01/09/2009 - 20:59

Trường Trung cấp nghề Thới Lai

Bước khởi đầu mới...

Lớp dạy nghề sửa chữa xe gắn máy, do Trường TCN Thới Lai tổ chức cho thanh niên xã Đông Thuận, huyện Thới Lai.

Tháng 8-2009, Trường Trung cấp nghề (TCN) Thới Lai được thành lập, góp phần nâng cao dân trí, tay nghề cho lao động ngoại thành, cũng như từng bước nâng cao chất lượng nguồn lao động cho thành phố công nghiệp. Đây là thời cơ, mở ra vận hội mới, nhưng bên cạnh cũng đặt ra nhiều thách thức cho ngành chức năng trong bối cảnh “vạn sự khởi đầu nan”...

Hành trình 5 năm

Đến Trường TCN Thới Lai sau sự kiện thành lập trường, điều bắt gặp đầu tiên là không khí học tập khẩn trương. Từ đầu năm đến nay, Trường TCN Thới Lai đã cơ bản hoàn thành kế hoạch dạy nghề năm 2009 gồm 16 lớp dạy nghề sơ cấp: cắt, uốn tóc, sửa chữa điện thoại di động, may gia dụng, nề, đan đát... cho gần 480 học viên. Trường còn tiếp tục duy trì lớp Trung cấp Công nghệ ô tô, Trung cấp Xây dựng và trong tháng 9-2009, Trường liên kết với Trường Cao đẳng Cơ điện và Nông nghiệp Nam Bộ khai giảng lớp Trung cấp Kế toán doanh nghiệp. Ngoài ra, Trường còn thường xuyên mở các lớp dạy Tin học (có thu học phí) cho cán bộ viên chức và người dân tại địa phương.

Trước đây, khi Trường còn là Trung tâm Dạy nghề (TTDN) Thới Lai, cũng là đơn vị hoạt động sớm nhất và đạt hiệu quả hơn TTDN ở các quận, huyện khác trong thành phố. Từ năm 2004 – 2008, TTDN huyện Thới Lai đã mở 136 lớp dạy nghề sơ cấp, với gần 4.860 học viên; 17 lớp TCN với trên 700 học viên tốt nghiệp THCS trở lên, gồm các nghề: Điện công nghiệp, điện tử, điện dân dụng, hàn, chế biến thủy sản, trồng trọt, kế toán doanh nghiệp... đáp ứng yêu cầu chuyển dịch cơ cấu lao động của huyện. Trung tâm đã khuyến khích và tạo điều kiện cho các học viên học tiếp chương trình liên thông lên đại học ở các trường nghề trong thành phố.

Ngoài lực lượng giáo viên tại chỗ, TTDN Thới Lai đã liên kết đào tạo với các đơn vị, cơ sở dạy nghề, như: Trường Cao đẳng Kinh tế Kỹ thuật Cần Thơ, Trường Cao đẳng Cơ điện và Nông nghiệp Nam Bộ, Trường TCN Đông Nam Bộ (Đồng Nai), Trường Trung học Thủy sản 2 (TP Hồ Chí Minh), Trường Cao đẳng Xây dựng miền Tây (Vĩnh Long)... để nâng cao chất lượng đào tạo TCN.

