24/09/2011 - 22:00

Bùng phát dịch bệnh tay chân miệng

Theo thống kê của Trung tâm Y tế dự phòng TP Cần Thơ, từ đầu năm 2011 đến ngày 21-9-2011, toàn thành phố có 514 trẻ bị mắc bệnh tay chân miệng (TCM). Trong khi đó cả năm 2010 toàn thành phố chỉ ghi nhận 152 ca. Tuy nhiên, đây mới chỉ là con số nhập viện điều trị, chưa kể số điều trị ngoại trú. Những gia đình có trẻ nhỏ rất lo lắng trước diễn biến ngày càng phức tạp của dịch bệnh…

Nghỉ học vì bệnh tay chân miệng

 Trường Mầm non Phong Lan phải cho trẻ nghỉ học 1 ngày vì bệnh tay chân miệng. Ảnh: M.HOÀNG

Ngày 21-9-2011, có 3 phụ huynh Trường Mầm non Phong Lan, phường An Thới, quận Bình Thủy xin cho con nghỉ học vì bệnh TCM. Trong ngày hôm đó, nhà trường phát hiện thêm 5 em bị bệnh nữa. Chị Lan, một phụ huynh có con học ở Trường Mầm non Phong Lan lo lắng kể: “Ngày 21-9, cô giáo thông báo trong trường có trẻ bị bệnh TCM nên cho học sinh nghỉ học. Tôi rất lo lắng sợ con mình lây bệnh. Trong ngày cháu nghỉ học, tôi cũng phải nghỉ làm để ở nhà vừa giữ con, vừa theo dõi xem cháu có biểu hiện bệnh không?”. Vừa qua, Trường Mầm non Phong Lan đã cho các em học sinh nghỉ 1 ngày để các thầy cô và nhân viên y tế tổng vệ sinh như: sát khuẩn đồ chơi, giặt và phơi nệm... Thầy Nguyễn Văn Xuân, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Bình Thủy cho biết: “Nhờ nhà trường phát hiện kịp thời, cử nhân viên y tế theo dõi bệnh nên không có trường hợp nào phải đi cấp cứu. Chúng tôi đã dự báo trước dịch bệnh sẽ bùng phát vào tháng 10 nên đã tìm mọi cách để phòng chống. Phòng Giáo dục in những khuyến cáo của Bộ Y tế, dán trong lớp học và và ngoài cổng trường để phụ huynh biết. Đồng thời, giáo viên cũng theo dõi hàng ngày để phát hiện sớm các trường hợp có dấu hiệu bệnh, báo cho Ban giám hiệu nhà trường. Trường là nơi tập hợp nhiều học sinh, các em chơi đồ chơi chung nên có khả năng một trẻ bị sẽ lây cho các trẻ khác”.

Không riêng gì ở quận Bình Thủy, ở quận Cái Răng cũng có 2 trường học có trẻ bị bệnh TCM. Theo thông tin từ Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Cái Răng: Tại Trường Mầm non Lê Bình, Trường Mẫu giáo Ba Láng và Trường Mẫu giáo Thường Thạnh, mỗi trường đều có 2 trẻ bị bệnh TCM. Thầy Mai Viết Út, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Cái Răng cho biết: “Theo khuyến cáo của Trung tâm Y tế dự phòng quận, chúng tôi đã chỉ đạo các trường tổng vệ sinh, khử khuẩn trong các phòng học, đồ chơi, đồ dùng... của trẻ. Các lớp có cháu bị bệnh thì nghỉ 10 ngày, không có chuyện đóng cửa trường vì bệnh TCM. Phòng Giáo dục cũng chỉ đạo các trường tăng cường khâu vệ sinh, để ý đến sức khỏe của các cháu”. Bác sĩ Nguyễn Minh Thắng, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng quận Cái Răng cho biết thêm: “Với những trường học có phát hiện ca bệnh, trung tâm cấp cloramin B cho các trường. Trường cấp cho giáo viên pha để lau chùi phòng học, ngâm dụng cụ, đồ chơi... của trẻ để khử khuẩn”.

Trước thông tin trường mầm non, mẫu giáo đóng cửa vì dịch TCM, bác sĩ Nguyễn Trung Nghĩa, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TP Cần Thơ cho biết: “Khi có 2 ca mắc bệnh trong vòng 7 ngày xảy ra cùng 1 nơi (tổ dân phố, trường học) hoặc khi có 1 ca tử vong hoặc 1 ca xét nghiệm kết quả dương tính với EV hoặc EV71 thì mới xác định đó là ổ dịch. Phạm vi xử lý dịch tại nhà bệnh nhân, trường học của bệnh nhi, các hộ gia đình có trẻ dưới 5 tuổi trong tổ dân phố đang có dịch, các nhóm trẻ gia đình, các khu vui chơi giải trí ở tổ dân phố đang có dịch. Hiện nay, trên địa bàn thành phố, theo thông tin chúng tôi nắm được thì không có trường nào đóng cửa vì dịch TCM. Đa số các trường chỉ cho học sinh nghỉ học một ngày để vệ sinh khử khuẩn, riêng lớp có trẻ bệnh TCM mới nghỉ học 10 ngày để cắt đứt nguồn lây”. Theo Trung tâm Y tế dự phòng thành phố, các quận, huyện như Bình Thủy, Cái Răng, Ninh Kiều và Phong Điền có số ca mắc bệnh TCM cao so với các quận, huyện khác.

