11/01/2009 - 20:19

Bị rắn cắn, hãy đến Bệnh viện 121 !

Bệnh nhân bị rắn cắn thở máy, được điều dưỡng khoa Gây mê hồi sức của Bệnh viện 121 chăm sóc.

ĐBSCL được ghi nhận là nơi người dân thường bị tai nạn rắn cắn, trong đó có trẻ em. Tại TP Cần Thơ, hiện nay, Bệnh viện 121 (Quân khu 9), là nơi điều trị bệnh nhân rắn cắn hiệu quả nhất nhờ lưu trữ nguồn vắc - xin kháng nọc và có đầy đủ máy giúp thở.

Ngày 5-1-2009, Phòng khám của Bệnh viện Nhi đồng TP Cần Thơ tiếp nhận bệnh nhi Ng.D.Kh., (24 tháng tuổi, ở phường An Bình, quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ) bị rắn lục cắn vào bàn tay trái, được gia đình đưa đến Bệnh viện cấp cứu. Phòng khám đã hướng dẫn thân nhân của bệnh nhi phải đưa bé đến Bệnh viện 121 cấp cứu. Tuy nhiên, trong tình huống này, trước khi chuyển viện bệnh nhi phải được các bác sĩ sơ cứu chống rối loạn đông máu, giảm nguy cơ nọc rắn dẫn vào hệ thần kinh trung ương.

Sau khi chuyển đến cấp cứu tại Bệnh viện 121, bệnh nhi Ng.D.Kh. phục hồi sức khỏe, xuất viện ngày 6-1-2009. Theo bệnh án của khoa Gây mê hồi sức cấp cứu - Bệnh viện 121, bệnh nhi Ng.D.Kh. bị rắn lục cắn, trạng thái nhập viện bình thường (chỉ bị sưng nề, không hôn mê, không bị rối loạn đông máu), được xử lý truyền dịch, vắc - xin phòng nọc rắn.

Về việc Bệnh viện Nhi đồng TP Cần Thơ phải đưa bệnh nhi Ng.D.Kh. sang Bệnh viện 121 điều trị, tiến sĩ bác sĩ Lê Hoàng Sơn, Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng TP Cần Thơ, cho biết: Các trường hợp bị rắn độc cắn dẫn đến hôn mê đều phải sử dụng máy giúp thở. Từ nhiều năm qua, các trường hợp bệnh nhi bị rắn cắn nhập viện đều được Bệnh viện Nhi đồng xử lý sơ cứu và hướng dẫn thân nhân đưa bệnh nhi sang Bệnh viện 121 điều trị. Vì Bệnh viện 121 là đơn vị có đầy đủ thiết bị và kinh nghiệm trong việc cấp cứu rắn độc cắn.

Ở TP Cần Thơ, Bệnh viện 121 là đơn vị thực hiện tốt công tác cấp cứu bệnh nhân bị rắn cắn, đặc biệt là rắn hổ đất. Theo dân gian, rắn hổ đất là loài rắn cực độc, người bị rắn hổ đất cắn thường tử vong nhanh. Từ năm 1995 đến nay, Bệnh viện 121 đã cấp cứu thành công 40 trường hợp bị rắn hổ đất cắn (chỉ 1 trường hợp tử vong do nhập viện trễ). Đạt được kết quả này là nhờ Bệnh viện 121 có đầy đủ máy giúp thở và có tủ đông lưu giữ được chất lượng vắc - xin kháng nọc rắn hổ đất và kháng nọc rắn lục tre do Viện Vắc - xin Nha Trang sản xuất, Trung tâm Nuôi trồng dược liệu Đồng Tâm (Quân khu 9) phân phối.

Bác sĩ chuyên khoa II Gây mê - hồi sức Nguyễn Minh Thuần, Phó Giám đốc Bệnh viện 121, cho biết: Nguyên nhân tử vong do rắn hổ cắn là nạn nhân bị ngừng thở, do nọc rắn hổ tác dụng vào hệ tim mạch làm suy hô hấp. Thời gian ngừng thở từ 2 giờ đến 2 giờ 30 phút nếu bị rắn cắn ở bàn tay, từ 3 giờ đến 4 giờ nếu vết cắn ở bàn chân, bệnh nhân nhập viện trong giai đoạn này, bệnh viện sẽ xử lý cấp cứu: đặt nội khí quản, cho thở máy và điều trị bằng huyết thanh kháng nọc rắn hổ đất do Viện Vắc - xin Nha Trang sản xuất, kết hợp với truyền dịch và thuốc kháng viêm chống dị ứng.

Ngoài ra, trường hợp bị các loài rắn khác cắn hoặc côn trùng đốt chích, chỗ vết thương có biểu hiện phù nề, đau nhức và tán huyết (hồng cầu vỡ), nhưng không có triệu chứng mờ mắt, khó thở - không bị ngừng thở, bệnh nhân sẽ được bệnh viện điều trị bằng huyết thanh kháng nọc rắn lục tre. Nhưng trước khi nhập viện, phải được xử lý sơ cứu tại chỗ để làm chậm quá trình tác dụng của nọc độc vào hệ thần kinh.

Bài, ảnh: ĐÌNH KHÔI 

Theo bác sĩ Nguyễn Minh Thuần, Phó Giám đốc Bệnh viện 121:

Thời gian vàng trong cấp cứu nạn nhân rắn độc cắn là 3 giờ sau khi bị tai nạn. Các bệnh viện tuyến huyện không có máy giúp thở, nhưng là đơn vị trung gian giúp nạn nhân bị rắn hổ cắn giữ được tính mạng bằng cách mở nội khí quản, bóp bóng cho bệnh nhân giữ được nhịp tim trong suốt quá trình chuyển đến Bệnh viện 121. Đồng thời, các trường hợp bị rắn cắn, côn trùng đốt, chích bệnh nhân thường bị đau nhức dữ dội thì phải được sơ cứu tại chỗ: dùng dây cột chặt bên trên vết phù nề, rạch - nặn máu, rửa sạch vết thương bằng oxy già.

Chia sẻ bài viết