21/07/2018 - 15:07

Bếp vui, nhà ấm 

Hồi đó, dù đi đâu, chị em tôi cũng nôn về nhà ăn cơm với má. Mâm cơm chẳng có gì cao sang, chỉ là mớ cá, nhái, hoặc ốc ba bắt ngoài ruộng, má kho quẹt với tóp mỡ, ăn kèm nồi canh với cả chục loại rau tập tàng hái vườn nhà. Bữa nào cơm cũng sạch nồi không chỉ vì má nấu rất ngon, mà còn bởi không khí yêu thương lan tỏa gian bếp củi ấm áp, thơm lừng gia vị. Sau này lập gia đình, chị em tôi đều nhớ lời má, cố gắng thu xếp thời gian, công việc để nấu ăn... Hạnh phúc gia đình chẳng đâu xa, lắm khi bắt nguồn bên mâm cơm có người thân quây quần bên nhau. Cuộc sống hiện đại nhiều lo toan, áp lực, bên cạnh các cặp vợ chồng chọn cách đơn giản hóa bữa ăn tiện lợi, còn nhiều bà nội trợ vui “nhóm bếp” mỗi ngày…

Còn gì vui hơn sau những giờ lao động vất vả,  cả nhà quây quần bên nhau, cùng thưởng thức những món ăn ngon do người thân yêu nấu.

Chị Kim Ngọc (39 tuổi, công tác quận Ninh Kiều) có 2 con, chồng làm trong ngành truyền thông. Trước đây, chị thường xuyên tăng ca, còn chồng giờ giấc thất thường, hay có việc đột xuất, ít về nhà ăn cơm, chị cũng ăn ngoài cho tiện. Con gái học cả ngày nên chị đăng ký luôn suất ăn chiều; bữa trưa, chị và con trai ăn tiệm, tối mấy mẹ con ăn đơn giản qua bữa. Cả năm nay, con gái đòi mẹ nấu ăn sáng ở nhà mới chịu đi học, con trai cũng than ăn ngoài ngán quá, khiến chị Ngọc quyết định tổ chức lại cuộc sống gia đình. Tranh thủ buổi chiều rước con, chị ghé chợ hoặc siêu thị mua cá thịt, rau nấu cơm tối và dành phần bữa sáng, khoảng nửa tiếng là đã có mâm cơm nóng sốt. Sáng chị ăn luôn cùng con gái, trưa chị và con trai hâm thức ăn dùng tiếp. Các con chị tỏ ra thích thú ăn cơm mẹ nấu, lên cân, khỏe mạnh. Quan trọng hơn là từ ngày bếp nhà đỏ lửa, chồng chị Ngọc thường về nhà ăn cơm tối, còn tranh thủ đưa con đi chơi. Chị Ngọc đúc kết: “Không khó để duy trì bữa cơm gia đình, chỉ cần muốn là sắp xếp được. Mỗi ngày, tiền chợ khoảng 140.000 đồng là đủ nấu cho cả nhà, trong khi bao nhiêu đó chỉ vừa đủ trả bữa cơm tiệm. Nhìn chồng con ăn uống vui vẻ, tôi thấy rất hạnh phúc, càng có động lực để học hỏi nấu ngon hơn”.  

Sau ngày bươn chải, có lẽ ai cũng mong muốn được về nhà, ăn cơm gia đình. Anh Thanh Tuấn (chủ cửa hàng kinh doanh trang trí nội thất quận Bình Thủy) tâm sự: “Tôi rất bận, nhưng vẫn cố gắng sắp xếp về nhà ăn cơm để vợ con vui. Vợ tôi đi làm vất vả nhưng cô ấy có lòng nấu nướng thì mình phải trân trọng. Nhiều khi chỉ cần gặp con, nghe kể chuyện trường lớp, khoe hình vẽ ngộ nghĩnh là bao mệt nhọc tan biến, ăn cực cũng ngon”. Anh Tuấn còn đặt hàng người quen mua đặc sản các vùng miền cho vợ chế biến. Lúc rảnh rỗi hiếm hoi, anh thay vợ vào bếp, các con xúm xít phụ cha, bữa cơm vì thế cũng “chất lượng” hơn vì gia vị nêm nếm chất chứa tình yêu thương mọi người dành cho nhau.

Biết con dâu bận bịu không có thời gian nấu nướng, má chồng chị Thu Hương (phường Hưng Lợi) tranh thủ bày biện nấu nướng mấy ngày cuối tuần, gọi con cháu qua ăn. Má nấu toàn món khoái khẩu nên chồng chị Hương thường đề nghị mấy anh bạn thân góp mặt chung vui. Chị Hương vui vẻ khoe: “Má còn nấu những món ngon, để được lâu như thịt kho trứng… để tôi chỉ cần bắc nồi cơm, nấu thêm canh là đã có bữa ăn đơn giản, đầy đủ dinh dưỡng cho tụi nhỏ. Má nói không được để bếp núc lạnh tanh, ráng chịu cực nấu nướng chăm sóc sức khỏe chồng con, bếp ấm nhà mới vui”.

Cô Nguyễn Thị Ngọc Điệp (gia đình hạnh phúc tiêu biểu ở phường Thới Bình, quận Ninh Kiều) tâm sự: “Tôi nghĩ bữa cơm gia đình rất quan trọng, không chỉ ăn no, ngon, còn là dịp để người thân trò chuyện, chia sẻ vui buồn. Qua những câu chuyện trong bữa cơm, vợ chồng tôi hiểu nhau hơn, cùng hợp tác dạy con cách ăn nói, cư xử. Tôi thường hỏi ý chồng con thích ăn gì để nấu hợp khẩu vị nên bữa cơm lúc nào cũng vui. Hai con gái tôi nấu ăn cũng rất ngon”. Còn chị Yến Ngọc (33 tuổi, phường Long Tuyền, quận Bình Thủy) thường được bạn bè ngưỡng mộ, bởi vừa đảm đương tốt việc cơ quan, vừa là “chuyên gia nấu nướng”. Vườn nhà rộng nên chị trồng rau, thả vài con gà vừa cho thịt, vừa lấy trứng. Hàng xóm hay đi giăng câu nên chị Ngọc thường đặt hàng cá đồng, tôm, ếch…, để nhà luôn sẵn nguyên liệu tươi, chỉ “nổi lửa” là có mâm cơm thịnh soạn. Những ngày cuối tuần, thay vì đi chơi, chị Yến tìm tòi học công thức nấu ăn, thử món mới cả chay lẫn mặn. Có vợ quá khéo tay nên chồng chị ít đi ăn bên ngoài mà chỉ thích cơm vợ nấu, còn hai con gái đi đâu cũng khoe mẹ là “bếp trưởng”.

Con người không thể sống mà không ăn. Và còn gì tuyệt vời hơn nếu những dưỡng chất đó được chọn lựa, nấu nướng bằng sự quan tâm, tình cảm của người thân dành cho nhau. Vì thế, cần hiểu và trân trọng những điều giản dị nhưng ý nghĩa thông qua bữa cơm gia đình. Nhà yên vui thì bếp mới nồng đượm yêu thương. Chắc chắn, những bữa cơm đầm ấm sẽ mãi là kỷ niệm ngọt ngào trong tâm trí mỗi người dù mai này đi bất cứ đâu…

KIỀU CHINH

Chia sẻ bài viết