19/12/2009 - 09:28

Các trường đại học Nhật năng động trong phát triển nguồn thực phẩm mới

Phát triển cây giọt băng phục vụ nghiên cứu và thị trường tại Đại học Saga. Ảnh: Kyodo photo

“Loài cây này trông có vẻ ăn được” – Đó là phát biểu của một sinh viên Đại học Saga (Nhật) khi chỉ vào loài cây giọt băng đang được nghiên cứu. Câu nói dường như đùa nhưng đã làm lóe lên ý tưởng nghiên cứu về khả năng dinh dưỡng của loài thực vật này trong đầu Giáo sư Akihiro Nose…

Giáo sư Akihiro Nose là người đã có hơn 10 năm nghiên cứu về cây giọt băng (có lá phủ đầy nốt nhỏ long lanh như giọt băng), một loài thực vật có khả năng hút chất muối và ngăn chặn bạc màu của đất. Ông đã tham khảo, tra cứu nhiều thông tin và thậm chí tự dùng thử trước khi kết luận loài cây có dáng hình xinh đẹp này có thể dùng làm thực phẩm, thậm chí là thảo dược. Dù vẫn tiếp tục nghiên cứu, nhưng Giáo sư Nose đã mạnh dạn đưa sản phẩm thí nghiệm của mình đến tay người tiêu dùng. Câu chuyện của giáo sư Nose đã mở đầu một xu hướng tại Đại học Saga và cũng giống như hàng loạt các viện đại học tại xứ hoa anh đào đang theo đuổi việc phát triển và đưa vào thị trường các loại thực phẩm khi chúng còn trong quá trình nghiên cứu.

Có thể nói, thời gian gần đây, các trường đại học và viện nghiên cứu trên đất nước khan hiếm tài nguyên này thi nhau tung ra thị trường các loại thực phẩm vừa phát triển được từ phòng nghiên cứu. Mùa hè vừa qua, 28 viện đại học, trong đó có Đại học Hokkaido, Đại học Shinshu và Đại học Yamagata, đã giới thiệu nhiều sản phẩm của họ ở các cửa hàng bách hóa. Chẳng hạn, Trường Hokkaido bày bán tảo bẹ, Trường Shinshu trưng bày mật ong màu hồng ngọc và Trường Yamagata trình làng bánh mì được làm từ bột gạo. Mặc dù còn gặp nhiều khó khăn do thiếu các đại lý tiêu thụ cũng như bí quyết kinh doanh, nhưng cơ hội thành công của các trường cũng không nhỏ. Điển hình là Đại học Kinki tại Osaka đã rất thành công với Cá ngừ Kindai. Là nơi đầu tiên trên thế giới lai tạo và phát triển thành công cá bột thành cá ngừ trưởng thành, Đại học Kinki đã mạnh dạn đưa giống cá mới này đến khách hàng, tiếp tục ghi nhận phản hồi và không ngừng phát triển để có loại cá cho chất lượng thịt ngon hơn. Và bây giờ, Cá ngừ Kindai đã trở thành một thương hiệu, một thực phẩm rất ấn tượng và hấp dẫn giới sành ăn uống.

Các trường đại học cho rằng việc giới thiệu ra công chúng các loại thực phẩm do các trường nghiên cứu nếu thành công, họ có thể đạt được rất nhiều mục tiêu. Chẳng hạn, nó có thể giúp cụ thể hóa các thành quả trong phòng thí nghiệm, đưa các kết quả nghiên cứu ra công chúng dưới hình thức mà mọi người có thể hiểu được. Mặt khác, người tiêu dùng sẽ là những “giám khảo” khó tính để từ đó các trường có thể nhận được nhiều hơn thông tin phản hồi về các thành quả nghiên cứu của họ. Đồng thời, qua việc đưa sản phẩm của thành tựu khoa học trong trường đến công chúng còn là một hình thức quảng bá, nâng cao hình ảnh, uy tín và chất lượng học tập, nghiên cứu trong nhà trường, thu hút sự quan tâm của giới đầu tư. Ngoài ra, nó có thể giúp các trường đại học và các viện nghiên cứu thu hút lượng sinh viên theo học, một điều khá thiết thực trong bối cảnh cạnh tranh giáo dục khốc liệt hiện nay.

THUẬN HẢI
(Theo Japan Times, Japan Today)

Chia sẻ bài viết