19/03/2015 - 09:47

Bệnh sốt xuất huyết đang tăng

Thông thường, bệnh sốt xuất huyết (SXH) bắt đầu tăng vào đầu mùa mưa nhưng hiện nay do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu nên trong mùa nắng, bệnh SXH vẫn tăng cao so với cùng kỳ. Theo thống kê của Trung tâm Y tế dự phòng (TTYTDP) TP Cần Thơ, từ đầu năm 2015 đến 16-3-2015, toàn thành phố có 118 ca SXH, tăng 37 ca so với cùng kỳ. Trong đó có 4/9 quận, huyện có số ca mắc tăng so với cùng kỳ 2014 như: Cờ Đỏ (24 ca, tăng 19 ca), Ô Môn (17 ca, tăng 12 ca), Thốt Nốt (28 ca, tăng 25 ca) và Phong Điền (9 ca, tăng 4 ca).

Chẩn đoán sớm, điều trị đúng

Điều dưỡng Khoa SXH tư vấn cho người nhà bệnh nhi cách chăm sóc trẻ bị SXH. 

Ngày 11-3, Khoa SXH, Bệnh viện Nhi đồng TP Cần Thơ có 40 giường bệnh nhưng có 53 bệnh nhi đang điều trị. Theo lãnh đạo khoa, từ đầu năm 2015 đến ngày 11-3, số bệnh nhân bị SXH nhập viện điều trị tại khoa thường dao động từ 30-40 người/ngày. Tuy nhiên, 2 tuần gần đây lượng bệnh có tăng hơn. Ngoài bệnh nhi chẩn đoán bệnh SXH, khoa cũng tiếp nhận những ca sốt siêu vi, tiêu chảy... nghi ngờ bị SXH. Nếu tình trạng bệnh nhi bị SXH nhẹ, khoa cấp thuốc để điều trị tại nhà. Bác sĩ Bùi Hùng Việt, Trưởng khoa SXH, cho biết: “Tình hình bệnh SXH năm 2014 và đầu năm 2015 đến nay diễn biến tương đối ổn định, gần đây số ca mắc có tăng lên. Năm 2014, khoa tiếp nhận 638 ca, trong đó 334 ca ở TP Cần Thơ. Riêng đầu năm 2015 đến 10-3, Khoa tiếp nhận điều trị 115 ca, trong đó TP Cần Thơ có 72 ca”.

Năm 2014, trong 638 ca nhập viện vì bệnh SXH có 24 ca SXH cảnh báo (SXH diễn biến tương đối nặng) và 67 ca SXH nặng (sốc). Theo nghiên cứu của các chuyên gia y tế thế giới, tỷ lệ vào sốc (bệnh nặng) ở bệnh SXH là 30%. Tuy nhiên, bác sĩ Bùi Hùng Việt khuyến cáo phụ huynh không phải trường hợp nào bị SXH cũng cần nhập viện điều trị. Những trường hợp trẻ chỉ bị sốt, mệt mỏi, biếng ăn, nôn ói ít, vẫn chơi đùa bình thường, không cần nhập viện điều trị. Tuy nhiên, nếu trẻ sốt cao, nôn ói và đau bụng nhiều, chảy máu chân răng, ói ra máu, tay chân lạnh, vật vã... cần đưa đến bệnh viện ngay. Thông thường, bệnh SXH kéo dài 7 ngày, sau đó bệnh sẽ lui dần và hết hẳn. Ngày sốt thứ 1 và 2, bệnh SXH không có dấu hiệu rõ ràng, triệu chứng của bệnh dễ nhầm lẫn với sốt siêu vi, viêm họng hay sốt phát ban. Đến ngày sốt thứ 3, bệnh có thể diễn biến nặng và dễ nhẫm lần với bệnh nhiễm trùng huyết, vì thế, người nhà cần lưu ý chăm sóc và theo dõi trẻ thật kỹ, để phối hợp điều trị với thầy thuốc. Cần lưu ý, nếu trẻ sốt cao 2 ngày, mệt mỏi, kém ăn, đau bụng, điều trị bằng thuốc thông thường không giảm thì cần đến khám tại bác sĩ chuyên khoa nhi hoặc bệnh viện có chuyên khoa nhi để kịp thời điều trị. Đối với bệnh SXH quan trọng nhất là phát hiện sớm, điều trị đúng từ đầu; nếu để bệnh trở nặng thì việc điều trị rất phức tạp. Theo các bác sĩ Khoa SXH, bệnh này có từ lâu, phần lớn người dân có kiến thức về bệnh này nhưng không ít phụ huynh, đặc biệt phụ huynh vùng nông thôn, bận rộn việc đồng áng, giao con nhờ ông bà chăm sóc, chủ quan vì dấu hiệu bệnh không biểu hiện rõ 3 ngày đầu, đến khi trẻ có dấu hiệu trở nặng mới đưa đến cơ sở y tế, nên điều trị rất khó khăn và tốn kém.

