09/04/2021 - 09:53

Bệnh nhân COVID-19 có nguy cơ bị biến chứng về trí não 

Theo phát hiện mới công bố trên Tạp chí The Lancet Psychiatry, có đến 1/3 số người được chữa khỏi COVID-19 đã khởi phát một bệnh về tâm thần và thần kinh trong vòng nửa năm.

Người mắc COVID-19 không chỉ tổn thương sức khỏe đường hô hấp mà cũng bị ảnh hưởng trí não.

Người mắc COVID-19 không chỉ tổn thương sức khỏe đường hô hấp mà cũng bị ảnh hưởng trí não.

Trong nghiên cứu có quy mô lớn nhất từ trước đến nay về mối liên quan giữa mắc COVID-19 và nguy cơ suy giảm năng lực trí não, các chuyên gia tại Ðại học Oxford (Anh) đã phân tích hồ sơ sức khỏe của hơn 236.000 người từng mắc COVID-19, đồng thời cũng so sánh hồ sơ sức khỏe của nhóm bệnh nhân COVID-19 với hơn 100.000 người từng nhiễm cúm và hơn 236.000 người từng mắc một bệnh về hô hấp.

Kết quả cuối cùng cho thấy có 34% số đối tượng đã được chẩn đoán mắc một bệnh tâm thần và thần kinh trong vòng 6 tháng. Trong đó, 2 bệnh phổ biến nhất là chứng lo âu (17%) và rối loạn cảm xúc (14%). Bên cạnh đó, nguy cơ gặp phải một vấn đề về tâm thần và thần kinh của nhóm mắc COVID-19 sau khi bình phục cũng cao hơn nhóm mắc bệnh cúm và nhóm bệnh nhân hô hấp tương ứng là 44% và 16%.

Ðáng chú ý, các nhà nghiên cứu ghi nhận những bệnh nhân COVID-19 chịu ảnh hưởng nghiêm trọng hơn có nguy cơ cao hơn sẽ khởi phát các bệnh lý ảnh hưởng sức khỏe lâu dài. Chẳng hạn, trong số bệnh nhân cần chăm sóc tích cực, có 46% được chẩn đoán mắc bệnh về thần kinh hoặc tâm thần trong vòng 6 tháng sau khi hồi phục, 2,7% bị xuất huyết não và 7% bị đột quỵ. Trong khi đó, ở nhóm bệnh nhân không cần nhập viện điều trị, chỉ có 0,3% bị xuất huyết não và 1,3% bị đột quỵ.

Theo chuyên gia Paul Harrison - tác giả chính của nghiên cứu, mặc dù nguy cơ mắc bệnh về thần kinh và tâm thần do COVID-19 gây ra là nhỏ, nhưng tác động chung của nó trên dân số toàn cầu là “đáng kể”, bởi nhiều biến chứng của COVID-19 là các bệnh mãn tính. Do đó, ông cho rằng các hệ thống chăm sóc y tế cần đảm bảo nguồn lực để đáp ứng nhu cầu chăm sóc người nhiễm SARS-CoV-2, cả trong giai đoạn chăm sóc chính và sau khi hồi phục.

Thật ra, một số nghiên cứu quy mô nhỏ trước đó từng chỉ ra rằng việc mắc COVID-19 có thể để lại các di chứng về trí não cho bệnh nhân sau khi được chữa khỏi. Ðơn cử, một nghiên cứu trên 381 bệnh nhân được điều trị tại một bệnh viện ở Ý hồi tháng 2 phát hiện có 30% đã bị rối loạn căng thẳng sau chấn thương “hậu COVID-19”. Còn theo một nghiên cứu công bố hồi tháng 12-2020, SARS-CoV-2 có thể gây co giật và rối loạn vận động, ngay cả ở những người chịu ảnh hưởng nhẹ vì nhiễm virus này.

Còn trong nghiên cứu vừa được đăng trên Tạp chí Nhi khoa của Hiệp hội Y khoa Mỹ, các chuyên gia phân tích hồ sơ sức khỏe của hơn 1.700 bệnh nhân COVID-19 dưới 20 tuổi và nhận thấy rằng có 1/3 số trẻ nhỏ và thiếu niên mắc bệnh đã khởi phát Hội chứng viêm đa hệ thống ở trẻ em (MIS-C), một biến chứng hiếm gặp do nhiễm phải SARS-CoV-2.

Cụ thể, dữ liệu cho thấy rằng MIS-C đã gây ra những triệu chứng tương tự như suy tim ở 31% số bệnh nhân trẻ tuổi này, trong khi 51% bị giảm huyết áp tới mức nguy hiểm. Ngoài ra, gần 25% bị tình trạng tích tụ quá mức xung quanh tim và 17% có dấu hiệu của viêm cơ tim.

AN NHIÊN (Theo AFP, CNN)

Chia sẻ bài viết