13/01/2024 - 21:23

Cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh cần thực chất

Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 02/2024/NQ-CP về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2024. Để tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp (DN), Chính phủ yêu cầu các cấp, ngành, địa phương quán triệt, chấp hành nghiêm, thực hiện đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả, thực chất các nghị quyết, kết luận của Đảng, Chính phủ, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; đảm bảo quyền tự do kinh doanh, tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, giảm các chi phí, giảm rủi ro cho DN… Mục tiêu năm 2024, phấn đấu số DN gia nhập thị trường tăng ít nhất 10%, DN rút lui khỏi thị trường dưới 10% so với năm 2023. Năng lực đổi mới sáng tạo tăng ít nhất 3 bậc; chỉ số Chất lượng môi trường lên ít nhất 10 bậc; nâng xếp hạng chỉ số Xuất khẩu dịch vụ ICT lên ít nhất 5 bậc… Đồng thời, tăng khả năng tiếp cận và hấp thụ vốn cho DN; hoàn thiện thể chế.

Có thể thấy rằng, để cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, Chính phủ đã ban hành các nghị quyết độc lập từ năm 2014 đến nay (2014-2018 là Nghị quyết 19; từ 2019 đến 2021 là Nghị quyết 02) thể hiện sự quyết tâm rất lớn. Các nghị quyết đều nêu nhiệm vụ, giải pháp cụ thể để thực hiện. Qua đó, môi trường đầu tư kinh doanh được cải thiện đáng kể, tạo điều kiện hỗ trợ phát triển lực lượng DN, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Năm 2021, Chỉ số Tự do kinh tế do tổ chức Heritage Foundation đánh giá xếp vị trí 90; đến năm 2022 lên vị trí 84. Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII) từ vị trí 83 năm 2021 lên hạng 51 năm 2022; Chỉ số thành phần Tự do kinh doanh cũng tăng điểm mạnh, mức tăng từ 65,2 lên 73,6 điểm năm 2022. Trong 11 tháng năm 2023, Fitch Rating xếp hạng Tín nhiệm quốc gia của Việt Nam lên mức BB+ và triển vọng ổn định… Thể hiện sự nỗ lực rất lớn của toàn hệ thống chính trị, sự chung sức của người dân, DN trong thực thi chính sách.

Trong xu thế toàn cầu hóa hiện nay, các nước sẽ đẩy mạnh hơn nỗ lực cải cách, gia tăng hợp tác để chuyển đổi kép nhằm thúc đẩy tương tác giữa chuyển đổi số và chuyển đổi xanh. Bên cạnh đó, thách thức từ sự cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn dự đoán gia tăng sẽ tác động mạnh đến môi trường an ninh, phát triển của nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam. Nhiều dự báo cho rằng, dòng vốn đầu tư toàn cầu 2024-2025 sẽ có nhiều bất định hơn, có thể bị thu hẹp do áp lực cạnh tranh toàn cầu tăng cao. Vì vậy, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh là yếu tố tiên quyết để ứng phó với các thách thức toàn cầu. Các ý kiến cũng nhấn mạnh, với đà phục hồi có nhiều điểm sáng ở các nền kinh tế châu Á, trong đó có Việt Nam gắn với các hiệp định FTAs, có thể tạo thêm động lực để giữ chân nhà đầu tư nước ngoài và thu hút thêm nhà đầu tư mới. Việt Nam đang được các nhà đầu tư nước ngoài đánh giá cao về tính ổn định trong hoạt động sản xuất kinh doanh, đây là cơ hội để tăng tiềm lực phát triển, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

SONG NGUYÊN

 

Chia sẻ bài viết