17/06/2023 - 22:01

Cách Trung Quốc tạo ảnh hưởng tại Trung Đông 

THANH BÌNH (Theo GJIA, The Geopolitics)

Trong khi Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương trở thành tiêu điểm trong chính sách ngoại giao và chiến lược nước ngoài của Mỹ những năm gần đây, Trung Quốc nổi lên là nhân tố nổi bật tại Trung Đông khi tái định hình những động lực an ninh khu vực thông qua sự hợp tác ngày càng sâu. Những lợi ích của Bắc Kinh tại đây vượt khỏi các nguồn năng lượng truyền thống và chứa đựng những toan tính chiến lược, địa chính trị và kinh tế.

Thư ký Hội đồng an ninh quốc gia Iran Ali Shamkhani (phải), nhà ngoại giao hàng đầu của Trung Quốc Vương Nghị (giữa) và Cố vấn an ninh quốc gia Saudi Arabia Musaad Al Aiban tại lễ công bố thỏa thuận khôi phục quan hệ ngoại giao Iran - Saudi Arabia hồi tháng 3-2023. Ảnh: Xinhua

Thư ký Hội đồng an ninh quốc gia Iran Ali Shamkhani (phải), nhà ngoại giao hàng đầu của Trung Quốc Vương Nghị (giữa) và Cố vấn an ninh quốc gia Saudi Arabia Musaad Al Aiban tại lễ công bố thỏa thuận khôi phục quan hệ ngoại giao Iran - Saudi Arabia hồi tháng 3-2023. Ảnh: Xinhua

Trung Quốc đã ký thỏa thuận đối tác chiến lược và bản ghi nhớ về những hoạt động kinh tế của nước này với phần lớn các quốc gia Trung Đông. Đây không phải xu hướng mới bởi suốt 2 thập niên qua Trung Quốc đã thiết lập các mối quan hệ chặt chẽ với nhiều tổ chức trong khu vực, gồm Đối thoại chiến lược Trung Quốc - Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC) vào năm 2010 hay Diễn đàn Hợp tác Trung Quốc - Các quốc gia Arab (CASCF) năm 2004. 

Gần đây hơn, những sáng kiến ngoại giao cho thấy Trung Quốc tiếp tục đầu tư mạnh nhằm phát triển quan hệ với các nước Trung Đông. Năm ngoái, Bắc Kinh đã tổ chức Hội nghị thượng đỉnh Trung Quốc - Arab đầu tiên và Hội nghị thượng đỉnh Trung Quốc - GCC, thể hiện cam kết tăng cường quan hệ đối tác chiến lược trong khu vực cũng như đẩy mạnh phát triển kinh tế vượt khỏi những lợi ích năng lượng truyền thống. Sự hợp tác ngày càng lớn của Trung Quốc tại Trung Đông chính là yếu tố quan trọng để định hình viễn cảnh địa chính trị của khu vực và cũng bao gồm những ý đồ về chính trị toàn cầu. 

Kinh tế, cơ sở hạ tầng

Ở lĩnh vực kinh tế, Trung Quốc đã tăng cường trao đổi thương mại với khu vực, tới mức trong năm 2020 đã vượt Liên minh châu Âu (EU) trở thành đối tác thương mại lớn nhất của GCC. Ngoài ra, Trung Quốc hiện là đối tác thương mại phi dầu mỏ hàng đầu của Saudi Arabia và Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE). Các Hiệp định thương mại tự do (FTA) với những thành viên GCC nằm ở vị trí cao trong chương trình nghị sự ngoại giao của Trung Quốc.

Mức độ sâu sắc trong quan hệ kinh tế giữa Trung Quốc và các quốc gia Arab có thể thấy qua số liệu trong giai đoạn 1980-2021, hàng hóa xuất khẩu của Bắc Kinh sang vùng Vịnh đã tăng với tốc độ 11,7%/năm, trong khi lượng hàng hóa đi theo chiều ngược lại tăng 19,7%/năm. Năm 2021, Trung Quốc nhập khẩu hơn 40% lượng dầu thô từ Trung Đông, trong đó Saudi Arabia đóng góp 17% tổng nhu cầu dầu mỏ của quốc gia Đông Á. Trong năm đó, trao đổi thương mại giữa Trung Quốc và các nước Arab đã tăng lên 330 tỉ USD. Chỉ tính riêng Saudi Arabia, kim ngạch thương mại song phương đã nhảy từ 417 triệu USD năm 1990 lên 65,2 tỉ USD năm 2020. Hiện Trung Quốc là khách hàng mua dầu lớn nhất của Saudi Arabia và Iran.

