Những bữa cơm ngày Tết thì đồ ăn, thức uống rất đa dạng. Nhiều gia đình còn trữ sẵn nhiều thực phẩm khô, thức ăn nhanh, bánh kẹo để tiếp khách, đãi người thân. Bên cạnh niềm vui sum vầy, nhiều người có chung nỗi lo, chế độ dinh dưỡng “bất thường” mấy ngày Tết dễ gây tăng cân...
Các chuyên gia khuyến cáo thực hiện chế độ ăn cân đối, bổ sung nhiều rau củ, trái cây để có sức khỏe tốt dịp Tết.
Chị Kiều Mai (43 tuổi), ở quận Bình Thủy, TP Cần Thơ kể, trong một, hai tuần Tết, ngày nào gia đình cũng nấu nhiều món ngon, với tâm lý vui vẻ khi được quây quần bên người thân nên đôi khi khó “kiềm lòng” trước “cám dỗ”. Rốt cuộc, sau Tết lại phải tăng cường tập thể dục để giảm cân nặng! Ðó không chỉ là lo lắng của chị Mai mà còn là nỗi lo của nhiều chị em khi bước vào tuổi trung niên. Nhiều chị than thở, thường ngày kiểm soát gắt chế độ ăn uống. Vì vậy, mỗi dịp lễ, Tết, các chị rất lo lắng về vấn đề mất cân bằng dinh dưỡng gây tăng cân.
Trong chương trình truyền hình trực tuyến Dinh dưỡng an toàn trong dịp lễ, Tết, PGS.TS.BS Nguyễn Xuân Ninh, Phó Viện trưởng Viện Y học Ứng dụng Việt Nam cho biết, ngày thường chúng ta thường chỉ ăn 3 bữa sáng, trưa, tối, ngoài ra có thể ăn thêm 1-2 bữa phụ. Nhưng ngày Tết, thức ăn đa dạng hơn, một số món ăn ngày Tết xuất hiện nhiều hơn như bánh tét, bánh chưng, chả, nem, thịt quay và các loại bánh trái... đa dạng về chủng loại, năng lượng dinh dưỡng cũng cao hơn. Ví dụ ¼ chiếc bánh chưng có thể tương đương năng lượng với 2 chén cơm đầy, hơn cả 1 bữa ăn vì chứa cả thịt, đậu xanh, gạo nếp. Tổng năng lượng chúng ta đưa vào cơ thể thêm khoảng 1.000 calo so với ngày thường, kết hợp việc tập luyện lại giảm đi, nên sau khoảng vài ngày là đã có thể lên 1-2kg.
Theo TS.BS CKI Dương Trọng Hiền, Trưởng khoa Cấp cứu bụng, Phó trưởng bộ môn ngoại Ðại học Quốc gia, những ngày Tết thay đổi hoàn toàn nhịp sống, chế độ ăn chuyển sang sử dụng các thực phẩm nhiều chất béo, nhiều đường… dễ dẫn tới tình trạng dư thừa, ảnh hưởng hệ tiêu hóa, gây ra những rối loạn không tốt cho sức khỏe. Dịp Tết, các gia đình cũng thường có xu hướng tiêu thụ nhiều thực phẩm từ động vật hơn là thực vật. Ðiều này dẫn đến sự mất cân bằng cho chế độ dinh dưỡng. Ngoài các bữa ăn chính, các món ăn vặt như bánh kẹo, mứt, khô các loại, đều chứa năng lượng, chất béo cũng như đường và đạm cao. Ngày Tết cũng là dịp đoàn viên, sum vầy nên giờ giấc sinh hoạt cũng có sự xáo trộn, giờ giấc của các bữa ăn cũng thay đổi, việc ăn uống không còn điều độ.
Các chuyên gia khuyến cáo, ngày Tết phải lưu ý thời gian ăn hợp lý, chọn đồ ăn lành mạnh để cả nhà vui khỏe. Mọi người có thể chủ động xây dựng chế độ dinh dưỡng an toàn, cố gắng đừng xáo trộn nhiều so với ngày thường. Ðảm bảo thức ăn trong một ngày có đủ các thành phần ngũ cốc, thịt và rau quả. Theo PGS.TS Nguyễn Xuân Ninh, do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, ngành Y tế khuyến cáo mọi người hạn chế tối đa việc tụ tập đông người để tránh lây lan bùng phát dịch COVID-19. Do vậy, nhiều người chia sẻ dự định sẽ ăn Tết tại nhà, chủ yếu thăm hỏi, giao lưu trực tuyến. Gia đình nên chuẩn bị các bữa ăn ngon, giàu dinh dưỡng, các thành viên cố gắng giữ nếp sinh hoạt, ăn uống điều độ, bổ sung rau xanh và quả chín; dành thời gian tập thể dục thể thao mỗi ngày.
Trẻ nhỏ thích bánh kẹo và nước uống có gas, tuy nhiên, loại thực phẩm này chỉ cung cấp năng lượng chứ không cung cấp các chất tốt cho dạ dày, hệ tiêu hóa. Cụ thể, niêm mạc dạ dày phải được tiếp xúc với chất rau, chất xơ, đạm mới có thể hoạt động tốt được. Do đó, phải tập cho trẻ con chế độ ăn lành mạnh. Những người có bệnh mạn tính như cao huyết áp, tim mạch, đái tháo đường cần lưu ý dinh dưỡng hợp lý ngày Tết. Theo TS.BS Dương Trọng Hiền, người có bệnh mạn tính, nhất là có tiền sử gan nhiễm mỡ, tiếp cận chế độ ăn không kiểm soát, dù trong thời gian ngắn cũng khiến tình trạng bệnh xấu thêm, cơ thể tích thêm mỡ trong gan. Khi đó, việc tập thể dục hay dùng thuốc điều trị cũng khó khắc phục được tình trạng gan tích mỡ. Chế độ dinh dưỡng cần cân bằng, khoa học để bảo đảm sức khỏe.
Bài, ảnh: THU SƯƠNG