10/09/2012 - 21:43

Bệnh tay chân miệng và sốt xuất huyết tiếp tục diễn biến phức tạp

Bác sĩ Bùi Thị Lệ Phi, Giám đốc Sở Y tế TP Cần Thơ giám sát công tác phòng, chống dịch sốt xuất huyết tại xã Vĩnh Trinh, huyện Vĩnh Thạnh.
Ảnh: CTV

Đến ngày 31-8-2012, toàn thành phố đã ghi nhận 1.035 ca tay chân miệng (TCM), 2 ca tử vong. Riêng với sốt xuất huyết (SXH), thành phố cũng ghi nhận 587 ca. Cả bệnh TCM, SXH đều tăng so với cùng kỳ. Thời điểm học sinh tựu trường, mưa nhiều là điều kiện để dịch bệnh dễ lây lan, nếu các ngành không có những giải pháp quyết liệt...

* Bệnh TCM tập trung ở trẻ từ 1-3 tuổi

Theo báo cáo của Trung tâm Y tế dự phòng (YTDP) TP Cần Thơ, đến ngày 31-8-2012, số ca mắc TCM của thành phố là 1.035 ca, có 2 ca tử vong, xếp thứ 12/20 tỉnh, thành khu vực phía Nam. Nếu tính tỷ lệ mắc bệnh TCM/100.000 dân thì tất cả các quận, huyện trên địa bàn thành phố đều có ca mắc bệnh tăng so với cùng kỳ năm 2011. Số ca mắc bệnh TCM tập trung chủ yếu từ 1 -3 tuổi. Đáng lo là tỷ lệ bệnh TCM nặng (độ IIb) trở lên là 8,2%, tăng nhiều so cùng kỳ 2011 (0,8%).

Để đối phó với tình hình bệnh, thành phố đã triển khai nhiều hoạt động như: Phát động toàn dân thực hiện chiến dịch tổng vệ sinh môi trường phòng, chống dịch chủ động tháng 01 năm 2012; Tháng cao điểm truyền thông, vệ sinh môi trường phòng chống dịch, bệnh TCM (2 đợt)... giám sát bệnh TCM tại các trường học, ca mắc đến khám và điều trị tại bệnh viện nhằm phát hiện sớm ổ dịch và có biện pháp xử lý kịp thời; giám sát việc thực hiện các biện pháp phòng, chống bệnh TCM tại tuyến huyện, xã và phản hồi những việc làm tốt, chưa tốt về Sở Y tế.

Công tác tuyên truyền được đặc biệt chú trọng như cấp tờ rơi, áp phích, tổ chức nói chuyện chuyên đề phòng, chống bệnh TCM cho các đoàn thể... Ngoài ra, từ đầu năm 2012 đến nay, ngành y tế đã cấp 2.765 kg Cloramin B bột, 18 máy phun thuốc đeo vai cho 9 quận, huyện; tổ chức 4 lớp tập huấn về chẩn đoán điều trị và chăm sóc bệnh nhân TCM, giám sát và phòng, chống TCM cho cán bộ y tế.

Tuy ngành y tế đã triển khai các hoạt động tương đối đồng bộ từ truyền thông, giám sát, tập huấn, điều trị... nhưng bệnh vẫn có nguy cơ tăng. Theo nhận định của ngành y tế, nguyên nhân do ý thức phòng bệnh của các bà mẹ chưa được thường xuyên do công tác tuyên truyền giáo dục nâng cao nhận thức của người dân về tình hình dịch bệnh và các biện pháp phòng tránh chưa được thường xuyên và đúng đối tượng đích; từng lúc, từng nơi công tác phòng, chống dịch bệnh TCM còn khoán cho ngành y tế. Trong kế hoạch từ đây đến cuối năm, ngành y tế chú trọng tập huấn đào tạo cho mạng lưới công tác viên tại các ấp/ khu vực; thực hiện Tháng cao điểm truyền thông, vệ sinh môi trường phòng, chống bệnh TCM lần 2 (từ 5-9 đến 5-10).

