27/05/2020 - 21:37

Bắt nhịp thị trường, kết nối đầu tư 

Kết nối lại thị trường, tái khởi động các hoạt động đầu tư kinh doanh là những việc làm cấp thiết của cộng đồng doanh nghiệp TP Cần Thơ sau khoảng thời gian dài ứng phó với dịch bệnh. Mức độ khôi phục nhanh hay chậm còn chịu tác động bởi nhiều yếu tố. Song chính sự chủ động khắc phục khó khăn, tin tưởng vào những quyết sách của Chính phủ sẽ góp phần đẩy nhanh tốc độ phục hồi của doanh nghiệp và nền kinh tế.

Khâu đóng gói nông sản tươi phục vụ xuất khẩu tại Công ty Cổ phần BJ&T.

Khởi động

Các ngành công nghiệp chế biến là thế mạnh của TP Cần Thơ đã thể hiện được ưu thế khôi phục lại hoạt động sản xuất kinh doanh nhanh chóng sau thời gian dịch bệnh. Đồng thời, chủ động kết nối lại các đơn hàng xuất khẩu từ cuối tháng 4, đầu tháng 5. Ông Nguyễn Ngọc Trãi, Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần BJ&T, chia sẻ: Nhờ kết nối lại thị trường nhanh chóng nên các đơn hàng xuất khẩu sang Úc và châu Âu của công ty đã tăng trở lại từ đầu tháng 5. Bên cạnh các sản phẩm nông sản chế biến, công ty còn đầu tư dây chuyền sản xuất bún và bánh hỏi sấy khô vừa đi vào hoạt động vào cuối năm 2019. Theo kế hoạch công ty sẽ phát triển thị trường cho dòng sản phẩm mới này vào đầu năm 2020 nhưng do ảnh hưởng dịch COVID-19 nên kế hoạch phát triển thị trường tạm gián đoạn. Nay hoạt động sản xuất đã khôi phục trở lại, công ty đang tập trung đưa sản phẩm này phân phối ở thị trường truyền thống là Đức, Úc và dự kiến mở rộng sang thị trường Mỹ.

Theo Sở Công thương TP Cần Thơ, các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố hiện đã mở rộng thị trường xuất khẩu đến hơn 100 quốc gia và vùng lãnh thổ. Ngoài các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu như gạo và thủy sản đông lạnh chiếm gần 70% trong cơ cấu xuất khẩu còn có các mặt hàng khác như may mặc, da giày, nông sản, rau quả, dược phẩm, sắt thép và các sản phẩm từ sắt thép, phân bón hóa chất… Ông Nguyễn Minh Toại, Giám đốc Sở Công thương TP Cần Thơ, chia sẻ: Cần Thơ có số lượng doanh nghiệp gạo lớn nhất ở ĐBSCL với 41 doanh nghiệp xuất khẩu trực tiếp, 35 doanh nghiệp tham gia cung ứng xuất khẩu với sản lượng thu mua, chế biến, xuất khẩu mỗi năm từ 1-1,2 triệu tấn gạo. Sau khi xuất khẩu gạo được kết nối thông suốt, các doanh nghiệp xuất khẩu gạo đã đi vào quỹ đạo hoạt động bình thường, giá gạo xuất khẩu dao động từ 450 USD-480USD/tấn tùy loại gạo. Các doanh nghiệp thủy sản cũng rơi vào tình trạng chậm xuất khẩu hàng trong đợt dịch vừa qua thì nay đã dẫn kết nối lại với đối tác. Đặc biệt, nhiều doanh nghiệp đã kết nối lại thị trường để bù đắp thiệt hại trong thời gian diễn ra dịch bệnh. Đồng thời, củng cố quyết tâm chuyển đổi hướng tiếp cận thị trường, giảm bớt tình trạng lệ thuộc vào một vài  thị trường truyền thống để nhằm hạn chế rủi ro.

