17/07/2022 - 09:37

Bệnh viện quá tải do dịch sốt xuất huyết bùng phát 

Tại Khoa sốt xuất huyết, Bệnh viện (BV) Nhi đồng TP Cần Thơ, theo ghi nhận của bác sĩ, lượng bệnh nhi sốt xuất huyết (SXH) nhập viện đã tăng 1,5-2 lần so với tháng 5-2022. Bệnh tăng,  kéo theo số ca nặng cũng tăng theo, BV đang quá tải.

BS Nguyễn Huỳnh Nhật Trường thăm khám bệnh nhi bị SXH nặng.

Áp lực quá tải

Bệnh nhi nhập viện điều trị SXH tại BV Nhi đồng TP Cần Thơ thường nằm ở 3 khoa: SXH, Cấp cứu, Khoa Hồi sức tích cực và Chống độc. Trong đó, lượng bệnh SXH tập trung đông nhất tại Khoa SXH. Theo kế hoạch, Khoa SXH có 65 giường nhưng thực kê 90 giường. Ghi nhận thực tế tại Khoa SXH, nhiều bệnh nhi phải nằm trên những chiếc giường được kê ra ngoài hành lang. Lượng bệnh nhi trong khoa có lúc lên đến 130 cháu.

Tính từ đầu năm 2022 đến ngày 13-7-2022, TP Cần Thơ ghi nhận 1.999 ca SXH (không có ca tử vong), tăng 1.341 ca so với cùng kỳ 2021. Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) TP Cần Thơ, số ca mắc bắt đầu tăng từ tháng 4-2022 và tăng rất cao trong tháng 5 với 436 ca và tháng 6 có 928 ca. Riêng trong 13 ngày đầu tháng 7-2022, ghi nhận 325 ca. Trong số ca mắc SXH, tỷ lệ dưới 15 tuổi chiếm gần 59%. Theo các bác sĩ Khoa SXH, một số người dân còn chủ quan, khi thấy con sốt cao, 1-2 ngày không giảm thì mới đưa đến cơ sở y tế.

Theo BS Nguyễn Huỳnh Nhật Trường, Trưởng Khoa SXH, năm nay, ngay từ tháng 4, SXH bắt dầu tăng và tăng nhanh từ tháng 5 đến tháng 7. BV Nhi đồng TP Cần Thơ đã có kinh nghiệm điều trị bệnh nhi bị SXH nhiều năm. Bệnh viện không chỉ điều trị bệnh nhi ở TP Cần Thơ mà còn cho các tỉnh, thành trong vùng ÐBSCL. Vì vậy, số ca SXH tăng cũng tạo áp lực rất lớn đến hoạt động khám, chữa bệnh của BV. Hiện nay, Khoa SXH của BV Nhi đồng TP Cần Thơ có 6 bác sĩ, 10 điều dưỡng. Nhân lực y tế đủ điều trị, nhưng nếu ca SXH chuyển nặng nhiều, thì việc theo dõi rất vất vả.

Bệnh nặng tăng

Theo CDC Cần Thơ, số ca mắc độ C (độ nặng) có 18 ca, tăng 11 ca so với cùng kỳ 2021. BS Nguyễn Huỳnh Nhật Trường, cho biết ca bệnh SXH nặng hay nhẹ phụ thuộc vào nhiều yếu tố: cơ địa trẻ, dư cân, bệnh nền, trẻ nhũ nhi... Trẻ bị SXH cần phải được nhập viện và theo dõi kỹ, nhất là với trẻ có nguy cơ diễn tiến nặng. Việc xử trí thành công ca SXH phụ thuộc trình độ nhân viên y tế, ý thức của người dân. Người dân đưa bệnh nhi đến sớm, thầy thuốc theo dõi kỹ, phát hiện sớm diễn tiến nặng, xử trí, điều trị kịp thời, tránh biến chứng suy thận, tổn thương đa cơ quan.

Bà Nguyễn Thị Thanh Trúc, ở khu vực 4, phường Hưng Lợi, quận Ninh Kiều đang nuôi cháu trai 15 tuổi mắc SXH nằm tại BV Nhi đồng TP Cần Thơ, nói: “Cháu tôi là 1 trong 2 ca nặng ở Khoa SXH. Có lúc cháu bị khó thở, than đau mệt, không ăn chỉ truyền nước... Cháu bệnh, gia đình rất lo nhưng cũng yên tâm vì bác sĩ, điều dưỡng rất tận tình chăm sóc. Tôi cũng không ngờ, cháu nó mạnh khỏe, thường chơi thể thao mà khi bị SXH lại bị nặng”. Theo bà Trúc, cháu trai bà chỉ mới sốt 1 ngày, gia đình đã đưa đến BV ở địa phương để điều trị, do trước đó trong gia đình cũng có người bị SXH, nhưng cháu không thuyên giảm, nên gia đình đưa cháu đến BV Nhi đồng TP Cần Thơ điều trị.

Theo các bác sĩ, SXH hiện chưa có vaccine, chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Vì vậy, phòng bệnh hơn trị bệnh. Giải pháp tốt nhất trong mùa dịch SXH là ngủ mùng, thoa, bôi các sản phẩm chống muỗi, vệ sinh môi trường trong và xung quanh nhà, diệt lăng quăng, diệt muỗi.

Chia sẻ bài viết