20/10/2016 - 21:50

Bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016: Gay cấn vòng tranh luận cuối cùng

Hôm 20-10, ứng viên tranh cử tổng thống Mỹ của đảng Dân chủ Hillary Clinton và Donlad Trump của đảng Cộng hòa đã bước vào cuộc tranh luận thứ 3, cũng là vòng đối đầu trực tiếp cuối cùng trước cuộc bầu cử vào tháng 11 tới.

Phiên tranh luận diễn ra tại Đại học Nevada ở Las Vegas với 6 chủ đề gồm nợ công và các quyền lợi xã hội, nhập cư, kinh tế, Tòa án Tối cao, các điểm nóng nước ngoài và điều kiện để trở thành tổng thống. Không giống như 2 lần trước, cựu Ngoại trưởng Mỹ Clinton và tỉ phú Trump sau màn giới thiệu đã đi thẳng vào nội dung mà không bắt tay trong phần chào hỏi lẫn nhau.

Bà Clinton và ông Trump đối đầu gay gắt trong phiên tranh luận hôm 20-10. Ảnh: EPA

Mở đầu, cả hai đã trình bày ngắn gọn về Tư pháp Mỹ. Trong đó, bà Clinton cho rằng Tòa án Tối cao cần phải đứng về phía người dân Mỹ - đặc biệt là phụ nữ và cộng đồng người đồng tính thay vì các tập đoàn lớn cùng giai cấp thượng lưu. Về phần mình, ứng viên đảng Cộng hòa khẳng định khi đắc cử sẽ bổ nhiệm Thẩm phán Tòa án Tối cao theo trường phái bảo thủ nhằm bảo vệ quyền sở hữu súng và hủy bỏ quyền phá thai.

Sau đó, hai ứng viên tiếp tục tranh cãi về vấn đề nhập cư khi bà Clinton cho biết sẽ đề xuất phương án cải cách nhập cư toàn diện trong 100 ngày đầu tiên của nhiệm kỳ. Theo cựu Ngoại trưởng, giải pháp này phù hợp với vai trò của Mỹ là một quốc gia vì người nhập cư nhưng cũng thượng tôn pháp luật. Trong khi đó, ông Trump tiếp tục đả kích phương án của đối thủ đảng Dân chủ khi nói về nguy cơ khủng bố từ người nhập cư bất hợp pháp. Ông cũng duy trì quan điểm bảo vệ biên giới Mỹ bằng cách xây dựng bức tường với Mexico và cam kết loại bỏ "những gã tội phạm" ra khỏi đất nước một khi đắc cử.

Màn đấu khẩu trở nên quyết liệt khi bà Clinton chuyển từ thế bị động trong câu hỏi quanh vấn đề nhập cư, mở cửa biên giới sang…WikiLeaks và tấn công vào mối quan hệ của ông Trump với Tổng thống Nga Vladimir Putin. Theo ứng viên đảng Dân chủ, ông Trump "thà chấp nhận tin tưởng người Nga hơn là các quan chức tình báo Mỹ". Ngắt lời đối thủ, ứng viên đảng Cộng hòa bác bỏ nhận xét ông thân thiết với lãnh đạo Nga nhưng nói thêm rằng so với bà Clinton, ông sẽ phát triển mối quan hệ tốt hơn với Mát-xcơ-va. Đáp lại, cựu Ngoại trưởng cho rằng đó là vì "Mát-xcơ-va đang muốn con rối của họ trở thành Tổng thống Mỹ".

"Ông Trump không thừa nhận Nga thực hiện các vụ tấn công mạng nhắm vào Mỹ, ông ta còn ủng hộ các hành vi gián điệp và sẽ làm những điều mà ông Putin muốn như phá hủy Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và bất kỳ điều gì khác để tiếp tục nhận được sự trợ giúp từ Tổng thống Nga, bởi đã quá rõ người mà Điện Kremlin muốn chiến thắng trong cuộc bầu cử này là ai" – bà Clinton tấn công. So với lời lẽ mạnh mẽ của đối thủ, ông Trump chỉ đáp lại rằng bà Clinton là "kẻ nói dối" và "chính bà mới là con rối của Nga". Ông Trump cũng liên tục nhấn mạnh bà Clinton bị Tổng thống Putin "qua mặt" trên mọi lĩnh vực, sau đó lái sang chuyện những phụ nữ cáo buộc ông quấy rối tình dục là "hoàn toàn sai" và đổ lỗi chiến dịch của bà Clinton đứng sau mọi chuyện.

Trong một phân đoạn gây "sửng sốt", ông Trump đã từ chối nói rằng sẽ chấp nhận kết quả cuộc bầu cử khi người dẫn chương trình hỏi ông có chấp nhận nếu bà Clinton chiến thắng vào ngày 8-11 tới hay không. Thay vì trả lời dứt khoát, tỉ phú 70 tuổi lấp lửng rằng "sẽ xem xét vào thời điểm đó". Ngoài ra, ông cũng cáo buộc bà Clinton đáng lẽ "không được phép" tranh cử tổng thống sau những bê bối email riêng và chính giới truyền thông đã tiếp tay đầu độc tâm trí cử tri. Trước đó, ông Trump từng lên tiếng chống lại quá trình bầu cử với cảnh báo "có gian lận" tại các điểm bỏ phiếu.

Trong phần sau, hai ứng viên tiếp tục tranh cãi vấn đề tăng hay giảm thuế. Theo bà Clinton, chính sách giảm thuế có lợi cho người giàu của ông Trump sẽ khiến nước Mỹ mất thêm 3,5 triệu việc làm và nợ thêm 20.000 tỉ USD. Ngược lại, ứng viên đảng Cộng hòa lên án chính sách của Tổng thống Mỹ Barack Obama không giúp kinh tế Mỹ phát triển, chỉ trích Hiệp định mậu dịch Tự do Bắc Mỹ (NAFTA) và cả quan hệ mà ông cho là "tốn kém" với các nước đồng minh NATO, Nhật Bản, Hàn Quốc.

Càng về cuối, cuộc tranh luận dần trở nên gay gắt trước những cáo buộc lẫn nhau về cuộc chiến chống khủng bố ở Iraq và tư cách để trở thành Tổng thống Mỹ. Sau cuộc tranh luận, kết quả thăm dò của CNN/ORC cho thấy có 53% người được hỏi cho rằng bà Clinton làm tốt hơn so với ông Trump (chỉ chiếm 39%).

MAI QUYÊN (Tổng hợp)

Chia sẻ bài viết