Truyện ngắn LƯƠNG MINH HINH
Chuyện nóng ấp Rạch Cây!
Vợ Hai Phạm bị lật ghe đuối nước theo chồng ngoài nghĩa địa, bỏ hai núm ruột- thằng Hai Văn Vạn, mười hai tuổi và con Út Thùy tám tuổi đầu. Hai đứa trẻ thành con nuôi cả ấp làng Rạch Cây. Sớm khuya, bến Hai Phạm động chèo lái, người từ các nhà ghé cho gạo mắm, người chợ về cho quà, người đồng về cho cá tôm, bồn bồn, điên điển, củ co.
Bờ ranh cây chung nhà Hai Phạm và Mai Dạo có cái lỗ đám trẻ chui qua chui lại, giờ chặt cây mở lối đàng hoàng. Mẹ Mai Dạo đi ghe liên miên, bé Mai Luy ôm cái laptop qua với Văn Vạn, Út Thùy, chụm đầu phận côi cút. Mai Luy bảo nó là con gái lo cơm nước, giặt giũ áo quần và dọn dẹp hai nhà. Văn Vạn giữ lửa khói cái bếp un và lo đường dây rung chuông, rung cờ bù nhìn đuổi chim chuột, giữ cây trái hai vườn. Còn Út Thùy, anh chị thay nhau đón rước học hành. Ở nhà anh chị nói sao, bé làm vậy. Mở laptop, Út ngồi giữa coi nghìn hình ảnh, vạn sự việc miệt vườn. Đêm ngủ, Út nằm giữa chị- anh.
Đầu làng cuối ấp, người người "sáu câu" khen ngợi nhỏ Mai Luy hay quá trời.
Mai Luy hay từ trứng nước kia! Nó ở gốc dừa gốc bần chọn cái bụng của mẹ là Mai Dạo để du khắp Cửu Long. Tới cữ, nó đạp bầu, mẹ nó neo ghe gốc tràm cạnh bến Hai Phạm. Chỗ này có mẹ Hai ra tay làm bà mụ và cho Mai Luy vừa lọt lòng bú chực khi sữa chưa kịp về ngực mẹ Mai Dạo. Đó là miếng sữa thơm thảo của anh Hai Văn Vạn! Mẹ tròn con vuông hết cữ là bé Mai Luy lên nôi, mẹ nó lại ghe dạo khắp sông Chín Rồng. Sáu tuổi, Mai Luy theo mẹ về Rạch Cây, về chỗ gốc tràm chào đời, mở bến làm nhà để con bé học a- bờ- cờ.
Mai Luy học lớp một, mẹ nghỉ đi bán dạo, để lo mương vườn cây trái.
Mai Luy lớp hai, tan buổi học là mẹ rước xuống ghe. Mẹ mũi ghe bán hàng. Con trong ghe bài vở.
Mai Luy lớp ba, mẹ lại đi bán mút mùa, để con ở nhà cùng Văn Vạn giỏ sách còng lưng, lội bờ rạch, lần cầu khỉ.
Mai Luy lớp tám, khơi chuyện ba anh em gắn bó với Rạch Cây. Mai Luy con nhà ghe dạo qua khắp các bến làng này từ trong bụng mẹ. Anh Hai và Út là con nuôi cả ấp, là người của mọi bến nhà trong ấp, nhưng Mai Luy nói giờ cũng tới hồi Út Thùy phải ở với người lớn để được dạy dỗ chăm sóc tử tế
Văn Vạn hỏi cần vậy không? Em có hai người lớn chúng mình rồi. Chúng mình học hết lớp chín là làm người lớn. Anh Hai bám vườn ruộng. Mai Luy lo trong ngoài. Nhưng Mai Luy nói không gì hơn là Út ở với các sư hiền đức.
Út Thùy xin ở chùa được liền. Ở dăm tháng, Út xin với sư trụ trì Rạch Cây cho thỉnh chuông chùa. Hồi chuông bé thỉnh âm vang, xao xuyến làng nước. Út lại xin ngồi trước bàn thờ Phật tụng niệm, lời cầu, nhịp mõ vang thăm thẳm. Cô bé thông minh, chỉ nghe các sư tụng niệm mà thuộc nằm lòng kinh kệ, nhuần nhịp mõ, tiếng chuông. Thế là cùng việc học ở trường, bé được các sư chỉ chữ Nho, tiếng Phạn.
