05/07/2020 - 18:59

Các nhóm khủng bố Đông Nam Á dùng tiền ảo 

Viện Nghiên cứu Hòa bình, Bạo lực và Khủng bố Philippines hồi tháng 5 cho biết, các nhóm khủng bố có quan hệ với tổ chức tự xưng Nhà nước Hồi giáo (IS) đã tiến hành các giao dịch tiền ảo đầu tiên nhằm tài trợ cho hoạt động của chúng tại đảo Mindanao, miền Nam Philippines. 

Bitcoin được các nhóm khủng bố Đông Nam Á dùng để tài trợ khủng bố. Ảnh: The Diplomat

Thật ra, đây không phải lần đầu tiên các tín đồ của IS giao dịch bằng tiền ảo, mà phát hiện trên cho thấy các chân rết của chúng đang thực hiện chiến thuật đa dạng nguồn quỹ hỗ trợ khủng bố tại Ðông Nam Á.

Nhiều loại tiền ảo

Năm 2015, một thanh niên 17 tuổi ở bang Virginia (Mỹ) đã bị bỏ tù vì tư vấn cho các tín đồ IS cách sử dụng đồng tiền ảo Bitcoin để che giấu các khoản tiền dùng để tài trợ cho IS. Tại Ðông Nam Á, người đầu tiên sử dụng tiền ảo để tài trợ cho khủng bố là Bahrun Naim, một chiến binh IS gốc Indonesia (đã chết). Trong bài viết đăng tải trực tuyến năm 2016, Naim nói rằng Bitcoin là một trong những phương thức rửa tiền. Tên này kêu gọi “các đồng môn” tiến hành rửa tiền thông qua nhiều tài khoản tiền ảo trước khi tiền được gửi tới ví Bitcoin của những kẻ khủng bố. Trung tâm Phân tích Báo cáo Tài chính Indonesia khi đó cho biết, Naim đã chuyển tiền có nguồn gốc từ Bitcoin cho các công sự bằng dịch vụ thanh toán trực tuyến PayPal. Số tiền này cuối cùng được dùng để tài trợ cho vụ tấn công tự sát bên ngoài trụ sở cảnh sát thành phố Solo (đảo Java) hồi tháng 7-2016. Song, y nhiều lần không bị phát hiện, bởi các dịch vụ tiền ảo cho phép người dùng ẩn danh.

Các tổ chức khủng bố Indonesia có quan hệ với mạng lưới khủng bố quốc tế al-Qaeda cũng đặc biệt quan tâm đến Bitcoin. Hồi tháng 10-2018, Quỹ Abu Ahmed (AAF), một tổ chức khủng bố của Indonesia ủng hộ phiến quân Hayat Tahrir al-Sham có quan hệ với al-Qaeda ở Syria, đã tiến hành gây quỹ bằng tiền ảo. AAF khuyến khích các tín đồ quyên góp bằng các loại tiền ảo như Bitcoin, Monero, Dash hay Verge.

Tuy nhiên, việc sử dụng tiền ảo của các tổ chức khủng bố ở Ðông Nam Á nhìn chung chỉ ở mức tương đối, một phần là do trình độ am hiểu về công nghệ của chúng còn hạn chế. Năm 2016, một nhóm khủng bố Indonesia thân IS tại thị trấn Majalengka (tỉnh Tây Java) có ý tưởng huy động tài chính bằng Bitcoin nhưng bất thành vì quá trình này “quá phức tạp”.

Khó bắt giữ hay truy tố

Trong khi các kỹ thuật phân tích blockchain được dùng để giải mã và theo dõi các giao dịch tiền ảo, các dịch vụ tăng mã hóa tiền điện tử cũng được sử dụng để che đậy dấu vết của cả người gửi và người nhận khi giao dịch. Hơn nữa, các kỹ thuật phân tích blockchain không thể xác định chính xác người dùng tham gia giao dịch. Do đó, không có thành phần bất hảo nào ở Ðông Nam Á bị bắt giữ hay truy tố vì tài trợ khủng bố bằng tiền ảo, bất chấp giới chức trách nhận thức rằng chúng sử dụng tiền ảo để gây quỹ khủng bố.

Ðược biết, hầu hết các nền kinh tế lớn ở Ðông Nam Á đều cho phép xem tiền điện tử như là tài sản ảo hoặc sản phẩm đầu tư nhưng cấm sử dụng nó như là tiền tệ chính thức. Song, Philippines là trường hợp ngoại lệ. Manila cho phép sử dụng tiền ảo như là tiền tệ chính thức. Ước tính cho thấy, khoảng 2% các giao dịch ở Philippines được thực hiện bằng tiền ảo. Ngoài ra, việc chuyển đổi tiền ảo sang tiền tệ chính thức có thể dễ dàng được thực hiện thông qua các máy ATM của  Liên minh Ngân hàng Philippines cũng như nhiều công ty chuyển tiền khác. Tuy nhiên, việc chính quyền khó xác định được các cá nhân tham gia giao dịch trong khi PhilSys, hệ thống nhận dạng của Philippines, chưa hoàn thiện đã tạo điều kiện cho những kẻ khủng bố khai thác tiền ảo phục vụ cho mục đích tài trợ khủng bố.

Trong bối cảnh trên, Lực lượng đặc nhiệm tài chính quốc tế (FATF) hồi tháng 6-2019 đã phác thảo bộ hướng dẫn sử dụng tiền ảo. Theo đó, các thành viên của FATF phải tiến hành thẩm định đối với các giao dịch tiền ảo trên 1.000 USD hoặc 1.000 euro; chịu trách nhiệm giữ và truyền thông tin người gửi và người nhận tài sản ảo đến các cơ quan chức năng. Tại Ðông Nam Á, Singapore và Malaysia là thành viên của FATF trong khi Indonesia là quan sát viên.

TRÍ VĂN (Theo The Diplomat)

Chia sẻ bài viết