01/08/2023 - 08:33

Ông Ngô Anh Tín, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) TP Cần Thơ:

Bứt phá phát triển kinh tế - xã hội từ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo 

Qua 20 năm triển khai thực hiện nhiệm vụ được giao, ngành KH&CN TP Cần Thơ cơ bản hoàn thành mục tiêu đề ra. Các lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn, khoa học tự nhiên, khoa học kỹ thuật và công nghệ có sự phát triển đồng bộ. Hoạt động KH&CN của thành phố tập trung hỗ trợ các doanh nghiệp đổi mới công nghệ, thúc đẩy ứng dụng chuyển giao tiến bộ KH&CN vào sản xuất và đời sống, hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ, phát triển  hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (ĐMST)… Qua đó, góp phần quan trọng chuyển dịch cơ cấu kinh tế; nâng chất lượng, phát triển thương hiệu các sản phẩm chủ lực, đặc trưng có lợi thế của thành phố. Trao đổi với phóng viên Báo Cần Thơ về vấn đề này, ông Ngô Anh Tín, cho biết:

- Với những nỗ lực không ngừng nghĩ, tốc độ đổi mới công nghệ, thiết bị của thành phố giai đoạn 2014-2021 đạt 13,02% và đạt 13,31% vào năm 2022. Ðội ngũ cán bộ KH&CN có trình độ cao ngày càng tăng, tổ chức KH&CN có sự phát triển cả về số lượng và chất lượng, hình thành được 8 doanh nghiệp KH&CN. Kế hoạch hỗ trợ phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp ÐMST TP Cần Thơ đến năm 2025 đã tạo môi trường thuận lợi để hình thành và phát triển doanh nghiệp có khả năng tăng trưởng nhanh dựa trên khai thác tài sản trí tuệ, công nghệ, mô hình kinh doanh mới.

Những năm qua, thành phố ban hành nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ, thúc đẩy ứng dụng chuyển giao tiến bộ KH&CN trong doanh nghiệp, hợp tác xã... Chương trình Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa đổi mới công nghệ, thiết bị hỗ trợ cho 35 doanh nghiệp, với kinh phí là 10,3 tỉ đồng, vốn đối ứng của doanh nghiệp 36,2 tỉ đồng. Ðối với dự án Năng suất và chất lượng sản phẩm hàng hóa của các doanh nghiệp nhỏ và vừa TP Cần Thơ đến năm 2020 hỗ trợ cho 82 doanh nghiệp xây dựng và áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến vào hoạt động sản xuất kinh doanh như ISO 9001, ISO/IEC 17021, ISO/IEC 17065, ISO 50001, HACCP, VietGAP...

Xin ông chia sẻ về bài học kinh nghiệm rút ra trong hành trình phát triển ngành KH&CN 20 năm qua?

- Ðể có được kết quả như hôm nay khâu tuyên truyền hết sức quan trọng. Sở tập trung tuyên truyền, nâng cao nhận thức trong toàn ngành, cộng đồng doanh nghiệp, nông dân, hợp tác xã… về vị trí, vai trò và tầm quan trọng của khoa học, công nghệ và ÐMST. Từ đó, đẩy mạnh ứng dụng KH&CN phục vụ sản xuất và đời sống, đóng góp vào sự  phát triển kinh tế - xã hội chung của thành phố. Ðồng thời, luôn ưu tiên các chương trình nghiên cứu ứng dụng KH&CN để khai thác tiềm năng và lợi thế của thành phố giúp cho việc tổ chức các hoạt động nghiên cứu và ứng dụng có trọng điểm và mang tính thực tiễn, đáp ứng nhu cầu phát triển.

Những năm qua, việc phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng KH&CN hiện đại, đồng bộ và phát triển nguồn nhân lực KH&CN luôn được đặt lên hàng đầu. Nhờ đó, tiềm lực KH&CN, cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa ngày càng được tăng cường. Hiện Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH&CN thực hiện vai trò đầu mối trong nghiên cứu, ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới triển khai vào sản xuất và đời sống, góp phần gia tăng hàm lượng KH&CN trong các sản phẩm chủ lực của thành phố; Vườn ươm Công nghệ Công nghiệp Việt Nam - Hàn Quốc hỗ trợ doanh nghiệp lĩnh vực nông, thủy sản, cơ khí ươm mầm các ý tưởng khởi nghiệp ươm tạo công nghệ; Trung tâm Kỹ thuật Tiêu chuẩn Ðo lường Chất lượng thực hiện các hoạt động kỹ thuật, đánh giá sự phù hợp trong các lĩnh vực thử nghiệm, kiểm định, hiệu chuẩn, giám định, chứng nhận chất lượng sản phẩm hàng hóa, môi trường, công trình và hệ thống quản lý hàng đầu của khu vực.

Ðặc biệt, thành phố xác định doanh nghiệp là trung tâm nghiên cứu phát triển, ứng dụng và chuyển giao công nghệ nên luôn có sự đầu tư trọng tâm, trọng điểm và đạt được kết quả khích lệ. Ðơn cử, thông qua chương trình Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa đổi mới công nghệ, thiết bị, hàng chục công nghệ, quy trình công nghệ được hấp thu và làm chủ, năng suất lao động trung bình tăng khoảng 2 lần, doanh thu của các doanh nghiệp tăng lên khoảng 30-50%, lợi nhuận tăng khoảng 25% so với trước khi cải tiến, đổi mới.

Quá trình phát triển khoa học, công nghệ và ÐMST của thành phố có gặp khó gì không, thưa ông?