*
* *
Tiếng chim sớm mai gọi Mai Luy bừng thức, chạy ra bến.
Ôi Mẹ Mai Dạo đang nằm sàn ghe. Mẹ bệnh lết bết phải khiển lái bằng chân. Ngược thì neo ghe đợi, thuận thì cho ghe trôi, về tới bến nhà, mẹ kiệt sức.
Mai Luy vội dìu mẹ lên nhà, sờ trán bắt mạch, chạy ghe tới bến trạm xá Rạch Cây khám bệnh cho mẹ. Cô lẹ tay nấu cháo, cho mẹ uống thuốc còn chạy đi hái lá thuốc xay nhuyễn đắp tay chân, mình mẩy cho mẹ. Con gái vừa thuốc thang vừa bàn bạc từ nay mẹ để con đổi mới, hiện đại ghe dạo. Chẳng biết con xài thuốc giỏi, hay lời con làm mẹ Mai Dạo tự dưng thấy khỏe nhiều, nhưng cũng ráng nói: Lo học để sau này ấm thân con!
Học chữ tính sau, học nghề của mẹ trước đã. Mai Luy ôm mẹ thủ thỉ, mẹ mềm lòng nghe con say sưa nói về đổi mới nghề bán dạo. Rồi Mai Luy tập chạy máy cole trên cái ghe cũ kỹ. Máy mạnh làm ghe vỡ tành bành. Mẹ Mai Dạo tự nhủ: Yên tâm, mẹ cấp liền vốn cho con. Mẹ luồn tay vào cạp quần ngâm nga:
"Đừng thấy áo rách mà khinh
Tuy rằng áo rách trong mình
rích xu"
Mẹ lấy ra cái túi, móc tập tiền hàng chục triệu. Mẹ tiếp tục mở mở, banh banh miệng túi. A! Túi hai đáy! Mẹ đập tập tiền và những lá vàng vào tay con. Nhiêu đó đủ lo cái nhà ghe nổi hiện đại rồi. Còn cho Mai Luy đôi bông, đeo để mặt quay ngang nó đập mang tai nhắc nhở phải hướng phía trước mà tới. Còn cái nhẫn vàng mẹ giữ, để dành Mai Luy lấy chồng có của hồi môn. Mai Luy cười tít mắt: Lễ cưới đã có nhà trai lo trang sức, quay phim chụp hình. Con đã có "ghe hồi môn" và lúc lên ghe sẽ rước cả mẹ vì đời mẹ chưa một lần đi ghe hoa.
Mẹ chỉ nhắc: Con ra đời còn để lo cho hai đứa nhà Hai Phạm kia. Phải hiểu ấp Rạch Cây có nề nếp mở bến- bám bến. Mai Luy nói phải làm cơm cúng thỉnh tiền hiền của hai nhà phù hộ những quyết định mới. Xong bữa cơm, Mai Luy nói rõ ràng với Hai Văn Vạn: em nối nghiệp và vốn liếng bán dạo của mẹ, khuếch trương kinh tế gia đình. Văn Vạn lo vườn tược. Cả hai nhà sẽ có vốn mua máy lên liếp, tưới cây, hái trái. Mẹ ngồi thu tiền, sắm vàng bỏ túi hai đáy. Giờ trước hết mẹ đi viếng chùa rước Út Thùy, từ nay nhà đã có người lớn.
*
* *
Mai Luy đeo ghe, Văn Vạn ở nhà lo hai vườn vào mùa thu hoạch mà ngẩn ngơ nhớ Mai Luy mở lời về ấp làng thật là hay. Nào là ấp Rạch Cây tên hay dễ sợ. Dòng rạch bờ cây nằm nước. Dòng rạch là đường nước. Đường nước là mạch đường đời miệt nước nổi. Mai Luy còn nhắc lời ông bà truyền: các bậc tiền hiền thấy cảnh này liền neo ghe - ấy là định bến nước, lên bờ dựng nhà, mở cống khơi kinh vào đồng, khai mương lên liếp vườn, đốt cỏ làm ruộng cấy trồng chăn nuôi. Thế là có một gia viên. Các gia viên họp nên ấp Rạch Cây.
