11/05/2018 - 09:50

Bộ sưu tập “độc nhất vô nhị” của chàng nhạc công 9X 

Trương Tài Linh là một trong những nhạc công đàn tranh trẻ tuổi tạo được tên tuổi ở Cần Thơ cũng như các tỉnh, thành Nam bộ. Không chỉ vậy, chàng trai sinh năm 1993 này còn sở hữu bộ sưu tập âm thanh xưa “độc nhất vô nhị”.

Trương Tài Linh bên bộ sưu tập “độc nhất vô nhị” của mình. 

Nhà trọ của Trương Tài Linh nằm sâu trong con hẻm của đường Nguyễn Văn Cừ, quận Ninh Kiều. Đến đây, khách choáng ngợp bởi rất nhiều băng cassette, máy cassette, máy hát dĩa nhựa… được trưng bày cẩn thận. Hiện Trương Tài Linh đã sưu tầm được hơn 2.000 cuộn băng cassette, đều là băng gốc hoặc F1 nên âm thanh rất chuẩn, chủ yếu là cải lương thuộc các thể loại. Trong đó, có nhiều cuộn sản xuất cách đây hơn nửa thế kỷ, được Trương Tài Linh kỳ công sưu tầm trong thời gian dài như “Thanh Xà Bạch Xà”, “Đời cô Hạnh”, “Lấy chồng xứ lạ”...

Trong 2.000 cuộn băng ấy, cuộn rẻ nhất cũng 50.000 ngàn đồng, cuộn đắt nhất lên đến hơn 2 triệu đồng. Trương Tài Linh mở cho chúng tôi nghe giọng ca thuở thanh xuân của các nghệ sĩ Út Trà Ôn, Bạch Tuyết, Thanh Nga, Ngọc Giàu, Lệ Thủy, Minh Vương, Thành Được… rất “đã tai”.

Một bộ sưu tập khác không kém phần thú vị của Linh là máy hát dĩa nhựa Victor và hơn 200 dĩa nhựa rất quý hiếm. Cầm chiếc kim đặt trên dĩa hát, giọng ca mùi mẫn của nữ nghệ sĩ Thanh Nga cất lên lắng đọng, thỉnh thoảng đan xen những tiếng nổ “loẹt xoẹt” đặc trưng của dĩa nhựa, Trương Tài Linh tâm sự rằng anh dường như đã “nghiện” thanh âm này.

Tài Linh lý giải, dĩa nhựa có 2 loại 33 vòng và 45 vòng, thể hiện dung lượng chuyển tải nhiều hay ít. Mỗi dĩa nhựa có giá từ 300.000- 400.000 đồng, tùy số vòng và chất lượng; nhưng cũng có dĩa giá bạc triệu tùy theo độ quý hiếm. Trong số những dĩa nhựa mà Linh sưu tầm, chúng tôi phát hiện có nhiều giọng ca một thời lừng lẫy trong làng cổ nhạc như Cô Năm Cần Thơ, Bà Năm Sa Đéc…

Trương Tài Linh còn sưu tầm rất nhiều tờ nhạc có tuổi đời hơn nửa thế kỷ, hình gốc của nghệ sĩ và những vở diễn được chụp lại rất hiếm hoi. Đó là những tư liệu quý của cải lương - nhất là trong bối cảnh năm 2018, cả nước mừng sự kiện một thế kỷ cải lương ra đời. “Tôi sưu tầm không gì khác là thỏa niềm đam mê cải lương”- chàng trai 25 tuổi bộc bạch.

Ai đã từng tiếp xúc với Trương Tài Linh đều công nhận niềm đam mê cổ nhạc rất lớn trong anh. Những nghệ sĩ lão thành, nghệ sĩ hát lúc chưa có hình ảnh ghi lại… anh đều biết và thuật rõ lai lịch của họ vanh vách. Cũng vì đam mê mà dù từng học ngành Y sĩ, ra trường làm ở một bệnh viện ở Cần Thơ, Trương Tài Linh quyết rời ngành y, đi học ngành biểu diễn nhạc cụ dân tộc của Trường Cao đẳng Văn hóa - Nghệ thuật Cần Thơ. Trương Tài Linh kể, nhờ chuyện đàn ca mà anh có dịp quen biết hoặc làm việc chung với nhiều danh cầm, danh ca. Ngón đờn của anh vì thế ngày càng vững vàng.

Hiện Trương Tài Linh đã thành lập nhóm biểu diễn nhạc cụ dân tộc gồm 8 người với đàn tranh, sáo, đàn bầu, bass, đàn nhị, đàn tam thập lục, trống và đàn tứ. Trương Tài Linh cũng từng góp mặt biểu diễn trong nhiều sự kiện lớn của Cần Thơ như chào mừng diễn đàn APEC tại Cần Thơ, chào mừng Hội nghị Gặp gỡ Nhật Bản - ĐBSCL, Lễ hội Bánh dân gian Nam bộ… Hình ảnh chàng trai có vẻ ngoài thư sinh điển trai trong tà áo dài truyền thống trỗi tiếng đàn tranh khoan nhặt để lại nhiều ấn tượng đẹp trong lòng du khách.

Thu nhập chính của Trương Tài Linh là dạy đàn tranh. Hiện lớp dạy ở Cần Thơ của anh có gần 20 người theo học. Anh còn mở một lớp ở quận 10, TP Hồ Chí Minh với hơn 10 học viên. Những học viên có trẻ em, thanh niên, người cao tuổi… Trương Tài Linh đều chỉ dẫn tận tâm. Anh kể: “Hồi mới học, ngày nào tôi cũng ôm đàn vào Trường Đại học Cần Thơ ngồi tập rất kỳ công. Vậy nên giờ biết gì đều chỉ hết cho học viên. Quan trọng là âm nhạc dân tộc được lan truyền và phát huy”.

*    *     *

Rời căn nhà trọ của Trương Tài Linh trong tiếng mưa đầu mùa, giọng ca cố nghệ sĩ Thanh Nga cất lên từ chiếc máy hát dĩa nhựa nghe như ngưng lắng. Thật trân quý một người trẻ say mê với âm nhạc dân tộc.

Bài, ảnh: ĐĂNG HUỲNH

Chia sẻ bài viết