21/12/2018 - 19:07

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ từ chức 

Hôm 21-12, Tổng thống Mỹ Donald Trump xác nhận Bộ trưởng Quốc phòng Jim Mattis “sẽ nghỉ hưu” vào cuối tháng 2-2019.

Ảnh: Axios

Thông báo trên Twitter, Tổng thống Trump ca ngợi Tướng Mattis (ảnh) là nhân vật cốt cán đã hỗ trợ ông trong các sách lược quốc phòng quan trọng, đặc biệt chủ trương duy trì vị thế cường quốc quân sự mạnh nhất thế giới và chính sách buộc các đồng minh, đối tác chia sẻ gánh nặng chi phí quốc phòng. Ông Trump cũng cho biết sẽ sớm chỉ định người kế nhiệm. Một số ứng viên được đánh giá nổi bật hiện nay gồm có cựu Tướng lục quân 4 sao Jack Keane, hai thượng nghị sĩ Tom Cotton và Lindsey Graham, cựu Thứ trưởng Tài chính David McCormick và cựu Thượng nghị sĩ Jim Talent.

Tin Bộ trưởng Mattis “nghỉ hưu” được đưa ra chỉ một ngày sau tuyên bố của Tổng thống Trump về việc ngay lập tức rút toàn bộ lực lượng Mỹ khỏi Syria và thông tin Lầu Năm Góc nhận được lệnh đưa 7.000 trong số 14.000 lính Mỹ ở Afghanistan về nước. Theo một quan chức Nhà Trắng, Tướng Mattis hôm 20-12 đã gặp trực tiếp Tổng thống Trump trong nỗ lực thuyết phục ông cân nhắc việc rút quân ở Syria. Cựu tướng thủy quân lục chiến cũng phản đối việc cắt giảm sự hiện diện của Mỹ tại Afghanistan. 

Trong mắt giới quan sát, hành động từ chức của ông Mattis là nhằm phản đối quyết định gây tranh cãi của ông Trump, vốn bị ví như “giọt nước tràn ly” sau những bất hòa giữa Tổng tư lệnh Mỹ và lãnh đạo Lầu Năm Góc trong chính sách ngoại giao và quân sự. Trong thư, Bộ trưởng Mattis nêu quan điểm về cách vận dụng quyền lực Mỹ trong công tác phòng thủ chung và sự cần thiết duy trì quan hệ đồng minh vững chắc với thái độ tôn trọng. Tuy sát cánh cùng Mỹ trong cả hai cuộc xung đột ở Trung Đông, nhưng các nước châu Âu hoàn toàn không được hỏi ý trước khi ông Trump ra tuyên bố rút quân.

Hạ viện tìm cách duy trì hoạt động cho chính phủ 

Sáng 21-12 (giờ Việt Nam), Hạ viện Mỹ đã thông qua dự luật chi tiêu tạm thời dành cho chính phủ, trong đó bao gồm khoản kinh phí xây dựng bức tường biên giới Mỹ-Mexico theo yêu cầu của Tổng thống Donald Trump.
Trước đó một ngày, dự luật chi tiêu tạm thời cũng đã được Thượng viện thông qua, nhưng không bao gồm khoản 5 tỉ USD để xây dựng bức tường biên giới Mỹ-Mexico, dự án mà Tổng thống Trump đã theo đuổi từ khi tranh cử . Chính vì vậy, ông Trump sau đó tuyên bố sẽ không phê chuẩn nếu dự luật này được đệ trình tới Nhà Trắng. 

Ngoài ý ngầm chỉ trích chính sách cô lập của Tổng thống Trump hủy hoại sức mạnh và tầm ảnh hưởng nước Mỹ, bức thư nói rõ Washington cần một thái độ kiên quyết, không mơ hồ trong phương thức tiếp cận những quốc gia đang không ngừng cạnh tranh lợi ích chiến lược với Mỹ. Sau cùng, ông Mattis tin rằng từ chức là quyết định “đúng đắn” bởi Tổng thống có quyền lựa chọn một Bộ trưởng Quốc phòng theo quan điểm phù hợp với mình trong các sách lược quân sự.

Ấn tượng trước biệt danh “Mad Dog” (Chó điên), Tổng thống Trump năm 2016 đã bổ nhiệm người mà theo ông “thực sự là một vị tướng của các tướng” làm Bộ trưởng Quốc phòng. Trong 2 năm lãnh đạo Lầu Năm Góc, cựu tướng 68 tuổi đã xoay xở giúp hóa giải mâu thuẫn, trấn an các quốc gia đồng minh trước những quyết sách gây tranh cãi của Tổng thống Trump. Nhưng mối quan hệ giữa Mattis và người đứng đầu Nhà Trắng dần nguội lạnh khi hai bên liên tục bất đồng trong vấn đề an ninh quốc gia, đặc biệt mối quan hệ với Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), cơ chế thường bị ông Trump chỉ trích. Theo đánh giá của giới phân tích, sự ra đi của Tướng Mattis là hồi chuông cảnh báo đối với các đồng minh của Mỹ ở châu Âu, vốn coi ông là nhân vật đảm bảo tính liên tục trong chính sách quốc phòng của Mỹ trước cách tiếp cận khó đoán định và có phần thất thường của chính quyền Trump đối với an ninh toàn cầu. 

MAI QUYÊN (Theo Reuters, NYT)

Chia sẻ bài viết