Tiếp sức cho đầu tư

Trên lĩnh vực thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp tập trung, ông Nguyễn Hữu Phước, Phó Trưởng ban Ban Quản lý các Khu chế xuất và Công nghiệp Cần Thơ, chia sẻ: Từ đầu năm đến nay, các khu công nghiệp của thành phố chưa thu hút được dự án mới nào vào hoạt động. Chỉ có các dự án đã có kế hoạch đầu tư xây dựng từ trước vẫn tiếp tục triển khai. Các hoạt động xúc tiến đầu tư nước ngoài tại Nhật Bản và Hàn Quốc đã hoãn lại do ảnh hưởng dịch bệnh. Do tác động của dịch bệnh lên nền kinh tế trong nước lẫn thế giới nên tình hình chung là kế hoạch thu hút các dự án đầu tư vào các khu công nghiệp có thể sẽ không đạt kết hoạch đề ra trong năm 2020. Tuy nhiên, điều đáng mừng là các doanh nghiệp đang hoạt động trong các khu công nghiệp vẫn duy trì ổn định hoạt động, tạo việc làm và đảm bảo thu nhập cho công nhân. Trong giai đoạn xúc tiến đầu tư nước ngoài vào khu công nghiệp gặp khó khăn, Ban Quản lý sẽ tăng cường hơn nữa công tác xúc tiến đầu tư trong nước; tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp đang triển khai đầu tư dự án và doanh nghiệp đã đi vào hoạt động lâu nay được yên tâm hoạt động sản xuất kinh doanh.

Dịch COVID-19 tác động dây chuyền lên sản xuất và đời sống cũng là lúc cộng đồng doanh nghiệp nhìn lại quá trình hoạt động của mình để sẵn sàng ứng phó với những tình huống bất khả kháng có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Ông Dương Quốc Thủy, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP Cần Thơ, chia sẻ: Nhiều doanh nghiệp kinh doanh bất động sản tại Cần Thơ đã phải tạm hoãn các kế hoạch đầu tư, giới thiệu sản phẩm mới trong thời điểm dịch bệnh. Và ngay khi dịch bệnh được kiểm soát thành công, các đơn vị trong ngành bất động sản đã tái kết nối lại thị trường. Về phía Hiệp hội cũng chủ động tổ chức Hội nghị đánh giá lại thị trường bất động sản trong năm 2019, diễn biến thị trường, xu hướng đầu tư khi bước vào giai đoạn khôi phục nền kinh tể để kịp thời hỗ trợ cho các doanh nghiệp hội viên.

Môi trường sản xuất kinh doanh đang dần khôi phục, yêu cầu khơi thông dòng vốn cho doanh nghiệp cũng được ngành ngân hàng trên địa bàn thành phố quan tâm. Ông Trần Quốc Hà, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP Cần Thơ, chia sẻ: Với việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi vay, một số tổ chức tín dụng lo ngại sẽ ảnh hưởng đến tiến độ xử lý nợ xấu theo Nghị quyết 42 của Quốc hội. Song trên thực tế, tỷ lệ nợ xấu trên địa bàn thành phố được kiểm soát tốt. Bởi lẽ khi dịch bệnh xảy ra doanh nghiệp trong lĩnh vực dịch vụ, nhà hàng, khách sạn ảnh hưởng nhiều nhất; nhưng tại TP Cần Thơ tỷ lệ vay vốn của nhóm doanh nghiệp này không nhiều. Các doanh nghiệp xuất khẩu ở những lĩnh vực thiết yếu của thành phố cũng đã nhanh chóng kết nối lại thị trường. Do đó, tỷ lệ nợ xấu của các tổ chức tín dụng tại TP Cần Thơ hiện được khống chế dưới 1,5%/ tổng dư nợ. Sau giai đoạn dịch bệnh, cả ngân hàng lẫn doanh nghiệp đều nhận ra rằng đôi bên phải xây dựng quan hệ chặt chẽ với nhau hơn nữa bởi đây đây là mối quan hệ cộng sinh. Doanh nghiệp cần được ngân hàng hỗ trợ nhiều hơn trong cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi vay, tiếp cận vốn vay mới để tái đầu tư sản xuất. Ngân hàng cũng cần tiếp cận với doanh nghiệp để nắm bắt tình hình hoạt động của doanh nghiệp, tăng cường cho vay, tăng cường cung ứng các dịch vụ liên quan để làm thế nào hỗ trợ cho doanh nghiệp tốt nhất.

Bài, ảnh: MINH HUYỀN

Chia sẻ bài viết