20/12/2023 - 09:42

Bệnh tay chân miệng, khi nào trẻ cần nhập viện? 

(CTO) - Theo các bác sĩ, trẻ bệnh tay chân miệng độ I (chỉ loét miệng hoặc tổn thương da) có thể điều trị tại nhà.

Bác sĩ khám cho trẻ bị tay chân miệng tại Bệnh viện Nhi đồng TP Cần Thơ. 

BS CKI Lê Phúc Hiển, Trưởng khoa Phòng, chống bệnh truyền nhiễm - Kiểm dịch y tế quốc tế, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) TP Cần Thơ cho biết: Khi trẻ mắc bệnh, cha mẹ cần cho trẻ nghỉ ngơi, hạn chế vận động. Vệ sinh răng miệng và thân thể. Không cạy vỡ các bóng nước để tránh nhiễm trùng. Tăng cường dinh dưỡng, cho ăn thức ăn lỏng, mềm, uống nhiều nước nhất là nước hoa quả. Giảm đau, hạ sốt bằng cách lau nước ấm, hoặc Paracetamol.

BS CKI Lê Phúc Hiển khuyến cáo theo dõi và đưa trẻ tái khám ngay khi có một trong các dấu hiệu sau: Sốt cao liên tục; nôn ói nhiều lần; giật mình, chới với hoặc hốt hoảng; lừ đừ, ngủ gà; đi đứng loạng choạng, yếu chân hoặc tay; da nổi vân tím, vã mồ hôi, tay chân lạnh... Ngoài ra, trẻ cần phải nhập viện khi trẻ có các bệnh mãn tính khác (tim, phổi…) hoặc phụ huynh không có đủ điều kiện để chăm sóc và theo dõi trẻ.

Các bác sĩ cũng khuyến cáo đối với trẻ đã mắc bệnh: Cần giặt sạch quần áo, khăn mặt của trẻ sau đó ngâm qua với nước sôi hoặc dung dịch cloramin B. Cần tách riêng, không giặt chung quần áo của trẻ bệnh với các trẻ khác. Phân của bệnh nhân tay chân miệng cần được xử lý tốt, tránh thải trực tiếp ra môi trường xung quanh. Nhà vệ sinh của những gia đình có trẻ mắc bệnh tay chân miệng cần thường xuyên được vệ sinh sạch sẽ, lau chùi bằng xà phòng và chất sát khuẩn. Cách ly trẻ bệnh tại nhà. 

P.V

 

Chia sẻ bài viết