12/02/2021 - 06:00

Biển Ðông dậy sóng! 

Trong khi thế giới phải gồng mình chống đại dịch COVID-19, Trung Quốc lại chơi trò “thừa nước đục thả câu” bằng những hành động hung hăng và nham hiểm, mưu đồ xác lập chủ quyền phi pháp tại Biển Ðông, khiến các nước trong lẫn ngoài khu vực bức xúc và phản ứng mạnh mẽ.

2 nhóm tác chiến tàu sân bay Mỹ rầm rập tiến vào Biển Đông tập trận tháng 7-2020, thách thức yêu sách chủ quyền phi lý của Trung Quốc. Ảnh: USN

Đầu tháng 4-2020, tàu hải cảnh Trung Quốc đã ngang ngược đâm chìm  tàu cá Việt Nam ở quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam. Sự việc nghiêm trọng này gợi nhớ vụ tàu hải cảnh Trung Quốc đâm chìm tàu cá Philippines hồi tháng 6-2019 và bỏ mặc 22 người trôi nổi trên biển trước khi được ngư dân Việt Nam cứu vớt. Hành động “cá lớn nuốt cá bé” của Trung Quốc dưới bàn tay của “hung thần” hải cảnh rõ ràng đang ngày càng tàn bạo.

Chiêu trò nham hiểm

Năm 2020, tàu khảo sát Hải Dương Ðịa chất 8 cùng nhóm tàu hộ tống của Trung Quốc một lần nữa di chuyển vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam để thực hiện cái gọi là khảo sát khoa học. Hải Dương Ðịa chất 8 chính là con tàu đã nhiều lần quấy nhiễu Việt Nam năm 2019.

Chưa hết, Trung Quốc còn ngang nhiên tuyên bố thành lập “quận Tây Sa” và “quận Nam Sa” thuộc cái gọi là “thành phố Tam Sa” trên đảo Phú Lâm, nhằm quản lý quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam. Bộ Dân chính Trung Quốc thì tự tiện công bố “danh xưng tiêu chuẩn” cho 25 đảo, đá và 55 thực thể địa lý ở Biển Ðông. Trong những thực thể này có những bãi cạn nằm sâu trong vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam.

Ðáng chú ý, Trung Quốc đã thay đổi thuật ngữ trong quy định hàng hải của nước này nhằm định nghĩa lại vùng biển nằm giữa đảo Hải Nam và quần đảo Hoàng Sa. Theo đó, thay vì coi vùng hàng hải trên là “xa bờ”, nay Trung Quốc gọi là “gần bờ”. Với chiêu trò nham hiểm như vậy, Bắc Kinh đang hướng đến mục tiêu tự thiết lập hồ sơ pháp lý để hợp pháp hóa tuyên bố chủ quyền phi lý của mình trên Biển Ðông. 

Song song đó, Bắc Kinh cũng “diễu võ giương oai" khi liên tục tập trận công khai, âm thầm xây dựng thế trận ở các bãi đá chiếm đóng trái phép thuộc quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Trên các thực thể nhân tạo bất hợp pháp, Bắc Kinh đã triển khai nhiều chiến đấu cơ và các loại tên lửa đối hạm có tầm tác chiến bao phủ cả khu vực Hoàng Sa lẫn Trường Sa. Trung Quốc còn khoe tàu đổ bộ, tàu sân bay, tàu ngầm hoạt động gần Biển Ðông. 

Trước thái độ bắt nạt của Trung Quốc, hồi tháng 7, Mỹ đã hai lần điều 2 nhóm tác chiến tàu sân bay USS Reagan và USS Nimitz đến Biển Ðông tập trận. Ngoài ra, các tàu chiến hiện đại và máy bay ném bom hạng nặng của Mỹ cũng liên tục tập trận chung với hải quân Nhật Bản và Úc, đồng thời thường xuyên thực thi quyền tự do hàng hải, hàng không và thách thức đòi hỏi chủ quyền phi pháp của Trung Quốc tại Biển Ðông.

