26/10/2016 - 20:25

Bừng tỉnh sau “Khi ta mơ quá lâu”

Tiểu thuyết "Khi ta mơ quá lâu" (NXB Lao Động) của tác giả Goh Poh Seng là tác phẩm kinh điển của Singapore, đoạt giải thưởng văn chương của Hội đồng phát triển sách quốc gia Singapore năm 1976. Thông qua góc nhìn, suy nghĩ của một chàng trai, tác phẩm đề cập về thời cuộc, kinh tế, chính trị tại Singapore những năm 1960 và những ước mơ, hoài bão của thế hệ trẻ.

Kwang Meng vừa tốt nghiệp phổ thông, không có điều kiện học lên đại học, nên làm thư ký- công việc mà anh cho rằng không có gì chán hơn. Kwang Meng thường giải trí bằng cách ra biển bơi hoặc theo bạn bè đi quán bar, picnic... Anh vẫn luôn cảm thấy không hài lòng với cuộc sống và lạc lõng. Khi tình yêu với cô gái ở quán bar tan vỡ, Kwang Meng tìm quên trong những cơn say. Anh chỉ dần tìm lại niềm vui cuộc sống khi kết thân với vợ chồng người hàng xóm là thầy giáo Boon Teik. Anh bắt đầu say mê đọc sách, tham gia những cuộc vui ý nghĩa và hẹn hò với em vợ của Boon Teik. Tuy nhiên, thực tại lại cuốn anh vào vòng xoáy lo toan khác…

Có bối cảnh những năm đầu của thập niên 60 thế kỷ XX, tiểu thuyết đưa người đọc đến Singapore những ngày đầu thoát khỏi chiến tranh, thuộc địa. Đây cũng là giai đoạn lớp thanh niên mới lớn tìm cho mình lý tưởng, mục đích sống. Kwang Meng và hai người bạn thân luôn cho rằng mình không gặp thời khi lớn lên trong hòa bình, không có cơ hội làm cách mạng, làm anh hùng trong thời chiến. Họ ấp ủ một giấc mơ xa xôi, thoát khỏi thực tại. Trong khi Hock Lai yêu và lấy con gái một gia đình giàu có quyền lực, Portia di cư sang Anh ôm mộng làm nên nghiệp lớn; Kwang Meng mơ ước được đi đến một vùng đất mới nhưng năng lực và tài chính có hạn nên đành chấp nhận thực tại.

Tác giả đã đi sâu vào nội tâm con người, len lỏi vào từng ngóc ngách của xã hội, để phản ánh một cách chân thực đời sống và góc nhìn, suy nghĩ của nhân vật chính. Khi Kwang Meng "Cứ mãi trôi dạt từ sáng sang trưa từ trưa sang tối, rồi sáng trở lại. Vòng quay vô nghĩa. Chờ đợi chờ đợi hoài, nhưng chẳng biết chờ đợi gì" (trang 135) cũng là lúc anh hoang mang, cảm thấy mình dư thừa trong cuộc sống. Chỉ đến khi nghe thầy giáo Boon Teik giải thích: "Dẫu là loại nghề gì, cấp độ nào, mọi người đều có chỗ đứng của mình như những bánh răng trong cỗ máy phức tạp (trang154), "Dù công việc của họ có thấp bé, chán chường thế nào thì cũng đều có ý nghĩa cho sự vận hành trơn tru của xã hội" (trang 156), Kwang Meng mới bừng tỉnh. Anh tìm được niềm vui qua những cuốn sách, cảm thấy hứng thú với công việc và yêu đời hơn khi thay đổi suy nghĩ và cách sống.

Có thể nói, "Khi ta mơ quá lâu" thật ra chẳng có giấc mơ nào, mà chỉ là những rào cản con người tự dựng lên để rồi loay hoay đi tìm ước vọng xa xôi thoát ly cuộc sống. Chỉ đến lúc đối mặt với khó khăn, thách thức, con người mới biết quý trọng những gì mình đang có. Như nhân vật Kwang Meng, anh luôn muốn từ bỏ vị trí thư ký, nhưng khi cha anh đột quỵ phải nghỉ việc, mọi chi tiêu trong gia đình trông chờ vào anh, Kwang Meng mới lo sợ mất việc, mới hiểu rằng: mình cần sống đúng thực tế và làm tròn trách nhiệm với gia đình, xã hội.

Câu chuyện trong "Khi ta mơ quá lâu" đơn giản, không có kịch tính hay xung đột dữ dội. Tất cả chỉ xoay quanh nhịp sống buồn tẻ, vô vị của chàng trai Kwang Meng, nhưng lại được giới phê bình và độc giả đánh giá cao bởi nó như một sự lý giải cho bước chuyển mình của Singapore ngày sau.

Cát Đằng

Chia sẻ bài viết