24/09/2021 - 08:41

Các nước giàu cam kết tăng viện trợ vaccine 

Mỹ, Trung Quốc, Ý và Nhật Bản đồng loạt cam kết sẽ tăng nguồn cung vaccine COVID-19 cho thế giới, trong bối cảnh nhiều nước thiếu hụt trầm trọng vaccine để tiêm đại trà.

Tổng thống Mỹ Biden kêu gọi các nước giàu tăng cường cam kết tặng vaccine, thay vì bán chúng. Ảnh: AP

Hôm 22-9, Tổng thống Joe Biden thông báo sẽ ủng hộ thêm 500 triệu liều vaccine Pfizer cho các nước trên thế giới, nâng tổng số vaccine Mỹ viện trợ lên hơn 1,1 tỉ liều. Tuyên bố được đưa ra trong khuôn khổ Hội nghị thượng đỉnh trực tuyến về COVID-19 toàn cầu do Mỹ tổ chức bên lề kỳ họp thứ 76 của Ðại Hội đồng Liên Hiệp Quốc (ÐHÐ LHQ).

Dự kiến trong 9 tháng đầu năm 2022, toàn bộ số vaccine Mỹ đặt mua tặng cho các nước sẽ được gửi đi. Hãng Pfizer cho biết 500 triệu liều vaccine Chính phủ Mỹ đặt mua trước đó đã được chuyển cho các nước trên thế giới. Ðến nay, Mỹ là nhà tài trợ nhiều vaccine nhất cho thế giới và đã gửi 160 triệu liều đến hơn 100 quốc gia.

Cùng ngày, Ý công bố kế hoạch cung cấp 45 triệu liều vaccine cho các quốc gia khác trước cuối năm nay. Trong thông điệp bằng video gửi tới Hội nghị thượng đỉnh về COVID-19, Thủ tướng Ý Mario Draghi nêu rõ: “Ý đã hứa tặng 15 triệu liều vaccine vào cuối năm 2021. Gần phân nửa trong số này đã được bàn giao và hôm nay tôi vui mừng thông báo rằng chúng tôi sẽ nỗ lực gấp ba lần. Chúng tôi sẽ tặng thêm 30 triệu liều nữa từ nay đến cuối năm để đạt 45 triệu liều vaccine”.

Trước đó, phát biểu qua video trong kỳ họp của ÐHÐ LHQ tại New York (Mỹ), Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình khẳng định sẽ cung cấp 2 tỉ liều vaccine cho thế giới từ nay tới cuối năm. Bắc Kinh cũng sẽ tài trợ thêm 100 triệu liều cho những nước đang phát triển, ngoài khoản đóng góp 100 triệu USD cho chương trình chia sẻ vaccine toàn cầu COVAX.

Hôm qua, đến lượt Nhật Bản tuyên bố tặng thêm 30 triệu liều vaccine cho các nước khác. “Tôi vui mừng thông báo rằng với việc đóng góp thêm, Nhật Bản sẽ cung cấp tổng cộng xấp xỉ 60 triệu liều vaccine”, Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga nói trong video gửi tới hội nghị. Trong số 30 triệu liều vaccine đầu tiên, Tokyo đã bàn giao khoảng 23 triệu liều của AstraZeneca chủ yếu cho khu vực ở châu Á, gồm Ðài Loan (Trung Quốc), Việt Nam, Indonesia. Số vaccine còn lại được viện trợ thông qua COVAX. Tính đến nay, Nhật Bản đứng thứ ba thế giới về viện trợ vaccine, sau Mỹ và Trung Quốc.

Tích trữ vaccine “mở ra cánh cửa” cho nhiều biến thể mới

Những cam kết viện trợ vaccine đưa ra giữa lúc lãnh đạo của nhiều quốc gia đang phát triển cảnh báo ÐHÐ LHQ rằng việc các nước giàu tích trữ vaccine có nghĩa là những biến thể COVID-19 mới có thể xuất hiện khi tình trạng lây nhiễm gia tăng ở nhiều nơi.

“Bức tranh thật ảm đạm. Ðó là tình cảnh khan hiếm vaccine đang tàn phá các nước nghèo. Các nước giàu tích trữ những liều vaccine cứu sống mọi người trong khi các nước nghèo chờ đợi nhỏ giọt”, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte phát biểu qua video trong kỳ họp ÐHÐ LHQ hôm 21-9. Ông Duterte còn chỉ trích kế hoạch tiêm mũi vaccine thứ ba của các nước giàu, trong khi những nước đang phát triển tính tới khả năng chỉ tiêm nửa liều. Lãnh đạo các nước Peru và Colombia cũng kêu gọi giảm bớt bất bình đẳng tiếp cận vaccine trên toàn cầu. Peru là quốc gia có tỷ lệ tử vong vì COVID-19 cao nhất thế giới, trong khi chưa tới 30% dân số nước này được tiêm đầy đủ.

Thương vụ mua vaccine mới nhất của Mỹ chỉ là một phần nhỏ trong nỗ lực để đạt mục tiêu tiêm chủng cho 70% dân số thế giới trước tháng 9-2022. Tổ chức phi lợi nhuận ONE Campaign cho biết khoản đóng góp của Mỹ là không đủ và các quốc gia giàu khác cần phải khẩn trương tăng cường hỗ trợ cho nỗ lực tiêm chủng toàn cầu. Nếu không, hơn 2,3 tỉ dân trên thế giới vẫn chưa được tiêm ngừa trước tháng 9 năm tới. Các nước giàu chỉ mới bàn giao 15% số vaccine cam kết tặng, do vậy, Tổ chức Y tế Thế giới muốn các quốc gia thực hiện cam kết chia sẻ vaccine “ngay lập tức”.

HẠNH NGUYÊN (Tổng hợp)

Chia sẻ bài viết