Tàu hải cảnh Trung Quốc - hung thần trên Biển Đông.

Cuộc chiến công hàm

Bên cạnh căng thẳng trên thực địa, cuộc chiến ngoại giao cũng không kém phần gay gắt. Ngay sau khi Malaysia gửi lên LHQ báo cáo ranh giới thềm lục địa mở rộng tại khu vực phía Bắc Biển Ðông tháng 12-2019, Trung Quốc đã gửi công hàm phản bác báo cáo của Malaysia. Công hàm của Trung Quốc cho rằng nước này có chủ quyền đối với 4 nhóm đảo là Hoàng Sa, Trường Sa, Trung Sa, Ðông Sa; có các vùng biển từ các nhóm thực thể; và có quyền lịch sử ở Biển Ðông. 

Ðáp lại, Philippines và Indonesia lần lượt gửi lên LHQ công hàm phản đối Trung Quốc, khẳng định yêu sách “đường 9 đoạn” phi pháp thể hiện “quyền lịch sử” của Trung Quốc tại Biển Ðông không có cơ sở pháp lý quốc tế và vi phạm Công ước LHQ về Luật Biển 1982 (UNCLOS 1982) mà Trung Quốc là thành viên. Ngày 30-3-2020, Việt Nam cũng đã gửi Công hàm số 22/HC-2020 lên Tổng Thư ký LHQ để phản bác Trung Quốc. Công hàm của Việt Nam đưa ra 4 luận điểm quan trọng: Các yêu sách này vi phạm nghiêm trọng chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam tại Biển Ðông; Việt Nam có đầy đủ chứng cứ lịch sử và cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền đối với Hoàng Sa và Trường Sa phù hợp với luật pháp quốc tế; UNCLOS 1982 là cơ sở pháp lý duy nhất, quy định toàn diện và triệt để về phạm vi quyền được hưởng vùng biển giữa Việt Nam và Trung Quốc; Việt Nam phản đối các yêu sách ở Biển Ðông vượt quá những giới hạn quy định tại Công ước, trong đó có yêu sách quyền lịch sử. 

Cuộc chiến công hàm liên quan đến Biển Ðông tiếp tục dâng cao khi đầu tháng 6, Bộ Ngoại giao Mỹ gửi công hàm cho LHQ nhằm đáp lại công hàm của Trung Quốc. James Kraska - giáo sư tại Trung tâm luật quốc tế Stockton thuộc Ðại học Hải chiến Mỹ - đánh giá rằng thay đổi lớn nhất trong ngôn ngữ mà Washington đã sử dụng là mô tả yêu sách của Bắc Kinh bằng cụm từ "yêu sách phi pháp", thay vì "yêu sách quá mức” như lâu nay.

Bước đi của Mỹ đã lôi kéo Úc, Anh, Pháp, Ðức gửi công hàm lên LHQ phản bác hầu hết yêu sách “đường lưỡi bò” và “quyền lịch sử” của Trung Quốc tại Biển Ðông. 

Trong tuyên bố ngày 14-7-2020, Ngoại trưởng Mỹ khi đó là Mike Pompeo đã bác bỏ gần như toàn bộ yêu sách chủ quyền của Trung Quốc. Ông Pompeo cho biết: “Những yêu sách của Bắc Kinh đối với nguồn tài nguyên ngoài khơi trên hầu hết Biển Ðông cũng như chiến dịch bắt nạt nhằm kiểm soát chúng là hoàn toàn phi pháp”, đồng thời nhấn mạnh “thế giới sẽ không cho phép Bắc Kinh coi khu vực Biển Ðông là đế chế trên biển của mình”. Theo ông, Trung Quốc đã áp đặt sự thống trị đơn phương ở Biển Ðông và áp đặt “chân lý thuộc về kẻ mạnh” để thay thế luật pháp quốc tế. 

KIẾN HÒA

Chia sẻ bài viết