 |
Các nhà hoạt động trong trang phục gấu Bắc Cực biểu tình chống biến đổi khí hậu. Ảnh: AP |
* 7 triệu người tử vong do ô nhiễm không khí mỗi năm
Báo cáo của Ủy ban Liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC) mới đây cho biết hiện tượng Trái đất ngày càng ấm lên do khí nhà kính tạo nên đang đặt ra những rủi ro đáng kể cho con người, các thành phố và các quốc gia trên thế giới không chỉ ở thời điểm hiện tại mà cả trong tương lai.
Và những rủi ro này có thể dẫn đến những hiện tượng không thể ngăn chặn cũng như không thể đảo ngược được như tình trạng băng tan ở Bắc Cực hoặc khô cằn ở rừng mưa Amazon tại Nam Mỹ.
Trong báo cáo, IPCC dự đoán nếu biến đổi khí hậu vẫn tiếp tục diễn ra, nó sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến nhiều mặt của cuộc sống con người, bao gồm tình trạng bạo lực, nguồn thực phẩm, nguồn nước, sức khỏe và sự phồn vinh.
Giới chuyên gia cho rằng sự ấm lên của toàn cầu sẽ không gây ra chiến tranh nhưng nó sẽ trở thành một yếu tố gây bất ổn khiến cho các mối đe dọa sẵn có trở nên tồi tệ hơn. Giá lương thực toàn cầu vào năm 2050 sẽ tăng từ 3-84% khi nhiệt độ ấm hơn và chế độ mưa thay đổi, dẫn đến việc nạn đói có thể xuất hiện tại nhiều thành phố. Theo dự báo, khoảng 50 triệu người sẽ có nguy cơ bị đói vì biến đổi khí hậu vào năm 2050. Khoảng 1/3 dân số thế giới sẽ chứng kiến nguồn cung nước ngầm giảm hơn 10% vào năm 2080 so với trước đó một thế kỷ. Hàng loạt các vấn đề về sức khỏe sẽ xuất hiện, hàng loạt các bệnh tật, thương tích khôn lường do thiếu thức ăn và nguồn nước, nắng nóng và nạn cháy rừng gây ra sẽ tạo nên các cơn khủng hoảng cho cả thế giới. Và nhiều người vốn đã nghèo sẽ phải nghèo hơn, tỷ lệ tăng trưởng kinh tế cũng như xóa đói giảm nghèo sẽ sụt giảm. Và khi nhiệt độ tăng đến một mức nào đó, tổng thu nhập của thế giới có thể giảm ít nhất 2%.
Hồi năm 2007, IPCC cũng đã phát hành một báo cáo về biến đổi khí hậu và vài tháng sau tổ chức này được trao giải Nobel Hòa bình.
Trong khi đó, báo cáo mới đây của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết có tới 7 triệu người chết vì ô nhiễm không khí trong năm 2012. Theo báo cáo, tình trạng ô nhiễm không khí chủ yếu xuất phát từ hai nguyên nhân khói trong nhà và khí phát thải từ các phương tiện giao thông.
Nghiên cứu cho biết, trong năm 2012, cứ 8 ca tử vong trên thế giới thì có 1 ca do ô nhiễm không khí với các bệnh về tim, đột quỵ, ung thư phổi và một số bệnh về phổi khác. Trong đó, ô nhiễm không khí trong nhà khiến 4,3 triệu người trên thế giới chết do ảnh hưởng từ hoạt động nấu nướng bằng bếp củi và than đá. Riêng hàng triệu ca khác tử vong do phơi nhiễm khí phát thải của động cơ diesel với 90% trường hợp ở các nước đang phát triển. Theo WHO, tình hình đặc biệt nghiêm trọng tại Ấn Độ, Indonesia và Tây Thái Bình Dương trải dài từ Trung Quốc, Hàn Quốc cho đến Nhật Bản và Philippines với tổng số ca tử vong của các khu vực trên là 5,9 triệu người.
Giám đốc Sức khoẻ cộng đồng và Môi trường của WHO Maria Neira cho biết, con số trên thật “kinh khủng và đáng lo ngại” so với những gì chúng ta đã biết. Theo bà, ô nhiễm không khí ngoài trời và trong nhà là vấn đề rất lớn bởi nó tác động đến tất cả mọi người ở nước giàu lẫn nước nghèo. “Không khí là nguồn tài nguyên chung của tất cả mọi người. Để hít thở không khí trong lành, chúng ta phải có biện pháp can thiệp đối với các lĩnh vực gây ô nhiễm không khí” - điều phối viên của tổ chức Sức khỏe cộng đồng và Môi trường Carlos Dora khuyến cáo.
TRÍ VĂN-ĐƯỜNG THẤT (Theo AP, Guardian, AFP)