* Dịch bệnh tăng cao những tháng cuối năm

Tại TP Cần Thơ, tính đến ngày 31-8-2012, ghi nhận 587 ca mắc SXH, so cùng kỳ số mắc tăng 88 ca; không có ca tử vong, đứng thứ 17/20 tỉnh, thành phía Nam. Hiện tại, số ca mắc bệnh SXH/100.000 dân thì các huyện, quận: Ninh Kiều, Bình Thủy, Phong Điền, Thốt Nốt và Vĩnh Thạnh có số ca mắc tăng so cùng kỳ. Cũng như bệnh TCM, thành phố cũng triển khai nhiều chiến dịch phòng, chống bệnh SXH, cấp tờ rơi, băng rôn, bảng Hướng dẫn phun hóa chất, cấp 80 lít permethrin 50EC, 18 máy phun thuốc... cho các quận, huyện. Tuy nhiên, tình hình bệnh SXH không giảm mà có xu hướng tăng. Cụ thể trong tháng 7-2012, ghi nhận 137 ca (tăng 33 ca so với cùng kỳ 2011, tăng hơn gấp đôi so với tháng 6-2012), tháng 8 tiếp tục tăng với 140 ca (tăng 44 ca so với cùng kỳ năm 2011). Theo nhận định của Trung tâm YTDP TP Cần Thơ, thời gian qua, công tác giám sát xử lý ổ dịch nhỏ tại các quận, huyện chưa được kiểm tra thường xuyên; xử lý ổ dịch nhỏ tại các quận/huyện chưa đạt; y tế cơ sở chưa tự kiểm tra diệt lăng quăng ở cộng đồng, một số nơi chính quyền quan tâm chưa đúng mức. Đặc biệt, qua nhiều năm thực hiện công tác tuyên truyền bệnh SXH, tuy kiến thức của người dân cao, nhưng thực hành các biện pháp phòng chống bệnh của người dân còn chưa tương xứng. Bác sĩ Đinh Xuân Hải, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Cờ Đỏ, bức xúc nói: “Khi đi cộng đồng để kiểm tra lăng quăng, tuyên truyền phòng chống dịch, chúng tôi gặp một số hộ dân rất khó chịu, không hợp tác. Tôi nghĩ với những hộ nhiều lần không hợp tác cũng nên có chế tài”.

Theo kế hoạch của Sở Y tế TP Cần Thơ, để chủ động phòng chống dịch, Sở Y tế triển khai chiến dịch diệt lăng quăng và phun hóa chất diệt muỗi chủ động phòng, chống dịch SXH tại các xã, phường trọng điểm đợt III và IV. Các xã được chọn là những xã có số mắc SXH /100.000 dân vượt trung bình cộng 5 năm (2007 - 2011), có số mắc SXH tăng cao trong 8 tháng đầu năm 2012, nhất là một tháng trước và tăng so với cùng kỳ năm. Tổng cộng có 25 xã, phường, thị trấn: An Hòa, An Khánh, An Nghiệp, Xuân Khánh, Hưng Lợi, Cái Khế (quận Ninh Kiều); Bùi Hữu Nghĩa, An Thới, Trà An, Trà Nóc, Long Tuyền (quận Bình Thủy); Ba Láng, Lê Bình, Thường Thạnh (quận Cái Răng); Tân Lộc, Thốt Nốt, Thuận Hưng (quận Thốt Nốt); Thới Long (quận Ô Môn); Nhơn Nghĩa, Mỹ Khánh (huyện Phong Điền); Trung Thạnh, Trung Hưng (huyện Cờ Đỏ); Vĩnh Thạnh, Thạnh Mỹ (huyện Vĩnh Thạnh) và Thới Lai (huyện Thới Lai). Thời gian triển khai trong tháng 9,10 và 11. Bác sĩ Bùi Thị Lệ Phi, Giám đốc Sở Y tế TP Cần Thơ, cho biết thêm: “Để tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh, Sở Y tế đã đề nghị UBND thành phố hỗ trợ kinh phí hơn 8 tỉ đồng để mua trang thiết bị phục vụ cho cấp cứu, điều trị, giám sát phòng chống dịch và công tác truyền thông”.

Theo nhận định của Bác sĩ Nguyễn Trung Nghĩa, Phó Giám đốc Sở Y tế TP Cần Thơ, phần lớn số trẻ bị bệnh TCM và SXH đều nằm trong độ tuổi còn đi học. Thêm vào đó, giáo viên có kỹ năng sư phạm, truyền đạt phòng chống dịch bệnh cho học sinh và phụ huynh rất hiệu quả; nếu phụ huynh và học sinh hiểu thì họ sẽ tích cực thực hiện. Vì thế, trong thời gian tới, ngành y tế tích cực phối hợp với ngành giáo dục để phòng chống dịch.

Dự báo tình hình bệnh TCM và SXH trong thời gian tới, bác sĩ Lê Hoàng Sơn, Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng TP Cần Thơ, cho biết: “Kinh nghiệm của các năm trước, vào cuối mùa mưa, SXH càng diễn biến phức tạp. Còn với TCM, năm 2011, dịch TCM đỉnh điểm vào các tháng 10, 11, 12 nên các bậc phụ huynh cần hết sức cảnh giác. Bệnh viện cũng triển khai máy lọc máu liên tục để điều trị các ca bệnh TCM và SXH nặng”. Vì thế, các địa phương không nên chủ quan, lơ là trong phòng, chống dịch. Đồng chí Lê Hùng Dũng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố, nhấn mạnh: “Phòng chống dịch bệnh TCM, SXH là giải pháp giảm nghèo, giảm quá tải ở các bệnh viện. Nhiều năm qua, UBND thành phố luôn quan tâm đầu tư kinh phí phòng chống dịch, mua sắm các trang thiết bị. Vì thế, các địa phương quan tâm phòng chống dịch ngay từ đầu, không để khi dịch xảy ra thì khó dập được”.

HUỆ HOA

Chia sẻ bài viết