Chủ động diệt muỗi diện rộng

Nhằm chủ động phòng, chống dịch bệnh SXH, trước Tết, Sở Y tế TP Cần Thơ chủ động tổ chức “Chiến dịch phòng, chống dịch chủ động”. Chiến dịch diễn ra từ 9-2 đến 11-2. Trong chiến dịch, có 3.526 cán bộ y tế, hội chữ thập đỏ, hội phụ nữ, đoàn thanh niên, cán bộ, giáo viên... tham gia vãng gia tuyên truyền bệnh SXH, kiểm tra dụng cụ chứa nước ở 134.784 hộ dân; phát hiện lăng quăng ở 39.329 dung cụ chứa nước/376.544 dụng cụ chứa nước; treo 152 băng rôn, phát tờ rơi phòng, chống bệnh SXH cho 32.265 hộ dân. Cán bộ vãng gia tuyên truyền, vận động người dân đổ bỏ nước, vệ sinh các dụng cụ chứa nước có lăng quăng. Ngoài ra, các xã, phường, thị trấn thường xuyên phát loa tuyên truyền cách phòng, chống bệnh SXH.

Trước tình hình bệnh SXH tăng cao ở 3 quận, huyện (Cờ Đỏ, Ô Môn, Thốt Nốt) lãnh đạo Sở Y tế, TTYTDP TP Cần Thơ tổ chức đoàn đến các địa phương làm việc và chỉ đạo triển khai phun thuốc diện rộng diệt muỗi ở các ấp, khu vực có số ca mắc SXH tăng. TTYTDP TP Cần Thơ cấp máy phun, hóa chất các quận, huyện này. Theo bác sĩ Trần Văn Tuấn, Trưởng khoa Kiểm soát Bệnh truyền nhiễm và Vắc-xin sinh phẩm, TTYTDP TP Cần Thơ: “Thời gian tới, nếu số ca SXH ở 3 quận, huyện trên còn tiếp tục tăng thì ngành y tế sẽ tiếp tục phun hóa chất diệt muỗi diện rộng bằng xe cơ giới. Hiện nay, TTYTDP TP Cần Thơ đã cấp cho 9 quận, huyện hóa chất phun diệt muỗi, tờ rơi tuyên truyền”. Để chủ động phòng, chống dịch bệnh SXH, kịp thời xử lý các ổ dịch SXH, mỗi buổi chiều, TTYTDP TP Cần Thơ nắm số liệu bệnh nhân SXH toàn thành phố đang điều trị tại các bệnh viện để báo cáo lãnh đạo ngành y tế và thông báo các quận, huyện, trạm y tế kịp thời xử lý. Bác sĩ Trần Văn Tuấn cho biết thêm: “Với ca SXH độ A, B, xử lý môi trường và tuyên truyền cho người dân phòng, chống bệnh. Nếu có 2 ca độ A, B ở cùng khu vực, ấp trong 1 tuần hoặc 1 ca độ C thì tính là ổ dịch nhỏ, y tế địa phương phối hợp với chính quyền, các ban, ngành...tổ chức vệ sinh môi trường, tuyên truyền cho người dân diệt lăng quăng rồi tiến hành phun hóa chất diệt muỗi trong 48 giờ”.

Bài, ảnh: H.HOA

Chia sẻ bài viết