25/07/2021 - 08:11

Bất ổn tại Afghanistan đe dọa CPEC 

Vụ tấn công mới đây ở tỉnh Khyber Pakhtunkhwa (Pakistan) có thể giúp khẳng định một điều mà giới phân tích bấy lâu lo ngại, đó là sự trỗi dậy của phiến quân Taliban ở Afghanistan đang khuyến khích những kẻ khủng bố tìm cách nhắm vào lợi ích của Trung Quốc ở Pakistan.

Một tuyến đường thuộc CPEC. Ảnh: Reuters

Theo tờ The Diplomat, Taliban từ lâu đã giành quyền kiểm soát một số thị trấn quan trọng và cửa khẩu biên giới của Afghanistan. Giờ đây, lực lượng này vừa tuyên bố kiểm soát hơn 80% lãnh thổ Afghanistan, khiến nhiều người lo ngại rằng việc Taliban treo cờ ở thủ đô Kabul chỉ còn là vấn đề thời gian.

Mối đe dọa từ Baloch

Theo giới phân tích, làn sóng bất ổn tại Afghanistan hiện nay có khả năng đe dọa các lợi ích của Trung Quốc, đặc biệt là dự án Hành lang Kinh tế Trung Quốc - Pakistan (CPEC) trị giá 62 tỉ USD ở Pakistan, liên quan tới hoạt động xây dựng các tuyến đường cao tốc, đường sắt, đường ống dẫn nhiên liệu giữa Trung Quốc và Pakistan. CPEC là “viên ngọc quý” của sáng kiến “Vành đai, Con đường (BRI)” khổng lồ được Bắc Kinh đưa ra nhằm mục đích xây dựng cơ sở hạ tầng, mở rộng liên kết thương mại và làm sâu sắc hơn mối quan hệ giữa nước này với các nước châu Á, châu Âu và châu Phi.

Kể từ khi công bố CPEC vào năm 2015, Trung Quốc đã tìm cách mở rộng dự án sang các nước láng giềng của Pakistan, gồm cả Afghanistan. Ðể dọn đường cho dự án, Bắc Kinh thúc giục Islamabad mở cửa các chốt biên giới với Afghanistan nhằm tăng cường thương mại nhưng với mục đích là thúc đẩy CPEC. Do đó, Pakistan hồi năm ngoái đã công bố kế hoạch thành lập 12 chợ biên giới với Afghanistan.

Thế nhưng, tình hình an ninh, chính trị, tham nhũng tại Pakistan đã làm chậm tiến độ của CPEC. Không những vậy, dự án còn phải đối mặt với mối đe dọa từ phiến quân ly khai Baloch, chuyên phản đối các dự án bên trong Pakistan. Trong những năm qua, Baloch đã thực hiện một số cuộc tấn công ở tỉnh Balochistan nhằm vào CPEC và nhân viên Trung Quốc. Cách đây không lâu, Baloch còn thu nạp những kẻ ly khai Sindhi đến từ tỉnh Sindh để mở rộng phạm vi tấn công các lợi ích của
Trung Quốc.

Bị TTP tấn công

Hồi tháng 4 vừa qua, Tehreek-i-Taliban Pakistan (TTP), lực lượng phiến quân bị cáo buộc tiến hành các vụ tấn công liều chết, đánh bom và xả súng khiến hàng ngàn người thiệt mạng ở Pakistan, đã cho nổ bom tại một khách sạn sang trọng ở Quetta (thủ phủ tỉnh Balochistan), khiến 5 người thiệt mạng và làm 12 khác bị thương.

TTP có nguồn gốc từ Taliban ở Afghanistan. Do đó, sự trỗi dậy và sụp đổ của lực lượng này có quan hệ mật thiết đến tình hình an ninh tại Pakistan. Trong những tháng gần đây, ngay cả khi Taliban tập hợp sức mạnh sau khi đạt được thỏa thuận hòa bình với Mỹ, TTP tuyên bố sáp nhập các nhóm nhỏ lẻ hòng triển khai các cuộc tấn công quy mô lớn bên trong Pakistan, khiến giới phân tích Pakistan lo ngại rằng TPP sẽ gây trở ngại và tạo ra nhiều vấn đề về an ninh đối với CPEC.

Trong những năm qua, thông qua hoạt động quân sự tại các khu vực giáp biên giới với Afghanistan, quân đội Pakistan đã đẩy lùi các phần tử TTP ra khỏi nước này, khiến chúng tháo chạy sang Afghanistan và sử dụng lãnh thổ nước này để triển khai hoạt động. Song, kể từ khi Mỹ bắt đầu rút quân khỏi Afghanistan, TTP và các phần tử dân tộc chủ nghĩa khác đã tiến hành các cuộc tấn công ở Pakistan để chứng tỏ chúng vẫn đang hoạt động, chủ yếu nhằm vào các khoản đầu tư của Trung Quốc, gồm CPEC. Chẳng hạn như mới đây, 9 kỹ sư Trung Quốc được cho là đã thiệt mạng trong vụ tấn công nhằm vào chiếc xe buýt chở công nhân đến một công trường xây dựng ở tỉnh Khyber Pakhtunkhwa - thành trì của TTP, buộc Ðại sứ quán Trung Quốc tại Pakistan lên tiếng nhắc nhở người dân, doanh nghiệp và các dự án ở Pakistan đề cao cảnh giác, theo dõi tình hình an ninh tại địa phương, tăng cường bảo vệ an ninh và không ra ngoài khi không cần thiết.

Bộ Ngoại giao Pakistan nhận định rằng có hơn 5.000 chiến binh TTP hiện đang hoạt động ở Afghanistan, dù Bộ Ngoại giao Afghanistan tuyên bố TTP “không được thành lập cũng như không hoạt động tại lãnh thổ của
chúng tôi”.

Trung Quốc được cho đang nhanh chóng mở rộng quan hệ hợp tác với Afghanistan để dần dần thay thế và lấp chỗ trống, sau khi quân đội Mỹ và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) rút hết quân khỏi Afghanistan vào cuối tháng 8 tới. Tờ Daily Beast dẫn nguồn tin thân cận với các quan chức Chính phủ Afghanistan cho hay, chính quyền Kabul cũng đang tăng cường quan hệ với Trung Quốc theo khuôn khổ CPEC.

TRÍ VĂN

Chia sẻ bài viết