07/03/2011 - 21:01

Bát nháo ở công viên

Xe gắn máy, bàn ghế bán nước giải khát la liệt trên công viên Hoàng Văn Thụ, làm mất mỹ quan đô thị.

Thời gian gần đây, tốc độ đô thị hóa của TP Cần Thơ nhanh, theo đó, nhiều công viên hình thành, làm thay đổi diện mạo đô thị, tạo nên nét đẹp đặc trưng của thành phố trẻ trực thuộc Trung ương. Tuy nhiên, hiện nay một số công viên đã bị chiếm dụng hoặc biến đổi công năng thành nơi buôn bán... mất tác dụng phục vụ vui chơi, giải trí cho người dân, khách du lịch.

Theo nhiều người dân sống cố cựu tại TP Cần Thơ, cách đây gần 20 năm, Cần Thơ có nhiều công viên cây xanh rợp bóng mát như: Công viên Lưu Hữu Phước, Tao Đàn, Huỳnh Lạc, Ninh Kiều, Đồ Chiểu, Đầu Sấu... Tuy nhiên, do quá trình đô thị hóa, điều chỉnh quy hoạch nên một số công viên đã bị “xóa sổ” để mở rộng đường giao thông. Đó là công viên Huỳnh Lạc (còn gọi là công viên Hòa Bình), bị giải tỏa để mở rộng đường Võ Văn Tần và Nguyễn Thái Học; công viên Đầu Sấu nằm trên đường 30 Tháng 4 cũng giải tỏa và thay vào đó là một vòng xoay giao thông.

Bù lại, một số công viên mới được hình thành, tạo khu vui chơi, tản bộ lý tưởng cho người dân như công viên Sông Hậu, Hồ Xáng Thổi, Ninh Kiều... Nhưng, điều đáng quan tâm hiện nay là một số công viên bị chiếm dụng làm nơi tập kết vật liệu xây dựng, bày bán hàng quán... Trước đây, công viên Lưu Hữu Phước là công viên rộng nhất của thành phố và là nơi vui chơi, giải trí, tập luyện thể thao của nhiều người. Hiện nay, công viên này đang trong tình trạng xuống cấp trầm trọng. Hàng quán, ki-ốt trò chơi, sạp cà phê, chiếu phim... bày bàn ghế la liệt, chiếm gần hết lối đi, khiến người dân không có chỗ thư giãn. Mặt khác, người dân tùy tiện chạy xe vào thẳng công viên, rồi ăn uống, xả rác bừa bãi, trông rất nhếch nhác.

Công viên Hoàng Văn Thụ nằm dọc rạch Cái Khế với chiều dài gần 1km, có cây xanh che mát, rất lý tưởng để người dân thành phố tập thể dục, vui chơi, hóng mát. Thế nhưng, công viên này đã bị người dân chiếm dụng để chứa vật liệu xây dựng, tập kết hàng hóa, bán quán cà phê, đậu xe gắn máy... không còn chỗ cho người dân tản bộ, tập thể dục. Ông Nguyễn Văn Nam, người dân phường An Cư, quận Ninh Kiều, cho biết: “Người già như chúng tôi rất ngại mỗi khi tản bộ trên công viên Hoàng Văn Thụ bởi tình trạng bàn ghế, xe gắn máy để la liệt, bát nháo. Chúng tôi mong ngành chức năng sớm ngăn chặn tình trạng này để trả lại mỹ quan, trật tự đô thị”.

Tình cảnh của công viên Ninh Kiều nằm cạnh sông Cần Thơ còn bi đát hơn. Từ đầu năm 2010, phần công viên tiếp giáp với nhà lồng chợ cổ Cần Thơ được giao cho một doanh nghiệp dựng lều tạo khu ẩm thực, bán quán ăn từ chiều tối đến rạng sáng hôm sau. Việc buôn bán đã làm nền gạch bị xuống cấp, bong tróc, dơ bẩn; công tác thu gom rác thải chưa đảm bảo, ảnh hưởng mỹ quan, vệ sinh tại công viên. Bên cạnh đó, tình trạng móc nối, chèo kéo khách du lịch của các hàng quán, người dân đưa đò diễn ra hằng ngày cũng gây bức xúc trong dư luận, nhất là du khách đến tham quan tại bến Ninh Kiều.

Theo Sở Xây dựng TP Cần Thơ, các hoạt động cho thuê mở hàng quán, trò chơi thiếu nhi, để xe... trong công viên Lưu Hữu Phước, Hoàng Văn Thụ, Ninh Kiều... là không đúng mục đích sử dụng công viên, cần phải chấn chỉnh. Nhất là ở công viên Lưu Hữu Phước khi được cải tạo thì các hàng quán, quầy bán đồ chơi thiếu nhi... phải tháo dỡ. Bà Trần Ngọc Nga, Phó Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao-Du lịch TP Cần Thơ, cho biết: “Ngoài ngành văn hóa-du lịch, các ngành chức năng khác của thành phố cần quan tâm đầu tư nâng cấp, sửa chữa công viên. Nhất là ngăn chặn tình trạng mua bán tại công viên, tạo không gian xanh, sạch, đẹp trong thành phố để người dân có nơi thư giãn”. UBND quận Ninh Kiều cũng đề nghị UBND TP Cần Thơ thống nhất kế hoạch di dời khu ẩm thực tại công viên Ninh Kiều sang khu vực Bến tàu khách Ninh Kiều, trả lại mặt bằng thông thoáng cho công viên. Đề nghị này đang được thành phố xem xét.

Tình trạng buôn bán, đậu xe gắn máy, tập kết hàng hóa... tại một số công viên đã gây dư luận không tốt, ảnh hưởng đến mỹ quan, trật tự, vệ sinh đô thị... Chính quyền địa phương và ngành chức năng quận Ninh Kiều cần kiểm tra, ngăn chặn. Có như vậy mới tạo hình ảnh đẹp cho bộ mặt đô thị Cần Thơ đúng với chủ trương năm 2011 là năm “Trật tự, kỷ cương đô thị” mà lãnh đạo thành phố đã đề ra.

Bài, ảnh: HÀ VĂN 

Chia sẻ bài viết