22/01/2021 - 08:12

Các nước giàu “thổi phồng” khoản viện trợ chống biến đổi khí hậu

Một phân tích mới được công bố ngày 21-1 chỉ ra rằng các nước giàu đã “thổi phồng” con số tài trợ cho các nước khác ứng phó với tác động của biến đổi khí hậu, với mức chênh lệch so với thực tế lên tới 20 tỉ USD trong thập kỷ vừa qua, khiến nhiều nước đối mặt với nguy cơ thiếu kinh phí nghiêm trọng.

Theo Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu năm 2015, các nước giàu được yêu cầu đẩy mạnh hỗ trợ tài chính cho chính phủ các nước bị ảnh hưởng nặng nề do biến đổi khí hậu, chia đều các khoản viện trợ cho 2 mục tiêu gồm giảm thiểu tình trạng ấm lên toàn cầu và hỗ trợ các nước ứng phó với các tác động khí hậu trong tương lai.

Các nước phát triển đã cam kết chi 50 tỉ USD mỗi năm cho mục tiêu hỗ trợ các nước ứng phó với tác động khí hậu, đến năm 2020. Tuy nhiên, thống kê chính thức của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) cho thấy năm 2018, số tiền ủng hộ chỉ đạt 16,8 tỉ USD. Trong khi đó, theo phân tích của tổ chức nhân đạo CARE International, khoản viện trợ thực tế còn thấp hơn nhiều, chỉ 9,7 tỉ USD.

CARE cho biết nhiều nước đã “thổi phồng” khoản tài chính trên bằng cách tính gộp cả viện trợ cho các dự án xây dựng như nhà ở, đường sá, hoàn toàn không liên quan tới chống biến đổi khí hậu. Ðại diện của CARE tại Ðan Mạch, ông John Nordbo, cho rằng những người nghèo nhất thế giới, vốn không chịu trách nhiệm gây ra khủng hoảng khí hậu, lại đang là những người chịu tác động nặng nề nhất.

CARE kêu gọi các nước ủng hộ dừng phóng đại chi phí viện trợ và tăng cường minh bạch trong báo cáo tài chính, cũng như đảm bảo các khoản vay không làm gia tăng áp lực nợ cho các nước thiệt hại.

MINH TUẤN (TTXVN)

Chia sẻ bài viết