17/07/2008 - 08:18

Bộ Y tế và Bộ Công thương liên kết kiểm soát giá cả, chất lượng thuốc chữa bệnh

Đó là nội dung được Bộ trưởng Bộ Y tế và Bộ Công thương cùng các Vụ, Cục trao đổi và thống nhất tại cuộc họp chuyên đề “Đẩy mạnh phát triển công nghiệp Dược và các giải pháp bình ổn thị trường Dược phẩm Việt Nam”, tối 15-7.

Nhằm từng bước tự chủ hoàn toàn nguồn nguyên liệu phục vụ ngành công nghiệp dược sản xuất trong nước và giảm thiểu thấp nhất việc nhập khẩu thuốc từ bên ngoài, đồng thời bình ổn thị trường thuốc và cung cấp đủ thuốc chữa bệnh cho người dân theo tiêu chuẩn quốc tế, lãnh đạo Bộ Y tế và Bộ Công thương nhất trí: liên kết chặt chẽ giữa nhà nghiên cứu, sản xuất và chuyển giao công nghệ (do Bộ Công thương chủ trì) với việc tiêu thụ nguyên liệu và sản phẩm đạt tiêu chuẩn (do Bộ Y tế chịu trách nhiệm); cùng với việc sử dụng các chế tài để điều tiết tiết thị thường dược Việt Nam phát triển trong cơ chế hội nhập với Tổ chức Thương mại thế giới.

Một loạt các giải pháp cơ bản cũng sẽ được triển khai. Đó là vấn đề quy hoạch, trong đó quy hoạch ngành công nghiệp hóa dược do Bộ Công thương chủ trì, còn quy hoạch công dược do Bộ Y tế chủ trì; đẩy mạnh nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ có chọn lọc, tránh dàn trải, tập trung vào một số mặt hàng thiết yếu và theo lộ trình. Cụ thể, trước mắt ưu tiên nghiên cứu nguồn nguyên liệu sản xuất kháng sinh, dòng bêtalắcta; thiết lập kênh phân phối trên thị trường theo tiêu chuẩn quốc tế trong đó thuốc chữa bệnh là một trong 11 mặt hàng thiết yếu phải do nhà nước điều tiết; đẩy mạnh xúc tiến thương mại trang thiết bị cho ngành dược và sản xuất cung ứng thuốc chữa bệnh; xây dựng khung pháp lý hoạt động y tế nói chung và ngành Dược nói riêng phù hợp với điều kiện kinh tế Việt Nam và hội nhập với luật pháp quốc tế.

Trước mắt, để giải quyết vấn đề tăng giá thuốc đột biến trên thị trường hiện nay, từ nay đến hết quý IV-2008, hai Bộ sắp xếp lại thị trường dược phẩm, thiết lập và kiểm soát giá cả, chất lượng thuốc tại các trung tâm bán buôn và bán lẻ ở các thành phố lớn; thiết lập hoạt động kinh doanh thuốc theo hệ thống chuỗi; tăng cường kiểm tra giám sát hậu mại các nhà sản xuất và kinh doanh thuốc, đặc biệt Bộ Y tế phải có cơ chế giám sát và xử lý mạnh các nhà thuốc bệnh viện bán thuốc cao hơn giá thị trường, thuốc không đạt chất lượng...Vì 70% lượng thuốc tiêu thụ trên thị trường do các nhà thuốc trong bệnh viện tiêu thụ nên có ảnh hưởng và tác động rất lớn đến thị trường thuốc và quyền lợi người bệnh.

Việt Nam với dân số trên 85 triệu người là thị trường tiêu thụ các loại thuốc chữa bệnh rất lớn, mức sử dụng tiền thuốc bình quân theo đầu người gia tăng từ 11,23 USD năm 2001 lên 13,4 USD năm 2007 với tổng doanh thu của các doanh nghiệp dược sản xuất tân dược năm 2007 là 9.610,08 tỉ đồng. Tuy nhiên, theo Tiến sĩ Cao Minh Quang, Thứ trưởng Bộ Y tế: 50% sản phẩm thuốc tiêu thụ trong nước và 90% nguyên liệu thuốc sản xuất thuốc của các doanh nghiệp Việt Nam đều phải nhập khẩu. Tất yếu dẫn đến việc thị trường thuốc chữa bệnh Việt Nam phụ thuộc vào các nhà cung cấp, sản xuất thuốc trên thế giới đặc biệt là thuốc đặc trị và công nghệ sản xuất mới.

Được biết, Bộ Y tế và Bộ Công Thương sẽ hoàn thiện lộ trình và triển khai ngay trong năm 2008.

NGUYỄN THỊ THÚY (TTXVN)

Chia sẻ bài viết