13/10/2011 - 14:28

Đọc “Cuộc nổi loạn ngoạn mục”

Bức biếm họa về môi trường giáo dục

Một trường trung học ở thị trấn nhỏ nhưng tràn ngập những bất cập như: sự phân biệt thứ bậc, thói bảo thủ, hình thức và một số giáo viên bất tài nhưng thích khoa trương… dẫn đến nhiều tình huống hài hước. Truyện hấp dẫn bạn đọc bởi nội dung châm biếm nhẹ nhàng nhưng sâu cay.
Sách của Natsume Soseki, do Hồng Ngọc và Thanh Dung biên dịch, NXB Trẻ phát hành tháng 8 năm 2011.

Botchan tốt nghiệp đại học sư phạm Vật lý, được về dạy ở một trường trung học ở một thị trấn nhỏ trên đảo Shikoku. Những giáo viên ở trường này nhiều người háo danh, thiếu tinh thần trách nhiệm, chỉ biết “hô hào khẩu hiệu”, dung túng cho những việc làm sai trái của học sinh... Botchan cùng với một thầy giáo dạy Toán trong trường đã cho những kẻ đạo đức giả một bài học đích đáng.

“Cuộc nổi loạn ngoạn mục” là một câu chuyện mang tính châm biếm sâu sắc về môi trường giáo dục. Các nhân vật trong truyện được miêu tả sinh động, có những biệt danh đầy ngụ ý, toát lên được bản chất của từng loại người: ông hiệu trưởng Takuni được gọi là “Lửng” vì ông là người không có chính kiến, vô tâm nhưng luôn tỏ ra có trách nhiệm; hiệu phó “Áo đỏ” thích khoa trương uy quyền, sự giàu có; giáo viên dạy vẽ Yoshikawa có biệt danh “Nịnh hót” là kẻ luồn cúi, ăn theo, nói xấu đồng nghiệp; tổ trưởng tổ toán Hotta với biệt danh “Nhím” vì tính cách bộc trực, sẵn sàng bênh vực cho những người yếu thế, giáo viên Anh văn Koga được gọi là “Bí xanh” hiền lành, nhẫn nhịn nên thường bị ức hiếp...

Ẩn trong những tình huống gây cười trong tuyện là vấn đề về tư cách, đạo đức nghề nghiệp của giáo viên. Trong cuộc họp hội đồng kỷ luật các học sinh quậy phá, hiệu trưởng “Lửng” cố tỏ ra là người có trách nhiệm bằng việc một mực nhận mình sai trái, còn các giáo viên như “Áo đỏ”, “Nịnh hót” thì phát biểu những lời sáo rỗng: “Đây là thời cơ để thể hiện sứ mệnh cao quý mà những nhà giáo dục chúng ta cần cống hiến hết mình nhằm tu duỡng, rèn luyện bản thân trở thành những tấm guơng đạo đức điển hình...” (Trang 126).

Trong môi trường ấy, lương tâm sư phạm bị đánh đổi bởi những lợi ích cá nhân. Hiệu phó “Áo đỏ” vì muốn che giấu mối quan hệ bất chính với cô gái đã đính hôn của thầy “Bí xanh”, nên hắn ta đã chuyển “Bí xanh” đến một điểm trường hẻo lánh. Buổi tiệc chia tay thầy “Bí Xanh” trở thành một cuộc chè chén trác táng: có giáo viên say xỉn lột cả quần áo, nhảy múa loạn xạ; ông giáo già dạy Hán văn thường ngày chỉn chu, đạo mạo nay ngồi uốn éo với các kỹ nữ; các giáo viên khác thì rủ nhau đánh bạc... không ai cảm thấy buồn khi một đồng nghiệp ra đi, tiệc đưa tiễn chỉ là cái cớ để họ có dịp ăn uống vui chơi...

Trong cảnh hỗn độn đó, vẫn còn những người ý thức được giá trị của nghề nghiệp, biết trân trọng lẽ phải. Đó là thầy giáo trẻ Botchan và “Nhím”. Họ là những cá nhân ít ỏi, ngoại lệ giữa những người giả tạo, đầy rẫy những mưu mô. Cả hai đã can đảm chống lại những quy tắc vô lý, bất công: Botchan thẳng thắn từ chối sự mua chuộc, để vạch trần âm mưu xấu của những đồng nghiệp đạo đức giả. Thầy “Nhím” chấp nhận thôi việc để bảo vệ chính kiến.

Văn phong giản dị, nội dung trào phúng nhẹ nhàng nhưng thâm thúy, “Cuộc nổi loạn ngoạn mục” lấy bối cảnh một trường học gợi cho người đọc suy nghĩ...

Thảo Yên

Chia sẻ bài viết