- Mặc dù có nhiều nỗ lực, song hoạt động triển khai ứng dụng tiến bộ KH&CN còn nhiều bất cập, số lượng mô hình ứng dụng tiến bộ KH&CN chưa lớn, chưa đủ sức lan tỏa rộng rãi tạo sự thay đổi rõ nét. Với các cơ hội rất lớn, song các kết quả và tác động của khoa học, công nghệ và ÐMST đối với sự phát triển kinh tế xã hội thành phố chưa tương xứng với tiềm năng; năng lực hấp thụ, làm chủ, ứng dụng các tiến bộ KH&CN trong thực tiễn sản xuất và đời sống còn hạn chế... Mặt khác, đầu tư cho KH&CN của thành phố chưa tương xứng với nhu cầu và tiềm năng phát triển. Nguồn kinh phí cho KH&CN chủ yếu dựa vào ngân sách nhà nước song đang rất thiếu so với nhu cầu trong khi huy động các nguồn kinh phí ngoài ngân sách còn rất thấp.

Về nguồn nhân lực KH&CN, nhất là nhân lực sau đại học không đồng đều; còn thiếu hụt cán bộ trình độ cao chủ trì các công trình nghiên cứu tầm quốc gia để giải quyết các vấn đề lớn của địa phương. Quá trình đổi mới công nghệ trong các doanh nghiệp chưa có sự bứt phá, thiếu yếu tố để thúc đẩy thực hiện đổi mới. Nhiều doanh nghiệp chưa quan tâm đầu tư cho nghiên cứu khoa học, phát triển và đổi mới công nghệ, coi đầu tư cho KH&CN là chiến lược phát triển bền vững của doanh nghiệp.

Ngày hội Khởi nghiệp ĐMST vùng ĐBSCL 2022 (TECHFEST Mekong 2022) do TP Cần Thơ tổ thu hút đông đảo doanh nghiệp, hợp tác xã trong vùng và cả nước tham gia kết nối cung cầu KH&CN, tiêu thụ sản phẩm. Ảnh: MỸ THANH

Ở một góc độ khác, TP Cần Thơ được định hướng trở thành trung tâm KH&CN của vùng ÐBSCL nhưng phải thẳng thắn nhìn nhận, thực trạng liên kết vùng về khoa học, công nghệ và ÐMST còn yếu. Thành phố chưa có các nghiên cứu quy mô liên ngành, liên vùng để giải quyết các vấn đề lớn, trọng tâm để làm cơ sở cho các nghiên cứu chuyên sâu theo từng lĩnh vực, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội vùng; chưa góp phần thúc đẩy phát triển các vùng sản xuất hàng hóa tập trung theo chuỗi liên kết gắn với thị trường tiêu thụ của các địa phương...

Vậy ngành KH&CN đã có giải pháp nào để đưa khoa học, công nghệ và ÐMST trở thành động lực phát triển toàn diện kinh tế - xã hội thành phố trong giai đoạn mới?

- Ngành KH&CN xác định phát triển khoa học, công nghệ và ÐMST là quốc sách hàng đầu, đóng vai trò đột phá chiến lược trong giai đoạn mới; là động lực chính để thúc đẩy tăng trưởng, tạo bứt phá về năng suất, chất lượng, hiệu quả, qua đó, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, đưa kinh tế - xã hội thành phố phát triển nhanh, bền vững. 

Theo đó, thành phố tập trung chuyển đổi mạnh mẽ các hoạt động khoa học, công nghệ và ÐMST sang cơ chế thị trường với hệ thống các giải pháp thúc đẩy cả về phía cung - tức là tiềm lực nghiên cứu, phát triển KH&CN của thành phố và phía cầu từ doanh nghiệp, nông dân. Trong đó, coi doanh nghiệp và người nông dân là trung tâm của các hoạt động KH&CN; bao gồm các biện pháp khuyến khích người nông dân học tập để tăng khả năng hấp thụ, ứng dụng KH&CN vào sản xuất; các chương trình xúc tiến, chính sách hỗ trợ kinh phí đổi mới công nghệ trong doanh nghiệp.

Thành phố tiếp tục đầu tư phát triển cơ sở vật chất kỹ thuật của các tổ chức KH&CN công lập nhằm nâng cao năng lực cung cấp dịch vụ KH&CN về: kỹ thuật tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng; phát triển hoạt động ươm tạo, ứng dụng tiến bộ KH&CN vào sản xuất và đời sống... Ðồng thời, phát triển hoàn thiện hệ sinh thái khởi nghiệp ÐMST của thành phố nhằm tạo môi trường thuận lợi để thúc đẩy quá trình hình thành và phát triển loại hình doanh nghiệp có khả năng tăng trưởng nhanh dựa trên khai thác tài sản trí tuệ, công nghệ, mô hình kinh doanh mới.

Ðể thị trường KH&CN của thành phố và vùng ÐBSCL thêm sôi động, Sở KH&CN thành phố sẽ tập trung phát triển các sàn giao dịch, các tổ chức trung gian nhằm kết nối sản phẩm cung của các viện nghiên cứu với cầu của doanh nghiệp, nông dân, hợp tác xã. Ngoài ra, thành phố sẽ mở rộng các hoạt động hợp tác, kết nối hiệu quả giữa TP Cần Thơ với các địa phương trong vùng; phát triển cả về chiều rộng và chiều sâu hệ sinh thái KH&CN bằng các chương trình, giải pháp bền vững, bài bản không chỉ trong phạm vi không gian của TP Cần Thơ mà là một hệ sinh thái KH&CN chung của cả vùng ÐBSCL.

►Xin cảm ơn ông!

MỸ THANH (thực hiện)

Chia sẻ bài viết