10/12/2023 - 13:18

Các chân đế của Hamas tại Trung Đông 

Giới lãnh đạo Israel đã nhiều lần tuyên bố muốn “quét sạch Hamas” tại Dải Gaza, đồng thời khi cuộc chiến kết thúc sẽ thực hiện chiến dịch tiêu diệt các thủ lĩnh Hamas tại mọi ngóc ngách trên thế giới, như ở Lebanon, Thổ Nhĩ Kỳ hay Qatar, nhằm ngăn ngừa nguy cơ một cuộc tấn công mới của phong trào này vào lãnh thổ Israel như đã diễn ra ngày 7-10 khiến 1.200 người thiệt mạng và hàng trăm người khác bị bắt làm con tin. Tuy nhiên, liệu Israel có thể triệt hạ Hamas khi mà tổ chức này có những chân đế hậu thuẫn công khai lẫn giấu mặt.

Tư tưởng và vị trí của Hamas

Cuối những năm 1970, một số nhà hoạt động tại các vùng lãnh thổ bị Israel chiếm đóng kết nối với tổ chức Anh em Hồi giáo (MB) nhằm lập mạng lưới tổ chức từ thiện, phòng khám và trường học. Đến năm 1987, Hamas (từ viết tắt cho Harakat al-Muqawama al-Islamiyya có nghĩa Phong trào Kháng chiến Hồi giáo) ra đời và được ủng hộ rộng rãi khi cuộc nổi dậy chống lại sự chiếm đóng của Israel trên các vùng lãnh thổ của người Palestine (Intifada) bùng phát. Theo chủ nghĩa dân tộc, mục tiêu của nhóm là lập nhà nước Hồi giáo ở Palestine nhưng bác bỏ việc nhượng lại bất kỳ phần lãnh thổ nào, ủng hộ sử dụng bạo lực và coi việc tiến hành thánh chiến là nghĩa vụ đối với người Hồi giáo Palestine.

Thủ lĩnh Hamas Khaled Mashal (trái) gặp Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Erdogan năm 2015. Ảnh: AFP

Nổi tiếng với cuộc chiến vũ trang chống Israel, quan điểm của Hamas trái ngược cách tiếp cận của Tổ chức Giải phóng Palestine (PLO). Hoạt động độc lập và mâu thuẫn với các tổ chức theo chủ nghĩa dân tộc thế tục của người Palestine, Hamas phản đối thỏa thuận hòa bình năm 1993 giữa Israel và PLO; đồng thời phối hợp nhóm Thánh chiến Hồi giáo Palestine (PIJ) tăng cường chiến dịch khủng bố thông qua những vụ đánh bom liều chết. PLO và Israel sau đó tiến hành đáp trả, nhưng tiến trình đàm phán hòa bình năm 2000 giữa hai bên sụp đổ dẫn đến làn sóng bạo lực Intifada lần thứ 2.

Trong những năm sau sự kiện Intifada, Hamas với ý định đạt quyền lực bằng chính trị thay vì bạo lực đã tiết chế quan điểm đối với tiến trình hòa bình, đặc biệt khi Israel rút quân khỏi Dải Gaza năm 2005. Vào năm 2006, nhóm này đánh bại Phong trào Giải phóng Dân tộc Palestine (Fatah) trong cuộc bầu cử lập pháp Palestine. Từ thời điểm đó, các lãnh đạo cấp cao Hamas tiếp quản Dải Gaza, vùng lãnh thổ rộng khoảng 365 km2 và là nơi sinh sống của hơn 2 triệu người Palestine. Dưới ảnh hưởng các biện pháp trừng phạt của Israel cùng Bộ tứ Trung Đông (Mỹ, Nga, Liên minh châu Âu và Liên Hiệp Quốc), nguồn lực Chính quyền Dân tộc Palestine (PA) lúc này hoàn toàn tê liệt. Trong bối cảnh hỗn loạn, Hamas cải tổ lực lượng cảnh sát và an ninh, trấn áp nhiều băng nhóm kiểu mafia và các tổ chức khủng bố theo mô hình Al-Qaeda. Các biện pháp này giúp cải thiện tình hình Gaza, từ nơi bị bỏ quên dưới sự kiểm soát của Ai Cập, sau đó là Israel và những người yếu kém trong PA sang kỳ vọng về một chính phủ thực sự.

