14/02/2023 - 10:21

Bệnh nhân đột quỵ được cứu sống nhờ hiểu biết “giờ vàng” 

THU SƯƠNG

Nhiều trường hợp đột quỵ được cứu sống ngoạn mục, hồi phục sức khỏe nhanh chóng, ít tai biến, di chứng, nhờ vào sự hiểu biết của chính bản thân người bệnh và thân nhân nhận diện dấu hiệu ban đầu của bệnh và đưa bệnh nhân đến bệnh viện (BV) kịp “giờ vàng”. Vì vậy, các bác sĩ chuyên khoa khuyến cáo, khi có triệu chứng nghi ngờ, người bệnh và thân nhân không nên chần chờ.

Sự hiểu biết của người bệnh và thân nhân về đột quỵ giúp bệnh nhân được điều trị kịp thời trong “giờ vàng”. Ảnh do BV cung cấp 

Trong 2 tuần Tết Nguyên đán vừa qua, BV Ða khoa Quốc tế SIS Cần Thơ (SIS) đã cấp cứu, điều trị hơn 300 trường hợp đột quỵ não. Trong đó, dưới 20% trường hợp được đưa vào viện trong “giờ vàng”. TS.BS Trần Chí Cường, Giám đốc BV cho biết, nhiều bệnh nhân khởi phát đột quỵ, tái đột quỵ lần thứ hai, nguy cơ đe dọa sức khỏe, tính mạng cao nhưng nhờ vào viện sớm, được bác sĩ can thiệp kịp thời. Ðiều đặc biệt, cơ hội sống, thoát nguy kịch của người bệnh, chính nhờ sự hiểu biết của chính bệnh nhân và thân nhân về những dấu hiệu ban đầu của bệnh và khẩn trương đến BV có chuyên khoa điều trị đột quỵ trong “giờ vàng”.

Một bệnh nhân bị đột quỵ được cứu sống ngoạn mục trong ngày mùng 1 Tết (tức ngày 22-1-2023) kể, anh tỉnh giấc lúc 4 giờ sáng mùng 1, cảm thấy tay, chân tê không nhấc lên được. Sau 10 phút thử đổi tư thế, nằm nghiêng nhưng tình trạng không cải thiện, nghi ngờ bị đột quỵ nên anh thông báo cho người thân và bạn bè để đưa anh vào viện. Gần 6 giờ sáng, bệnh nhân tới BV SIS, được tiếp nhận, thăm khám và can thiệp, tiêm thuốc. Ðến chiều thì bệnh nhân tỉnh lại, tay chân cử động trở lại bình thường.

Theo BS CKII Huỳnh Quốc Sĩ, Trưởng khoa Hồi sức cấp cứu BV SIS, bệnh nhân cho biết nhờ nghe báo đài nhiều, có kiến thức về bệnh đột quỵ nên rất cảnh giác khi gặp phải triệu chứng tê yếu tay chân sau khi thức giấc. Qua thăm khám, bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị đột quỵ cấp, tổn thương nhồi máu não, được chỉ định điều trị bằng thuốc tiêu sợi huyết. Sau đó, bệnh nhân hồi phục sức cơ, lần lượt giơ được tay chân và đi đứng lại được. Thành công của ca bệnh này nhờ bệnh nhân đến BV trong thời gian vàng, được xử trí nhanh chóng nên hồi phục ngoạn mục.

Một trường hợp khác, nam bệnh nhân 37 tuổi (ở TP Cần Thơ), may mắn thoát cửa tử sau hai lần xuất huyết não cách nhau hơn một tháng. Lần đầu tiên, bệnh nhân cảm thấy đau đầu, sốt, người tê lạnh, gia đình đưa vô BV địa phương, được cho về theo dõi sốt xuất huyết nhưng vợ anh không yên tâm, đã đưa chồng đến cấp cứu tại SIS. Bệnh nhân được chẩn đoán đột quỵ, được can thiệp, qua nguy kịch, xuất viện về nhà. Hơn một tháng, bệnh lại tái phát với những triệu chứng nghi ngờ đột quỵ, vợ bệnh nhân lại đưa chồng nhập viện SIS.

Vợ bệnh nhân cho biết, thời gian trước, bệnh nhân thường xuyên uống nhiều rượu bia. Vì thế, khi phát bệnh, các kết quả cận lâm sàng cho thấy bệnh nhân bị suy giảm chức năng gan, xơ gan, rối loạn đông máu, xuất huyết giảm tiểu cầu. Theo TS.BS Trần Chí Cường, Giám đốc BV SIS, đây là trường hợp điển hình xuất huyết não khoang dưới nhện. Có thể bệnh nhân có phình mạch máu não từ trước, cùng với yếu tố uống nhiều rượu bia đã làm xơ gan, gây rối loạn đông máu. Ðây cũng là trường hợp hy hữu, bệnh nhân bị vỡ túi phình mạch máu trên cùng vị trí. Sau khi cầm máu lần trước, hơn một tháng, quá trình đông máu tại túi phình không thuận lợi lý do có suy giảm chức năng gan. Vì thế, tại vị trí đó, mạch máu giãn to thêm, gây xuất huyết não lần hai. Rất may bệnh nhân được vợ đưa đến viện kịp thời. Qua chụp lại CT, MRI, ghi nhận có xuất huyết não tái phát, tiếp tục được cứu sống lần 2. Trường hợp này, ngoài can thiệp nội mạch, bệnh nhân không thể được điều trị bằng phương pháp khác vì lượng tiểu cầu rất thấp, không thực hiện cuộc mổ não được. Sau can thiệp, bệnh nhân hồi phục sức khỏe, xuất viện về nhà ăn Tết cùng gia đình.

Các bác sĩ khuyến cáo, người bệnh cần đến ngay BV, càng sớm càng tốt khi có những dấu hiệu điển hình nhận diện đột quỵ như: liệt nửa người, nói ngọng, nói khó, liệt mặt một bên, méo miệng. Một số triệu chứng khác như đột ngột chóng mặt, tê tay chân, đau đầu, nôn ói… TS.BS Trần Chí Cường lưu ý, bệnh nhân càng đến muộn “giờ vàng”, tỷ lệ tử vong và tàn phế càng tăng. Bệnh nhân phải chịu đời sống thực vật kéo dài, ngồi xe lăn, đi đứng khó khăn, ảnh hưởng trực tiếp không chỉ đối với sức khỏe, tính mạng của người bệnh mà còn ảnh hưởng đến chất lượng sống của cả gia đình, người thân chăm sóc. Hệ lụy từ di chứng của bệnh nhân đột quỵ điều trị muộn vô cùng nặng nề.

“Thời gian vàng” quyết định các phương pháp điều trị đối với người bệnh đột quỵ và khả năng hồi phục. Bệnh nhân có thể được điều trị bằng thuốc tiêu sợi huyết nếu được đưa vào viện trước 4,5 giờ, kể từ khi có triệu chứng khởi phát đột quỵ. Những bệnh nhân tắc mạch máu lớn, có thể được can thiệp nội mạch, tái thông bằng DSA khi được đưa vào viện dưới 6 giờ, kể từ khi khởi bệnh. Sau “giờ vàng”, các phương pháp can thiệp kém hiệu quả rất nhiều.

Chia sẻ bài viết