03/08/2008 - 21:06

Cách tính thời gian đóng và hưởng BHXH

Hỏi:

Tôi công tác tại UBND xã Y, chức vụ Trưởng ban tổ chức Đảng ủy xã Y. Tôi làm việc liên tục từ năm 1982 đến nay:

- Từ năm 1982 đến năm 1991: Làm Ủy viên ủy ban phụ trách tài chính (9 năm).

- Từ năm 1991, trong thời gian 18 tháng tôi phụ trách Đảng ủy - Chánh văn phòng Đảng ủy, hết 18 tháng này, tôi được chuyển qua làm Ủy viên thư ký (văn phòng) rồi chuyển qua làm công tác tổ chức Đảng 22 tháng.

Tóm lại, trong thời gian tôi làm Ủy viên Ủy ban phụ trách tài chính đến phụ trách Đảng ủy -Chánh văn phòng Đảng ủy (9 năm và 18 tháng), BHXH không bảo lưu cho tôi. Đến khi tôi làm Ủy viên thư ký và công tác tổ chức 22 tháng, BHXH cũng không bảo lưu cho tôi. Vậy là, từ khi làm Ủy viên ủy ban phụ trách tài chính đến Ủy viên thư ký là gần 13 năm nhưng BHXH cắt toàn bộ, tôi không được hưởng BHXH. Xin hỏi: BHXH có quy định như thế nào về vấn đề này?

N.V.X (huyện Cờ Đỏ, TP.Cần Thơ)

Thắc mắc của bạn N.V.X (huyện Cờ Đỏ, TP.Cần Thơ) được ông Nguyễn Thanh Long, Phó Giám đốc Bảo hiểm xã hội TP.Cần Thơ, trả lời như sau:

Căn cứ vào Nghị định 09/1998/NĐ-CP ngày 23-1-1998 của Chính phủ và Thông tư liên tịch số 99/1998/TTLT-TCCP-BTC-BLĐTB&XH ngày 19-5-1998 của Ban Tổ chức Chính phủ-Bộ Tài chính-Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Bảo hiểm xã hội Việt Nam có Công văn số 806/BHXH-CĐCS ngày 14-7-1998 về việc thực hiện chế độ trợ cấp BHXH đối với cán bộ xã, phường, thị trấn tại điểm 3 mục II Công văn này hướng dẫn việc xác định thời gian công tác ở xã trước ngày 1-1-1998 được tính là thời gian có tham gia BHXH như sau:

“3.1 Với các chức danh cán bộ xã quy định tại Nghị định số 09/1998/NĐ-CP nếu công tác liên tục đến ngày 1-1-1998 thì thời hạn giữ các chức danh trước tháng 1-1998 đó được tính hưởng BHXH.

3.2 Đối với cán bộ xã thuộc đối tượng nêu tại mục I của Công văn số 806/BHXH-CĐCS ngày 14-7-1998 (mục I của Công văn này quy định đối tượng thực hiện chế độ BHXH đối với cán bộ xã, bao gồm: 1. Bí thư Đảng ủy xã (nếu chưa có Đảng ủy xã thì bí thư chi bộ xã); 2. Phó Bí thư Đảng ủy xã (nếu chưa có Đảng ủy xã thì Phó Bí thư chi bộ xã); Chủ tịch HĐND, Chủ tịch UBND xã; 3. Phó Chủ tịch HĐND xã, Phó Chủ tịch UBND xã, Thường trực Đảng ủy xã (nơi Bí thư hoặc Phó Bí thư kiêm chức danh chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch HĐND và UBND), Chủ tịch MTTQ, Hội trưởng Hội liên hiệp phụ nữ, Hội trưởng hội nông dân, Hội trưởng Hội cựu chiến binh, Bí thư Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, xã đội trưởng, trưởng CA xã; 4. Ủy viên UBND xã; 5. các chức danh khác thuộc UBND xã; 6. Bốn chức danh chuyên môn gồm: Địa chính, Tư pháp-Hộ tịch, Tài chính-Kế toán, Văn phòng UBND-Thống kê tổng hợp) nếu có thời gian liên tục là cán bộ xã trước tháng 1-1998 với các chức danh quy định tại tiết a điểm 15 Thông tư số 13/NV ngày 4-9-1972 của Bộ nội vụ (nay là Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) thì thời gian đó được tính hưởng BHXH.

3.3 Trường hợp trước tháng 1-1998 vừa có thời gian giữ các chức danh nêu tại mục I của Công văn số 806/BHXH-CĐCS ngày 14-7-1998, vừa có thời gian liên tục giữ chức vụ chủ chốt ở, xã nêu tại tiết a điểm 15 Thông tư số 13/NV và công tác liên tục đến tháng 1-1998 thì thời gian trước tháng 1-1998 được tính là thời gian có tham gia BHXH.

Các trường hợp nêu trên, trong quá trình công tác ở xã trước tháng 1-1998 nếu có thời gian được cử đi học chuyên môn, chính trị hoặc nếu bị cách quãng không quá 12 tháng thì cũng được coi là thời gian công tác liên tục”.

Đối chiếu với hướng dẫn xác định thời gian công tác ở xã trước ngày 1-1-1998 thì trường hợp của bạn N.V.X trình bày trên, có 22 tháng công tác tổ chức Đảng ở xã là không phải chức danh cán bộ xã hưởng sinh hoạt phí theo Nghị định 09/1998/NĐ-CP của Chính phủ quy định. Cho nên, thời gian này được coi là thời gian cách quãng trên 12 tháng thì thời gian trước đó không được tính thời gian đóng và hưởng BHXH.

BÍCH ANH (thực hiện)

Chia sẻ bài viết