13/09/2024 - 08:00

Biến rác thải thành nước rửa chén sinh học 

“Nước rửa chén sinh học từ vỏ trái cây Onic” là sản phẩm của anh Ðỗ Hồng Xuân, phường Lê Bình, quận Cái Răng nghiên cứu khởi nghiệp thành công và được thị trường đón nhận. Nguyên liệu chính của sản phẩm là vỏ trái cây, tạo ra nước tẩy rửa sinh học dùng trong gia đình, vừa tiết kiệm chi phí, vừa góp phần bảo vệ môi trường. Qua hơn 1 năm nghiên cứu, đến nay anh Xuân chủ động được quy trình sản xuất, hàng tháng cung cấp từ 60-100 lít nước rửa chén sinh học thân thiện với môi trường.  

Anh Ðỗ Hồng Xuân giới thiệu quy trình ngâm ủ vỏ trái cây để tạo ra nước rửa chén sinh học.

Đầu năm 2023, anh Xuân thực nghiệm với nhiều loại nguyên liệu rác thải hữu cơ từ vỏ bưởi, vỏ thanh trà, vỏ cam, chanh, dứa, khóm… để nghiên cứu tạo ra nước rửa chén sinh học. Nguyên liệu được làm sạch để loại bỏ các chất bẩn, giúp quá trình lên men được dễ dàng, tránh làm nguyên liệu bị hỏng. Anh Xuân cho biết: “Lúc mới triển khai thực hiện, tôi phải sử dụng nhiều thùng chứa để ngâm ủ riêng từng loại vỏ trái cây. Cách làm này giúp mình chọn được nguyên liệu phù hợp dùng để tạo ra nước rửa chén sinh học tốt nhất. Qua chắt lọc, tôi sử dụng vỏ cam và vỏ khóm làm nguyên liệu chính để sản xuất nước rửa chén sinh học”.

Sau khi lựa chọn được vỏ trái cây phù hợp, anh Xuân tiến hành ngâm ủ với liều lượng 3kg vỏ cam hoặc vỏ khóm kết hợp với 1kg đường nâu và nước sạch. Theo anh Xuân, quy trình từ khi ngâm ủ để tạo ra sản phẩm sử dụng được ít nhất cũng phải mất 3 tháng. Ban đầu, do chưa có kinh nghiệm, sản phẩm làm ra còn nặng mùi, không bảo quản được lâu. Không chùn bước, anh Xuân vận dụng kiến thức được học, tìm hiểu quy trình sản xuất nước rửa chén trên Internet và tham khảo ý kiến từ các giảng viên Trường Đại học Cần Thơ để dần hoàn thiện quy trình sản xuất.

Đến nay, anh Xuân làm chủ quy trình sản xuất nước rửa chén và được thị trường chấp nhận. Hiện tại, bình quân 3 tháng, anh Xuân sản xuất được hơn 200 lít nước rửa chén, bán với giá 30.000 đồng/lít. Theo anh Xuân, tùy vào loại vỏ trái cây, thời gian ủ và lên men tự nhiên từ 40-45 ngày, thậm chí 3 tháng. Hiện tại, sản phẩm của anh Xuân bán chủ yếu cho khách quen và tại các cuộc hội thảo, hội nghị khoa học trên địa bàn thành phố. Do gặp khó khăn về nguồn vốn, quy trình sản xuất nước rửa chén của anh Xuân đa phần được làm bằng thủ công nên số lượng thành phẩm chưa được nhiều và mất nhiều thời gian.

Sau khi tốt nghiệp đại học ngành Quản lý Tài nguyên và Môi trường (Trường Đại học Cần Thơ) năm 2022, anh Đỗ Hồng Xuân làm kiểm nghiệm viên tại Trung tâm Dịch vụ Phân tích Thí nghiệm TP Hồ Chí Minh. Sau hơn 1 năm công tác, anh Xuân về địa phương làm cán bộ tổ chức Văn phòng Đảng ủy phường Lê Bình và tiếp tục học tập nâng cao trình độ chuyên môn. Anh Xuân vừa tốt nghiệp thạc sĩ ngành Quản lý Tài nguyên và Môi trường (Trường Đại học Cần Thơ).

Chia sẻ về dự định trong tương lai, anh Xuân cho biết: “Hiện nay, xu hướng sử dụng sản phẩm từ tự nhiên, không hóa chất độc hại ngày càng phổ biến. Nếu có điều kiện, tôi sẽ đầu tư máy móc, thiết bị để ngâm ủ và chiết tách, tăng số lượng sản phẩm. Bên cạnh đó, tôi xin giấy phép kinh doanh hộ gia đình, nhãn hiệu hàng hóa và các thủ tục cần thiết để sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ, mở rộng thị trường…”. 

Bài, ảnh: T.T

 

Chia sẻ bài viết