Tuy nhiên, căng thẳng giữa các chiến binh Hamas và Fatah ngày càng gia tăng khi nội các được lập dưới sự lãnh đạo của Hamas. Tháng 2-2007, các cuộc đàm phán do Saudi Arabia bảo trợ dẫn đến Thỏa thuận Mecca giúp lập chính phủ đoàn kết giữa Hamas và Fatah. Nhưng đến tháng 6, giao tranh nổ ra buộc Tổng thống Palestsine Mahmoud Abbas giải tán chính phủ và đặt lực lượng Hamas ngoài vòng pháp luật. Vùng lãnh thổ này sau đó bị chia cắt với Hamas kiểm soát Dải Gaza trong khi nội các khẩn cấp do Fatah lãnh đạo nắm quyền ở Bờ Tây. Năm 2014, với sự trung gian của Qatar, dàn lãnh đạo Fatah và Hamas gặp gỡ để thảo luận hòa giải. Năm 2021, hai bên đạt thỏa thuận cùng tiến hành bầu cử hội đồng lập pháp mới của Palestine. Tiến trình này sau đó bị hoãn, mà nguyên nhân theo nhiều chuyên gia là do ông Abbas đã hành động dưới áp lực của Mỹ và Israel. 

Trước nay, Hamas tuyên bố ủng hộ giải pháp 2 nhà nước dựa trên đường biên giới năm 1967 nhưng bác bỏ tính hợp pháp của Nhà nước Do Thái. Vì vậy, nhóm này từ giữa những năm 2000 đến nay tiến hành vô số đợt tấn công Israel bằng tên lửa và súng cối. Năm ngoái, nhóm bắt đầu kiềm chế không leo thang đối đầu bất chấp các cuộc tấn công của Tel Aviv nhắm vào Bờ Tây và Dải Gaza. Điều này khiến nhiều người tin Hamas đang tập trung quản lý Dải Gaza, nhưng quan điểm trên đã sụp đổ khi 3.000 chiến binh Hamas tràn qua biên giới vào Israel trong sự kiện ngày 7-10, đe dọa một cuộc xung đột rộng hơn ở Trung Đông.

Đồng minh và nguồn thu chính

Lợi dụng việc thiếu giám sát tại Gaza, các nhà phân tích cho biết Hamas đã gầy dựng năng lực quân sự với sự ủng hộ của đồng minh như Hezbollah ở Lebanon. Cùng với Iran và Syria, cả 2 đều là một phần trong cái gọi là Trục kháng cự phản đối Israel và chính sách của Mỹ tại Trung Đông. Hamas và nhóm lớn thứ 2 trong khu vực là PIJ cũng có chung mục tiêu chống Tel Aviv, nhưng 2 bên thường xuyên mâu thuẫn khi Hamas gây áp lực để ngăn chặn các cuộc tấn công cực đoan.

Về tài chính, hàng chục quốc gia chỉ định Hamas là nhóm khủng bố trong khi một số chỉ hạn chế đối với cánh quân sự của tổ chức. Điều này khiến nhóm bị loại khỏi nguồn hỗ trợ chính thức mà Mỹ và EU cung cấp cho PLO ở Bờ Tây. Đổi lại, Hamas nhận tài trợ từ những người Palestine xa xứ, nhà tài trợ tư nhân ở Vịnh Ba Tư và một số tổ chức từ thiện Hồi giáo ở phương Tây. Ở khu vực, Syria và Iran là 2 trong số những bên cung cấp vật chất và tài chính cho nhóm trong khi Thổ Nhĩ Kỳ được cho bảo trợ một số nhà lãnh đạo Hamas cấp cao. Năm 2011, quan hệ giữa Hamas với Syria - Iran căng thẳng, kết quả là nhóm chuyển văn phòng đến Qatar vào năm 2012 trong khi gói viện trợ khoảng 200 triệu USD/năm từ Iran liên tục bị cắt giảm. Tình hình trở nên nghiêm trọng sau vụ chính quyền của Tổng thống Ai Cập Mohamed Morsi (một thành viên của tổ chức MB) bị lật đổ vào năm 2013.

