26/03/2016 - 16:42

Các bài tập giúp giảm đau do viêm khớp thay cho thuốc

Khi phương pháp dùng paracetamol để giảm đau do viêm khớp được chứng minh không hiệu quả, các chuyên gia sức khỏe ở Anh đã giới thiệu một số bài tập thay thế để giúp giảm nhẹ các triệu chứng ở người bệnh.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), viêm khớp ảnh hưởng đến 10% nam giới và 18% nữ giới trên toàn cầu. Những người bị viêm khớp, đau khớp thường được khuyên dùng thuốc chứa paracetamol để giảm đau do nó có ít tác dụng phụ. Tuy nhiên, nghiên cứu gần đây của các chuyên gia tại Đại học Bern (Thụy Sĩ) cho thấy paracetamol không mang lại hiệu quả giảm đau cho dù sử dụng với liều cao. Kết quả này – đăng trên tạp chí y khoa uy tín The Lancet – được rút ra từ 74 cuộc thử nghiệm tiến hành ngẫu nhiên trên 58.500 người bị viêm khớp hông và khớp gối.

Viện Nghiên cứu quốc gia về tham vấn chăm sóc sức khỏe (NICE) tại Anh cho biết dùng paracetamol liều cao về lâu dài có thể ảnh hưởng đến tim, thận và các vấn đề về đường ruột. Thay vào đó, tập thể dục là liệu pháp chủ yếu để giảm triệu chứng viêm khớp. Theo giải thích của Giáo sư Phillip Conaghan, chuyên gia về viêm khớp và là chủ nhiệm khoa Cơ xương tại Đại học Leeds (Anh), viêm khớp là tình trạng tổn thương xuất hiện bên trong và xung quanh các khớp mà cơ thể không thể tự khắc phục. Khi đó, phần sụn bảo vệ đầu xương trở nên mỏng dần trong khi màng hoạt dịch (phần đệm giữa 2 khớp xương) bị sưng, đau. Ngoài ra, suy yếu cơ cũng là nguyên nhân gây đau khớp. Giáo sư Conaghan cho biết khi các cơ chân bị yếu, sức ép đè lên các khớp tăng từ 4-20 lần khi chúng ta vận động, gây ra đau đớn. Trái lại, cơ bắp khỏe mạnh sẽ giúp giảm sức ép cho các khớp và giữ cho chúng linh hoạt, vững vàng hơn, cơn đau theo đó cũng giảm. Chính vì vậy, tập thể dục được xem là phương pháp điều trị đau khớp tốt nhất. Qua báo Daily Mail, các chuyên gia gợi ý một số bài tập như sau:

Đau khớp đầu gối: tư thế múa ba lê, dùng đầu gối nâng gối và kéo căng gân kheo

Để khớp gối không bị đau, các cơ bắp chân phải khỏe mạnh, bao gồm các cơ ở mông, gân kheo (nối từ lưng xuống đùi sau) và cơ đùi trước.

Để tập tư thế múa ba-lê, bạn đứng với 2 chân dang xa bằng vai, hai mũi bàn chân hướng ra ngoài, tay vịn vào lưng ghế. Từ từ chùng gối và hạ thân mình xuống thấp (không nghiêng người về phía trước), sau đó nhẹ nhàng trở lại tư thế ban đầu. Lặp lại đều đặn và cố gắng hạ thấp cơ thể hơn nữa trong những lần tập tiếp theo. Để phòng tránh chấn thương đầu gối khi thực hiện bài tập dành cho khớp gối này, bạn cần rèn luyện sự dẻo dai, bằng cách đạp xe hoặc đi bộ 2-3 lần/tuần, mỗi lần từ 20-30 phút.

Trong khi đó, để cải thiện cơ đùi trước, bạn có thể nằm ngửa trên sàn nhà, một chân duỗi thẳng và chân còn lại co lại, bàn chân áp sát mặt sàn. Xếp đôi một cái gối nằm và đặt nó ở phía dưới đầu gối của chân duỗi thẳng. Cố gắng dùng chân này đè cho cái gối xẹp xuống và giữ yên như thế khoảng 3-5 giây cho đến khi cảm thấy cơ đùi trước căng ra. Lặp lại động tác này 30 lần trước khi đổi chân. Chuyên gia khuyến nghị người bệnh nên tập bài tập này 3 lần/tuần.

Để cải thiện phần gân kheo, bạn cần co duỗi cơ gân kheo. Cách làm là ngồi trên nền nhà với một chân duỗi thẳng, nghiêng người về phía trước cho đến khi bạn cảm thấy hơi căng ở phía sau đùi, giữ như thế trong 30 giây. Thực hiện tương tự với chân còn lại và cố gắng tập mỗi ngày một lần, ít nhất 5 ngày/tuần.

Đau ở lưng: tập nâng hông và mông

Theo bà Margon, để tăng cường sức mạnh và sự linh hoạt ở lưng, bạn cần có phần khung khỏe để nâng đỡ. Biện pháp chính là nâng hông và mông để tạo hình cơ thể giống như một cây cầu. Nằm ngửa với hai đầu gối hơi co, từ từ nâng hông lên cao và cố gắng hóp bụng. Giữ như thế này trong 5 giây và sau đó thả lỏng. Thực hiện động tác này 10 lần.

Đau khớp hông: ghì và nâng hông

Để rèn luyện cơ hông, bạn đứng vịn vào thành ghế và di chuyển một chân về sau, cố gắng giữ đầu gối thẳng ra đồng thời lấy tay ghì chặt mông. Giữ tư thế này 5 giây mà không nghiêng người về trước. Thực hiện bài tập này 10 lần trước khi đổi chân.

Đau khớp ở chân: Tập nhặt khăn bằng chân và rèn luyện cơ chân

Ảnh: footcare.ca

Đây là bài tập toàn diện để phòng chống đau khớp ở bàn chân. Cách thực hiện là ngồi bệt dưới sàn nhà cùng với một chiếc khăn và cố gắng dùng các ngón chân để nhặt nó. Lặp lại động tác này 10 lần và tăng dần lên khi đã thực hiện thành thạo. Chống đẩy cũng là một cách tăng cường sức mạnh cơ chân. Để thực hiện, người bệnh đứng đối mặt với vách tường, chống 2 tay vào tường ở vị trí cao bằng vai, chân này đặt trước chân kia. Chân trước cách tường khoảng 30cm. Khi tập, cố gắng đẩy người về phía vách tường sao cho chân trước khụy gối còn chân sau thì thẳng gối và kéo căng bắp chân. Lặp lại động tác này 10 lần ở mỗi chân để giúp cơ chân khỏe hơn.

Đau khớp ở bàn tay: Tạo hình nắm đấm và dấu hiệu "ok"

Ảnh: Daily Mail

Thả lỏng cẳng tay, cổ tay và bàn tay trên một mặt phẳng. Chìa thẳng bàn tay và các ngón tay về phía trước giống như chuẩn bị bắt tay. Sau đó nắm bàn tay lại với ngón cái bao trùm các ngón còn lại. Thực hiện chậm và nhẹ nhàng, không siết quá chặt, rồi thả lỏng bàn tay về tư thế ban đầu. Cách khác để rèn luyện các khớp bàn tay là tạo hình bàn tay thành hình chữ chữ C, giống như đang cầm một cái ly, hoặc đơn giản hơn là tạo hình bàn tay như đang ra dấu "ok" (ảnh). Lặp lại những bài tập trên nhiều lần với mỗi bàn tay.

THẢO NGUYÊN (Theo Daily Mail)

Chia sẻ bài viết