nhân lực theo hướng tăng cường qui mô và chất lượng. Trong thời gian tới, khi dòng vốn đầu tư trong nước và nước ngoài đổ vào ĐBSCL nhiều hơn, việc đào tạo đón đầu sẽ mở ra cơ hội cho vùng trong thúc đẩy phát triển kinh tế. Tuy nhiên, việc đào tạo phải dựa trên một hệ thống dự báo mang tính liên kết giữa các địa phương trong vùng và các vùng lân cận để cùng nhau xây dựng thương hiệu chung cho vùng. Đồng thời, nhằm tránh thực trạng nguồn nhân lực đã được đào tạo của ĐBSCL chảy về những khu vực khác.

Ông Nguyễn Hữu Đệ, Phó Giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, chi nhánh Cần Thơ (VCCI Cần Thơ), cho biết: “Hiện tại, VCCI đang đầu tư xây dựng trung tâm đào tạo DN quốc gia và tại ĐBSCL sẽ có 1 trung tâm cấp vùng. Trung tâm này sẽ tập trung đào tạo về quản lý, điều hành DN gắn với hệ thống vườn ươm DN để giúp những cá nhân có ý tưởng khởi sự kinh doanh và những DN mới thành lập còn hạn chế về năng lực”. Theo ông Đệ, để giữ chân nguồn lao động có tay nghề, các địa phương cần có chính sách phù hợp. Nếu được đầu tư đúng mức, nguồn lao động có tay nghề của vùng không chỉ giảm bớt dịch chuyển đến những đô thị lớn, mà còn sẽ thu hút thêm lao động từ các vùng miền khác về làm việc. Mặt khác, môi trường làm việc là yếu tố quan trọng để giữ chân lao động trình độ và tay nghề cao, chứ không hẳn chỉ là chính sách hay mức lương.

Bài, ảnh: GIA BẢO

Chia sẻ bài viết