Năm 2014, Hamas từ bỏ vai trò điều hành ở Dải Gaza và đồng ý với Fatah lập nội các mới gồm các bộ trưởng phi đảng phái. Những thay đổi này mang đến cơ hội cải thiện quan hệ với Iran. Ngoài gói viện trợ giữ lại gần 100 triệu USD/năm, Tehran hiện còn đóng góp vũ khí và hỗ trợ đào tạo cho Hamas. Năm 2016, Hamas phối hợp với Ai Cập trấn áp các tổ chức khủng bố Hồi giáo ở Sinai để đổi lấy viện trợ kinh tế. Qatar cũng nằm trong số ít quốc gia có ảnh hưởng với Hamas khi chi hàng trăm triệu USD cho Gaza kể từ năm 2014. Ngoài những nguồn tài chính nói trên, nhiều năm qua nhóm còn kiếm tiền từ việc đánh thuế các mặt hàng chủ lực như thực phẩm, thuốc men, khí đốt cũng như vật liệu xây dựng, tiền mặt và vũ khí chuyển qua mạng lưới đường hầm phức tạp vào Gaza. Tính đến năm 2021, Hamas được cho là thu tới 12 triệu USD/tháng từ thuế.

Ngoài hỗ trợ tài chính và vũ khí, nhiều nước còn chào đón và chở che cho các thủ lĩnh Hamas. Một báo cáo mới đây cho biết khoảng 1/3 thủ lĩnh Hamas đang sinh sống khắp nơi trên thế giới.  Thế nên hôm 3-12, Giám đốc Cơ quan tình báo nội địa Israel (Shin Bet) Ronen Bar tuyên bố sẽ tiêu diệt các thủ lĩnh Hamas tại mọi ngóc ngách trên thế giới, bao gồm Dải Gaza, ở Lebanon, Thổ Nhĩ Kỳ hay Qatar, sau khi cuộc chiến kết thúc. Tuy nhiên, phát biểu này lại gợi nhớ đến những vụ mưu sát bất thành gây ra căng thẳng ngoại giao của Israel trong quá khứ. 

Vào năm 1997, ông Benjamin Netanyahu, khi đó đang trong nhiệm kỳ đầu làm thủ tướng Israel, đã cố gắng đầu độc thủ lĩnh Hamas Khaled Meshaal tại Jordan. Vụ án này đã khiến Jordan dọa chấm dứt hiệp ước hòa bình với Israel và Tổng thống Mỹ Bill Clinton khi đó đã gây áp lực buộc ông Netanyahu đưa sếp lớn tình báo Mossad tới dùng thuốc giải độc cứu mạng Meshaal. Hay năm 2010, đặc vụ Israel cũng cố gắng ám sát Mahmoud al-Mabhouh, người sáng lập nhánh quân sự của Hamas tại Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE). Vụ này cũng khiến quan hệ giữa Israel và UAE căng thẳng trong nhiều năm liền. Riêng tại Dải Gaza, Israel từng ám sát nhà sáng lập Hamas là Ahmed Yassin, cùng cựu thủ lĩnh Abdel-Aziz al-Rantisi và nhiều lãnh đạo cao cấp khác.

Cuộc tấn công phối hợp đồng loạt hôm 7-10 cho thấy sức mạnh quân sự và chính trị của Hamas. Theo Viện Nghiên cứu Chiến tranh (ISW), phong trào này đang nâng cấp vũ khí và sử dụng các chiến thuật “ngày càng tinh vi” trong cuộc chiến chống lại Israel. Điều này khiến nhiều người có đánh giá mới về lực lượng thù địch mà Nhà nước Do Thái coi là nguy hiểm nhất kể từ khi thành lập. 

Theo chuyên gia về địa chính trị Trung Đông Omri Brinner, các loại vũ khí nêu trên đánh dấu tiến bộ kỹ thuật trong khả năng quân sự của Hamas. Nhóm cũng dường như chuyển từ chiến dịch trì hoãn sang phòng thủ có chủ ý với tính chất nghiêng về đối đầu trực tiếp. Tuy còn quá sớm để nói diễn biến trên là khởi đầu chiến lược quân sự tiên tiến hơn của Hamas, nhưng mục tiêu của nhóm chiến binh này rõ ràng khác biệt với Israel. Theo đó, nhóm không cần giành chiến thắng lớn trước người Do Thái mà sẽ kéo dài cuộc chiến càng lâu càng tốt. “Tất cả những gì họ cần là trở thành lực lượng độc lập khi cuộc chiến này kết thúc. Chiến thắng với Hamas chính là có thể tuyên bố tiếp tục hiện diện ở khu vực” - chuyên gia về vấn đề an ninh ở Trung Đông Ahron Bregman nhận định.

MAI QUYÊN (Tổng hợp)

Chia sẻ bài viết
Từ khóa
HamasTrung Đông