Càng nổi ít bóng nước, bệnh càng nặng

Đa số trẻ mắc bệnh dưới 3 tuổi

Theo thống kê của Trung tâm Y tế dự phòng thành phố, trong 514 trẻ mắc bệnh trên địa bàn thành phố thì có đến 450 trẻ từ 1-3 tuổi. Do trẻ còn nhỏ tuổi cơ địa yếu, thói quen hay cho đồ chơi, tay vào miệng… nên rất dễ có nguy cơ mắc bệnh. Qua đó, thành phố chỉ ghi nhận 1 trường hợp 16 tuổi bị TCM. Bác sĩ Nguyễn Trung Nghĩa khuyến cáo các bậc phụ huynh: “Vệ sinh cá nhân, rửa tay bằng xà phòng (đặc biệt sau khi thay quần áo, tã, sau khi tiếp xúc với phân, nước bọt); rửa sạch đồ chơi, vật dụng, sàn nhà; lau sàn nhà bằng dung dịch khử khuẩn cloramin B 2% hoặc các dung dịch khử khuẩn khác, cách ly trẻ bệnh tại nhà, không đến nhà trẻ, trường học, nơi các trẻ chơi tập trung 10-14 ngày đầu của bệnh”.

Theo thống kê tại Bệnh viện Nhi đồng TP Cần Thơ, trong 8 tháng đầu năm 2011, bệnh viện đã tiếp nhận khám, điều trị ngoại trú cho 6.993 trẻ bị TCM; điều trị nội trú cho 751 trẻ trong địa bàn TP Cần Thơ và các tỉnh lân cận (trong đó điều trị nội trú cho 373 trẻ ở TP Cần Thơ). Trong khi đó, cùng kỳ, bệnh viện chỉ tiếp nhận điều trị nội trú cho 189 trẻ (92 trẻ ở TP Cần Thơ). Từ đầu tháng 9 đến ngày 21-9, bệnh viện cũng tiếp nhận điều trị nội trú cho 261 trẻ trong địa bàn TP Cần Thơ và các tỉnh lân cận. Ngày 7-9 vừa qua, có một bé trai 4 tuổi ở xã Tân Phước Hưng, huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang tử vong vì TCM tại bệnh viện. Bé nhập viện 16 giờ ngày 6-9, tử vong vào 6 giờ ngày 7-9. Bé bị TCM độ IV.

Từ đầu tháng 7-2011, Bệnh viện Nhi đồng TP Cần Thơ tiến hành phân độ các trường hợp bệnh điều trị nội trú. Qua phân độ, có trên 50% mắc bệnh từ độ IIA trở lên. Phần lớn các trường hợp bệnh nặng đều được chuyển xuống khoa Hồi sức tích cực để bác sĩ theo dõi và điều trị liên tục. Bác sĩ Nguyễn Thị Bảo Ngọc, Khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Nhi đồng TP Cần Thơ, cho biết: “Khác với sốt xuất huyết, bệnh TCM có diễn biến rất nhanh, chỉ trong 1 thời gian rất ngắn là chuyển nặng. Hiện nay, Khoa có trang bị máy thở, thuốc gammaglobulin... để điều trị các trường hợp trẻ bị nặng. Quan trọng nhất khi trẻ sốt cao, giựt mình, chới với, run chi, người nhà cần nhanh chóng đưa trẻ đến bệnh viện ngay để được điều trị kịp thời”. Trong thực tế điều trị tại khoa, các bác sĩ cũng nhận thấy trẻ bị TCM nổi bóng nước nhiều thường ít bị nặng, những trường hợp nổi bóng nước ít lại nặng. Có trường hợp nặng nhưng chỉ nổi 2-3 bóng nước ở bàn chân. Vì thế, nếu trẻ có bệnh, gia đình nên đưa trẻ đến các bác sĩ chuyên khoa nhi để khám, tránh tình trạng đến tiệm thuốc tây khai bệnh, rồi tự mua thuốc về nhà cho trẻ uống. Uống thuốc vài ngày không hết, bệnh trở nặng mới đem vào bệnh viện điều trị.

HUỆ HOA-MINH HOÀNG

Chia sẻ bài viết