27/01/2019 - 09:01

Bệnh về nướu là “thủ phạm” gây Alzheimer 

Phát hiện trên của các nhà khoa học Mỹ mở ra hy vọng chăm sóc sức khỏe răng miệng tốt hoặc dùng thuốc có thể ngăn chặn hoặc thậm chí đảo ngược bệnh mất trí nhớ.

Tiến sĩ Stephen Dominy và các cộng sự tại công ty dược Cortexyme tuyên bố có “bằng chứng chắc chắn” cho thấy chính vi khuẩn P.gingivalis gây ra bệnh nha chu đã sản sinh enzyme gingipain phá hủy các tế bào thần kinh, khiến con người mất trí nhớ. P.gingivalis là một trong những “thủ phạm” chính dẫn đến các bệnh về nướu và rụng răng ở người, mặc dù trước đó vi khuẩn này được biết có liên quan đến các vấn đề về tim mạch.

Chăm sóc răng miệng đúng cách có thể phòng ngừa bệnh Alzheimer. 

Nhóm nghiên cứu đưa ra kết luận trên sau khi phân tích mô não, dịch não tủy, nước bọt của những bệnh nhân Alzheimer còn sống và chết. Sau khi kiểm tra 54 mẫu mô não, các nhà khoa học nhận thấy có đến 96% mẫu chứa enzyme gingipain. Phân tích ADN còn phát hiện gien hmuY của P.gingivalis có trong 3 não của những bệnh nhân Alzheimer quá cố, đồng thời cũng tồn tại trong cả dịch não tủy của 7/10 bệnh nhân còn sống. Ngoài ra, mẫu nước bọt của 10 bệnh nhân nghi mắc Alzheimer đều dương tính với hmuY. Việc vi khuẩn trú ngụ trong dịch não tủy có thể giúp giới khoa học tìm ra phương pháp chẩn đoán Alzheimer, một trong những căn bệnh bí ẩn nhất trong y học.

Thí nghiệm với chuột cho thấy P.gingivalis cũng đã lây lan từ miệng lên não để rồi enzyme gingipain ra sức phá hủy các tế bào thần kinh não. Vi khuẩn có thể tiếp cận não nhờ lây nhiễm các tế bào hệ miễn dịch hoặc lan rộng thông qua các dây thần kinh sọ.

Tập thể dục giúp chống lại bệnh Alzheimer

Các nhà nghiên cứu tại Đại học liên bang Rio de Janeiro (UFRJ) của Brazil phát hiện các bệnh nhân bị ảnh hưởng bởi Alzheimer có hàm lượng hormone irisin thấp trong não cũng như tìm ra mối quan hệ giữa hàm lượng irisin và khả năng điều trị chứng mất trí nhớ do Alzheimer. Khi thí nghiệm trên những con chuột bị hội chứng trên, nhóm nghiên cứu nhận thấy chúng tiết ra hormone irisin khi vận động. Các nhà nghiên cứu kết luận việc bổ sung hàm lượng irisin trong não, bao gồm thông qua rèn luyện thể chất, giúp cải thiện tình trạng mất trí nhớ ở những con chuột trên. 

Thêm một tin vui là qua thử nghiệm thuốc ức chế gingipain trên chuột, các nhà khoa học nhận thấy hồi hải mã- vùng não quan trọng kiểm soát trí nhớ ngắn hạn lẫn dài hạn- đã được bảo vệ trước sự tấn công của P.gingivalis. Điều này cũng làm giảm sưng viêm và mức độ beta-amyloid (prôtêin này và tau tích tụ trong não gây ra Alzheimer). Hiện nay, nhóm của Tiến sĩ Dominy đang phát triển loại thuốc mới COR388, có khả năng thâm nhập vào hệ thần kinh trung ương tốt hơn. P.gingivalis được chứng minh kháng thuốc kháng sinh moxifloxacin, nhưng với COR388 thì không. Do vậy, nhóm nghiên cứu hy vọng thuốc mới có thể làm cơ sở để phát triển phương pháp điều trị Alzheimer hiệu quả ở người.

Tháng 10-2018, Cortexyme cho biết thuốc ức chế gingipain tốt nhất của họ đã vượt qua các thử nghiệm ban đầu về mức độ an toàn ở người và thuốc vào đến não. Trong năm nay, hãng sẽ tiếp tục thực hiện thử nghiệm lâm sàng quy mô lớn hơn, với hy vọng tìm kiếm P. gingivalis trong dịch não tủy cũng như những cải thiện về khả năng nhận thức của bệnh nhân trước và sau khi tham gia thí nghiệm. Năm ngoái, một nhóm nghiên cứu tại Melbourne (Úc) cũng đã thử nghiệm một loại vắc-xin phòng ngừa P.gingivalis.

Thật ra, một số mẫu não của người không bị Alzheimer cũng có P.gingivalis và các mảng bám prôtêin beta-amyloid và tau, nhưng với mức độ thấp hơn. Các prôtêin này có thể tích tụ trong não 10-20 năm trước khi các triệu chứng của bệnh xuất hiện. Điều này chỉ ra rằng vi khuẩn P.gingivalis là nguyên nhân chứ không phải kết quả của bệnh Alzheimer. So với bệnh về nướu, Alzheimer không phổ biến bằng, nhưng nó tấn công những người bị tích tụ gingipain và tổn thương não ở tốc độ đủ nhanh để phát triển các triệu chứng trong suốt cuộc đời của họ, theo Casey Lynch- Giám đốc điều hành Cortexyme.

HẠNH NGUYÊN (Theo Independent, NewScientist) 

Chia sẻ bài viết