Rạch Cây đất lành. Nhiều nhà con cái tới Út Mười, còn có Út Thêm, Út Lỡ, Út Chót. Dòng rạch dài, cánh đồng lớn nhưng nhiều người có máu khai phá nên cứ thành niên là bỏ ấp đi tìm bạn đời mở đất mới. Vậy nên ấp Rạch Cây có lệ có luật bất thành văn là điểm tên các nóc gia với tên người khai mở. Con cháu các đời sau nhất quyết phải có người ở lại giữ bến để cùng giữ những bến chung như Bến Đình Rạch Cây - Bến Chợ Đình, Bến Chùa Rạch Cây, Bến Miểu Bà Rạch Cây, Bến Trường Học, Bến Trạm Xá. Anh em Văn Vạn không chỉ có bến nhà mà là con nuôi cả ấp làng. Nên bà con hay nói mấy ai được có bến nhà cả ấp vậy.
Nhưng Hai Văn Vạn luôn tự hỏi Mai Luy đang ở đâu? Có biết Văn Vạn chưa hết mệt vụ thu hoạch trước đã choáng váng cảnh lo chăm vụ cây tiếp theo. Nguyên vật liệu giá leo thang. Kêu người làm vườn thì họ vỗ ngực kinh nghiệm nhiều tiền công cao. Làm nửa ngày nghỉ đòi lai rai. Đó là chưa kể Mai Luy giao sổ đưa viết kêu ghi chép thu chi công nhật. Mấy chuyện quản lý trong ngoài đó nào giờ Hai Văn Vạn chưa hề biết, vừa làm vừa lo có ngày tàn mạt.
Văn Vạn ra ngẩn vào ngơ. Chao ôi hai ngôi nhà trống mênh mông. Đêm đêm ngọn khói bếp un quơ muỗi ong ong. Cấp này Hai hay mơ nhớ ngày ba anh em ngủ chung. Lại nghĩ quẩn giờ Mai Luy chắc đã có người thương. Nghĩ một hồi đến đoạn thời này con gái một mình bôn ba sóng nước sao an toàn. Văn Vạn quyết tìm Mai Luy về.
Tay chèo Văn Vạn lớ ngớ nghiêng ngó kiếm cô bán dạo, dòm hàng quán là nghe mời mua ngọt ngào, nhưng đi hoài tìm hoài không thấy Mai Luy. Càng đi đầu óc càng rối bời sinh đoán già đoán non, quyết về bán đất vườn mua ghe chạy máy đi chở mướn. Bỏ làng quê để đi tìm Mai Luy. Nhưng việc bán vườn bất thành vì dân Rạch Cây không mua, không tiếp tay cho kẻ bỏ bến ấp mà kẻ đó lại là con nuôi cả làng. Vậy là Văn Vạn tính đường ra chợ, kêu thương lái bán trái non. Ngả giá tiền phân nửa giá trái chín, mà cũng bị giằng co ép giá ép ngày giao tiền.
*
* *
Văn Vạn đốt bếp un khói miên man.
Mai Luy sẽ sàng bước vào nhà, lên tiếng chọc ghẹo Văn Vạn: Trời đất anh Hai tính toán buôn bán sao mà bán trái non còn chưa nhận tiền vậy?
Văn Vạn giận không thèm ngó Mai Luy. Cô xuống nước: Em về xin lỗi vì đột ngột giao việc vườn tược quá sức anh. Em sẽ ở nhà mướn người giỏi lo toan chăm vườn, chỉ anh cách quản lý. Còn anh ráng theo mấy lão nông học để làm chủ vườn rành việc.
Văn Vạn tay vờn ngọn khói bếp un, thầm nghĩ phen này ráng làm chủ vườn giỏi, để Mai Luy thấy bám bến Rạch Cây, kinh tế gia đình còn khá hơn cả đeo ghe hàng. Phải tìm cách cột chân Mai Luy mới đặng