Mặt khác, Bắc Kinh mở rộng các dự án đầu tư ở Trung Đông thông qua “Vành đai, Con đường” (BRI), sáng kiến kể từ khi được công bố vào năm 2013 đã trở thành công cụ quan trọng trong chính sách đối ngoại của nước này. Trung Đông đặc biệt có ý nghĩa quan trọng đối với thành tố hàng hải trong BRI vì Trung Quốc phụ thuộc vào nhập khẩu năng lượng. Theo Báo cáo vốn đầu tư BRI của Trung Quốc trong năm 2021, phần lớn các dự án đầu tư BRI của nước này khi đó đều nhắm đến Trung Đông và Bắc Phi. Năm 2022, các nước Trung Đông đã mở rộng hợp tác với Trung Quốc và tiếp nhận khoảng 23% tổng vốn đầu tư BRI của Bắc Kinh, tăng so với 16,5% trong năm trước đó. Đến nay, có 15 quốc gia Trung Đông tham gia sáng kiến BRI.

Trung Quốc không giấu kế hoạch mở rộng dấu chân kỹ thuật số tại Trung Đông. Khu vực này đóng vai trò chủ đạo trong “Con đường tơ lụa kỹ thuật số” (Hành lang kỹ thuật số trong BRI), mà theo đó các công ty của Bắc Kinh đạt thỏa thuận phát triển mạng 5G với các nước GCC. 

Ổn định về ngoại giao

Là một trong những cường quốc hàng đầu thế giới, Trung Quốc có lợi ích riêng khi duy trì hòa bình và ổn định tại Trung Đông, trong bối cảnh đất nước tỉ dân phụ thuộc vào nhập khẩu dầu mỏ từ khu vực này. Đồng thời, các quốc gia Trung Đông nhận thấy nguyên tắc của Trung Quốc không can thiệp vào vấn đề nội bộ các nước và cam kết bảo vệ những lợi ích chung thông qua sự độc lập và tự chủ là lựa chọn hấp dẫn khi các nước này muốn đa dạng hóa các mối quan hệ về an ninh, kinh tế. Cách tiếp cận này lại phù hợp với khát khao tìm kiếm mức độ tự chủ và linh hoạt lớn hơn trong quan hệ đối ngoại của các quốc gia Trung Đông. Thế nên, quan điểm trung lập trong khu vực đã giúp Trung Quốc có khả năng đặc biệt để tích cực tham gia vào các nỗ lực làm trung gian và thúc đẩy hòa bình trong những năm gần đây tại một số cuộc xung đột nổi cộm nhất của khu vực, như ở Syria và Yemen, thương lượng về thỏa thuận hạt nhân Iran. Tuy nhiên, thành tựu lớn nhất của Trung Quốc là đứng ra hòa giải để Iran và Saudi Arabia đặt bút ký vào thỏa thuận bình thường hóa quan hệ song phương trong năm nay vốn làm thay đổi các mối quan hệ khu vực.

“Chiến thắng” ngoại giao trên đã hạ nhiệt những căng thẳng trong khu vực và cũng đẩy các quốc gia Trung Đông tới gần hơn phạm vi ảnh hưởng của Trung Quốc. Bằng cách tán thành sử dụng đồng nhân dân tệ trong các giao dịch dầu mỏ, khuyến khích Iran và Saudi Arabia gia nhập Nhóm các nền kinh tế mới nổi hàng đầu thế giới (BRICS) cũng như nỗ lực “phi USD hóa” trong thương mại quốc tế, Trung Quốc tiếp tục theo đuổi thế giới đa cực, vốn là ưu tiên trong chính sách đối ngoại của nền kinh tế lớn thứ hai hành tinh.

Về khía cạnh quân sự, Trung Quốc đã tăng cường bán vũ khí sang Trung Đông, tham gia tập trận quân sự với 2 thế lực lớn nhất trong khu vực là Saudi Arabia và Iran, thúc đẩy hợp tác sản xuất vũ khí. Đây là những diễn biến rất quan trọng đối với nhiều nước Trung Đông trong bối cảnh quan hệ với Mỹ bế tắc và Washington từ chối bán những vũ khí hiện đại hơn. Trung Quốc có thể lấp đầy khoảng trống trên bằng cách xuất khẩu các vũ khí tiên tiến như tên lửa đạn đạo Đông Phong và máy bay không người lái ném bom Wing Loong.

Cuối cùng là quyền lực mềm mà Trung Quốc thể hiện trong khu vực thông qua một loạt sáng kiến nhân đạo, gồm viện trợ y tế trong đại dịch COVID-19, quảng bá văn hóa, các sáng kiến về giáo dục và thành lập các Viện Khổng Tử tại Trung Đông (tính đến năm 2021 là 15 viện). Tất cả những sáng kiến này đã góp phần tạo nên hình ảnh tích cực của Trung Quốc trong khu vực cũng như nhấn mạnh vai trò của nước này là cường quốc có trách nhiệm và là đối tác đáng tin cậy.

Mặc dù Trung Quốc gần đây bắt đầu đóng vai trò địa chính trị chủ động hơn, song ít có khả năng nước này thế chân Mỹ tại Trung Đông. Mỹ cho đến nay vẫn là quốc gia cung cấp an ninh duy nhất trong khu vực và có hơn 30 căn cứ quân sự với sự hiện diện lực lượng binh sĩ hùng hậu trên khắp khu vực. Mỹ cũng là nhà cung cấp vũ khí lớn nhất cho khu vực trong nhiều năm qua.
Chia sẻ bài viết