Kết quả mà TTDN Thới Lai (nay là Trường TCN Thới Lai) đạt được rất đáng ghi nhận. Trong lúc việc chiêu sinh, thu hút học viên tham gia các lớp dạy nghề sơ cấp ở TTDN các quận, huyện gặp nhiều khó khăn, nhưng hàng năm TTDN Thới Lai vẫn giữ vững chỉ tiêu đào tạo học viên qua sơ cấp và TCN; tổ chức lớp TCN tại xã... Theo ông Đào Minh Lợi, Quyền Hiệu trưởng Trường TCN Thới Lai, để có đủ số lượng học viên theo lớp, trước các kỳ nghỉ hè, trường đã triển khai thông báo về nhu cầu tuyển sinh cho các lớp nghề đến các xã, thị trấn và tổ chức các buổi tư vấn về học nghề ở các trường THCS, THPT để vận động học sinh đăng ký học nghề. Bên cạnh đó, TTDN huyện Thới Lai còn kết hợp với các đơn vị chức năng để giải quyết việc làm sau đào tạo. Qua khảo sát, tỷ lệ học viên có việc làm chiếm trên 60% tổng số học viên được đào tạo nghề. Ông Lê Quang Hùng, Phó Chủ tịch UBND xã Trường Xuân, huyện Thới Lai, đơn vị tiếp nhận nhiều lớp dạy nghề sơ cấp và trung cấp tại địa phương, cho biết: “Thời gian qua, được sự quan tâm hỗ trợ của TTDN huyện Thới Lai, rất nhiều lao động ở xã được học nghề, tạo việc làm. Chúng tôi hy vọng rằng, Trường TCN Thới Lai mở ra tại địa phương, sẽ giúp người dân xã Trường Xuân có điều kiện nâng cao trình độ, tay nghề tại chỗ và giảm chi phí đào tạo cho Nhà nước”.

Để nâng cao vị thế Trường cấp vùng

5 năm hoạt động và trưởng thành là nền tảng giúp TTDN Thới Lai đủ tự tin trở thành Trường TCN Thới Lai, với qui mô hoạt động toàn vùng trung tâm nông nghiệp thành phố. Theo nhận định của ngành LĐ-TB&XH thành phố, việc thành lập trường TCN Thới Lai có ý nghĩa to lớn trong việc phát triển mạng lưới cơ sở dạy nghề công lập; cùng với Trường Cao đẳng nghề Cần Thơ và các cơ sở dạy nghề thực hiện kế hoạch đào tạo đội ngũ công nhân lành nghề, phục vụ yêu cầu phát triển của thành phố. Trường TCN Thới Lai được xây dựng ở vị trí thuận lợi của khu vực nông thôn TP Cần Thơ, không chỉ giải quyết nhu cầu học nghề của người lao động nông thôn ở các quận Ô Môn, Thốt Nốt, huyện Cờ Đỏ, Vĩnh Thạnh, mà còn phục vụ cho lao động các huyện giáp ranh của các tỉnh Kiên Giang, Hậu Giang...

Trường TCN Thới Lai đang tiếp tục hoạt động trên cơ sở của TTDN Thới Lai, liên kết đào tạo với các trường nghề, duy trì các lớp dạy sơ cấp và TCN tại các xã và tại điểm trường. Ông Đào Minh Lợi, Quyền Hiệu trưởng Trường TCN Thới Lai, cho biết: “Từ nay đến cuối năm 2009, Trường cố gắng hoàn tất việc bồi hoàn, giải phóng mặt bằng để đến năm 2010, triển khai xây dựng, trước mắt tập trung xây dựng khối nhà văn phòng, hành chính, nhà xưởng, phòng thực hành... xây dựng đến đâu đưa vào sử dụng đến đó. Trong thời gian này, chúng tôi đã thu nhận hồ sơ tuyển dụng giáo viên (tốt nghiệp đại học các ngành có liên quan) gởi cho lãnh đạo Sở LĐ-TB&XH xét tuyển và tham gia bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm để có thể bắt tay giảng dạy”.

Để chuẩn bị cho đợt khai giảng năm học 2009- 2010, Trường TCN Thới Lai đang triển khai kế hoạch tuyển trên 800 học viên cho các lớp sơ cấp và trung cấp nghề. Hiện trường đang chiêu sinh các lớp TCN: Sửa chữa ô tô, Kế toán doanh nghiệp và Quản trị mạng máy tính để kịp khai giảng trong tháng 9-2009. Trước mắt, trường tiếp tục thỉnh giảng các giáo viên ở các trường nghề để kịp tiến độ khai giảng và đảm bảo chất lượng đào tạo.

