Ngày 18-2, Palestine trình lên Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc dự thảo nghị quyết chỉ trích các khu định cư của Israel trên phần đất chiếm đóng của Palestine. Mỹ là nước duy nhất bỏ phiếu chống, trong khi 14 thành viên còn lại của HĐBA, kể cả những đồng minh của Mỹ ở châu Âu, đã đồng thuận với dự thảo nghị quyết được hơn 120 nước thành viên LHQ đồng bảo trợ này.
Với tư cách thành viên thường trực HĐBA, Mỹ đã một mình dùng quyền phủ quyết để bác bỏ dự thảo trên, sau khi các nhà lãnh đạo Palestine không chấp nhận đề xuất nhượng bộ từ Washington. Ngày 17-2, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã có cuộc điện đàm với Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas yêu cầu Palestine không trình dự thảo lên HĐBA, đổi lại, Nhà Trắng sẽ ủng hộ một giải pháp dung hòa, trong đó kêu gọi Israel ngưng xây dựng các khu định cư Do Thái, cùng với đó là HĐBA sẽ cử phái đoàn đàm phán tới khu vực và Nhóm Bộ tứ (gồm Mỹ, Liên minh châu Âu, LHQ và Nga) sẽ ra tuyên bố đề cập tới nhà nước Palestine với đường biên giới năm 1967. Tuy nhiên, ông Obama đã không thể ngăn cản được Palestine quyết tâm đưa vấn đề lên HĐBA. Theo các nhà ngoại giao, chính quyền Palestine đã cho thấy họ sẽ cứng rắn hơn, sau khi nhiều nhà phân tích chỉ trích Palestine “lép vế” trước Mỹ và Israel trong các cuộc hòa đàm.
|
Bà Susan Rice, Đại sứ Mỹ tại LHQ (ảnh nhỏ), thông báo về việc phủ quyết của Mỹ tại HĐBA, trong khi Israel vẫn tiếp tục xây dựng các khu định cư Do Thái ở Bờ Tây.
Ảnh: Reuters |
Dự thảo nghị quyết của Palestine nêu rõ các khu định cư Do Thái là “bất hợp pháp” và đòi Israel ngưng “ngay lập tức và hoàn toàn” tất cả các hoạt động xây dựng. Các nhà ngoại giao cho rằng những quan điểm trong nghị quyết, nhìn chung được chính quyền Obama ủng hộ. Tuy nhiên, theo các nhà ngoại giao, Mỹ không cho phép HĐBA dùng các nghị quyết ràng buộc can thiệp vào những vấn đề mà Washington cho là phụ thuộc vào hòa đàm trực tiếp. Đại sứ Mỹ tại LHQ Susan Rice nói với các thành viên HĐBA rằng việc phủ quyết “không thể hiểu lầm là Washington ủng hộ xây dựng các khu định cư Do Thái”. Theo Susan Rice, Washington vẫn giữ quan điểm khẳng định việc Isreal mở rộng các khu định cư là “thiếu cơ sở pháp lý”. Bà Rice cũng nhắc lại lập trường của Mỹ rằng các khu định cư và nhiều vấn đề tranh cãi khác nên được giải quyết trong cuộc hòa đàm trực tiếp Israel - Palestine.
Bất chấp sự biện minh của bà Rice, đại diện Palestine tại LHQ Riyad Mansour cảnh báo: “Hành động phủ quyết của Mỹ không những đi ngược lại tiến trình hòa bình mà còn khuyến khích Israel tiếp tục xây dựng các khu định cư và trốn tránh các bổn phận đối với tiến trình hòa bình”. Tổ chức giám sát nhân quyền có trụ sở tại New York ra tuyên bố rằng việc phủ quyết của Mỹ làm suy yếu luật quốc tế. Thực tế, ngay sau cuộc bỏ phiếu của HĐBA, Đại sứ Israel tại LHQ Meron Reuben giục Palestine “quay lại bàn đàm phán mà không đưa ra điều kiện tiên quyết nào”. Đàm phán hòa bình Israel - Palestine do Mỹ làm trung gian đã đổ vỡ năm ngoái sau khi Israel từ chối gia hạn lệnh ngưng xây dựng các khu định cư.
Trong khi đó, Đại sứ Anh tại LHQ Mark Lyall Grant chỉ trích các khu định cư của Israel là “phi pháp”, trở ngại lớn nhất hiện nay đối với tiến trình hòa bình Trung Đông.
N. MINH (Theo Reuters, Guardian)