|
Các chân sút của Vakhegula Vakhegula đang tích cực luyện tập chuẩn bị cho lần đầu tiên mang chuông đi đánh xứ người.
Ảnh: European Pressphoto Agency |
Không có những chân sút trẻ trung, không có những ngôi sao tài năng, không có những gương mặt hớp hồn khán giả nhưng đội tuyển Vakhegula Vakhegula với dàn cầu thủ toàn nữ mập ú, già nua, xấu xí đã buộc giới truyền thông thế giới đến Nam Phi đưa tin về World Cup 2010 phải chú ý đến họ. Từ một đội bóng cây nhà lá vườn vô danh, sau 5 năm, Vakhegula Vakhegula gồm 35 cầu thủ, trong đó người trẻ nhất ngót nghét 50 còn người cao tuổi nhất đã bước qua hàng 80, bắt đầu nổi đình nổi đám khắp năm châu. Sắp tới đây, Vakhegula Vakhegula (tiếng địa phương nghĩa là các bà già) sẽ đại diện Nam Phi tham dự Cúp Các lão tướng (Veterans Cup - dành cho lứa cầu thủ trên 30 tuổi), diễn ra tại Massachusetts (Mỹ) vào trung tuần tháng 7.
“Tôi thích đá bóng bởi môn thể thao này giúp ích cho chúng tôi. Chúng tôi đau bệnh thường xuyên nhưng nay sức khỏe đã ổn định đến mức các bác sĩ phải ngạc nhiên khi tái khám cho chúng tôi”, Nari Baloyi, cầu thủ trẻ nhất đội Vakhegula Vakhegula, bộc bạch. Còn nữ lão tướng Nora Makhubela, 84 tuổi, từng chết đi sống lại sau 6 lần tai biến mạch máu não, cho biết việc vận động với trái bóng tròn giúp bà lấy lại sức lực tưởng chừng như không còn. “Cuộc sống của tôi thật sự đổi thay... nếu tôi thi chạy với anh, tôi có thể đánh bại anh cho dù tôi lớn tuổi hơn nhiều”, cụ Makhubela tự hào khoe.
Với các cầu thủ của Vakhegula Vakhegula nói riêng và các bà, các cô mê túc cầu giáo ở thị trấn Tzaneen, cách thành phố Johannesburg khoảng 600 km nói chung, bóng đá là bài tập rèn sức khỏe tốt nhất, hơn cả khi làm công việc nhà hoặc cày cấy trên đồng ruộng. “Một số người thậm chí đi đứng không vững và nếu có thời gian rảnh họ chỉ quanh quẩn với cây kim sợi chỉ hoặc ngồi không... Ở đây, họ chạy nhảy, la hét và thi đấu hết mình, chính điều đó giúp họ khỏe và trẻ ra”, bà Beka Ntsanwisi - “mẹ đẻ” của đội bóng Vakhegula Vakhegula - tâm sự.
Ntsanwisi quyết định thành lập câu lạc bộ bóng đá cao niên khi bà gặp khúc quanh trong đời. Năm 2003, bà biết mình mắc bệnh ung thư ruột kết. Hai năm sau đó, bà phải đi lại bằng xe lăn. Trong thời gian điều trị, Ntsanwisi, vốn là nhân viên công tác xã hội, đến nhiều bệnh viện công và rất bức xúc trước tình trạng bệnh nhân lớn tuổi, đặc biệt là phụ nữ, không được quan tâm chữa trị, khiến nhiều người chán nản và phó mặc cuộc đời cho số phận. Với suy nghĩ tập luyện thường xuyên sẽ có lợi cho sức khỏe, Ntsanwisi đứng ra tập hợp những chị em đam mê chơi bóng. Mỗi tuần 2 lần, các bà, các cô tạm quên vấn đề cơm áo gạo tiền, bỏ dép nhựa xỏ chân vào giày thể thao ra sân làng tập luyện và thi đấu với khí thế hừng hực không thua các trận đấu của giới mày râu. Họ mê đá bóng tới mức năm ngoái từng viết thư đề nghị liên đoàn bóng đá quốc gia cho chơi trận mở màn World Cup. Đến nay, Nam Phi có tổng cộng 8 đội bóng đá nữ cao tuổi, tham gia thi đấu một năm hai lần do các địa phương tổ chức, và đình đám nhất vẫn là đội “các bà già”.
Không chỉ giúp rèn luyện sức khỏe, bóng đá còn giúp xoa dịu nỗi đau mất mát người thân và giúp các bà, các cô xích lại gần nhau. Với Beatrice Tshabala - một trong những cầu thủ “nhí” nhất đội có biệt danh là Lionel Messi (tên ngôi sao của đội tuyển Argentina), Vakhegula Vakhegula trở thành đại gia đình từ khi chồng cô qua đời năm 2005. Còn với Onica Nhzhovela (72 tuổi), thi đấu cùng “các bà già” đã giúp cụ tìm lại chính mình kể từ khi 8 trong số 12 người con lần lượt về bên kia thế giới.
Trước nay, khó khăn lớn và duy nhất của Vakhegula Vakhegula vẫn là vấn đề kinh phí. Để duy trì hoạt động của đội bóng, mỗi thành viên hằng tháng đóng góp 7,5 rand (khoảng 20.000 đồng) để mua bóng, đồng phục và làm lộ phí du đấu. Hiện nay, mặc dù đã nhận được sự bảo trợ của địa phương và các mạnh thường quân nhưng Vakhegula Vakhegula vẫn còn cần đến 300.000 rand (hơn 750 triệu đồng) để trang trải chi phí ăn ở cho 30 cầu thủ khi thi đấu tại Mỹ từ 13 đến 18-7.
VIỆT QUỐC
(Theo Reuters, NYTimes, Sowetan)