Theo ông Tiêu Minh Dưỡng, Phó phòng Quản lý đào tạo nghề, Sở LĐ-TB&XH TP Cần Thơ, trong tổng số 12 hồ sơ giáo viên dự tuyển đợt đầu, Sở chọn được 5 hồ sơ đạt yêu cầu. Sở LĐ-TB&XH thành phố đang tuyển thêm 5 giáo viên nữa để tập trung khóa bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm 4 tháng tại Trường Cao đẳng nghề Cần Thơ. Trên cơ sở các thiết bị dạy nghề sẵn có của trường sẽ bổ sung thiết bị cho các nghề: Điện, điện tử, sửa chữa xe gắn máy, nữ công gia chánh...Dự kiến, cuối tháng 9-2009, Sở LĐ-TB&XH TP Cần Thơ kết hợp Trường TCN Thới Lai tổ chức hội thảo khoa học về định hướng ngành nghề đào tạo của trường; tổ chức cho trường tham quan học tập, rút kinh nghiệm công tác quản lý, điều hành ở các trường TCN có mô hình hoạt động ở khu vực nông thôn.

Bà Nguyễn Ngọc Sương, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH TP Cần Thơ, nói: “Thời gian đầu, mọi hoạt động của trường đều mới mẻ, nhưng chúng tôi sẽ hết sức cố gắng, phát huy nội lực, vừa làm vừa rút kinh nghiệm. Trước mắt, cần đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án đầu tư xây dựng trường để sớm có cơ sở vật chất khang trang, hiện đại để đưa vào hoạt động; tranh thủ sự hỗ trợ của các ngành, các cấp chính quyền để tuyên truyền, quảng bá về hoạt động của trường cho người dân biết. Trong thời gian này, Trường TCN Thới Lai cần khắc phục những khó khăn về cơ sở vật chất, thiết bị, tăng cường liên kết đào tạo để duy trì chất lượng đào tạo sơ cấp và trung cấp nghề; xây dựng kế hoạch đào tạo đội ngũ giáo viên đạt chuẩn...”. Sở LĐ-TB&XH thành phố sẽ tăng cường sự chỉ đạo cũng như tác động với UBND thành phố để xúc tiến nhanh việc xây dựng trường. Khi có trụ sở hoàn chỉnh mới có thể triển khai các hoạt động cũng như đầu tư trang thiết bị dạy nghề...

“Vạn sự khởi đầu nan”, trong tiến trình hoạt động, Trường TCN Thới Lai dĩ nhiên sẽ không tránh khỏi trở ngại, khó khăn, nhưng với tinh thần quyết tâm xây dựng Trường TCN ở vùng ngoại thành, lãnh đạo ngành chức năng, tập thể giáo viên, viên chức phát huy nội lực, vừa làm, vừa học tập và rút kinh nghiệm. Hy vọng Trường sẽ nhanh chóng đi vào hoạt động hiệu quả, nâng cao trình độ chuyên môn của giáo viên, từng bước nâng cao chất lượng giảng dạy, góp phần đáp ứng yêu cầu đào tạo nguồn nhân lực cho thành phố nói riêng và ĐBSCL nói chung. Để nắm bắt vận hội mới, Trường TCN Thới Lai rất cần sự giúp đỡ, quan tâm tạo điều kiện thuận lợi trong hoạt động của ngành chức năng, các Trường nghề và lãnh đạo địa phương.

Bài, ảnh: ANH PHƯƠNG

Trường TCN Thới Lai được xây dựng tại ấp Thới Thuận A, thị trấn Thới Lai, huyện Thới Lai, với diện tích trên 4,9 ha, bao gồm: Khối hành chính, khối nhà xưởng, các hạng mục công trình phụ trợ khác… Tổng giá trị đầu tư xây dựng là 54 tỉ 612 triệu đồng.

Trường TCN Thới Lai hiện có 11cán bộ, giáo viên trực tiếp giảng dạy, trong đó 65% có trình độ đại học, còn lại là trình độ cao đẳng và trung cấp. Trường phấn đấu phát triển quy mô dạy nghề hệ trung cấp từ 600 đến 1.000 học sinh/năm… theo chương trình giảng dạy của Bộ LĐ-TB&XH.

Chia sẻ bài viết