09/09/2019 - 07:32

Bắt “đúng mạch” để phòng tránh sạt lở ở ĐBSCL 

Theo các nhà khoa học, sạt lở bờ sông, bờ biển ở ĐBSCL đang diễn biến ngày một phức tạp, do lượng phù sa, cát từ thượng nguồn sông Mekong về vùng hạ lưu ĐBSCL hạn chế, đồng thời chắc chắn phù sa, cát sẽ không về vùng này trong tương lai do các đập thủy điện, hồ chứa thượng nguồn chắn dòng chảy. Vì vậy, việc khai thác cát hay ngừng việc khai thác ở ĐBSCL là quyết sách mà các địa phương trong vùng chọn lựa để hạn chế sạt lở tiếp tục xảy ra.

► Hiểm họa chực chờ

ĐBSCL hiện có hơn 564 điểm sạt lở với chiều dài trên 830km, trong đó, sạt lở bờ sông có hơn 510 điểm với chiều dài trên 560km... Những con số nêu trên có thể thấy sức tàn phá của thiên nhiên lên vùng đất được mệnh danh là “vựa lúa, thủy sản và cây ăn trái” của cả nước. Tại buổi tập huấn báo chí về “Biến đổi khí hậu (BĐKH) và năng lượng bền vững” diễn ra từ ngày 22 đến 24-8-2019, PGS-TS Lê Anh Tuấn, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu BĐKH thuộc Trường Đại học Cần Thơ, cho biết: “Sạt lở ở ĐBSCL là do suy giảm phù sa, bùn cát. Ngày xưa, bùn cát được đưa về ĐBSCL 160 triệu tấn/năm, bây giờ chỉ còn phân nửa. Trước đây, ĐBSCL có hai quá trình sạt lở và bồi lắng đan xen nhau, trong đó, bồi lắng nhiều hơn sạt lở nên ĐBSCL đã được nâng cao và lấn dần ra biển. Còn bây giờ, phù sa suy giảm, tức bồi lắng giảm, sạt lở gia tăng, ảnh hưởng sinh kế, sản xuất, cơ sở hạ tầng trong vùng”.

Thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện, Chuyên gia nghiên cứu độc lập về sinh thái, cho biết: “Khi 11 đập thủy điện ở thượng nguồn sông Mekong được xây dựng, sẽ không còn hạt cát, viên sỏi nào về ĐBSCL. Như vậy, ĐBSCL nếu tiếp tục khai thác cát thì lòng sông sẽ sâu thêm (lòng sông Tiền, sông Hậu hiện đã sâu hơn 1,3m so với trước đây). Việc khai thác cát không chỉ dừng lại ở vấn đề lòng sông mà bờ biển cũng bị sạt lở, nhất là đoạn 250km từ Tiền Giang qua Sóc Trăng. Nếu tiếp tục khai thác cát thì sạt lở gia tăng và phải “hy sinh” ĐBSCL. Ngay từ bây giờ, nếu ngưng ngay việc khai thác cát thì sạt lở sẽ giảm và hạn chế hơn…”.

Theo nhiều nhà khoa học, dòng sông mất cát đã gây nên sạt lở bờ sông, bờ biển ở ĐBSCL là chuyện rõ ràng, nhưng ở từng điểm sạt lở có những đặc điểm riêng. Thời gian gần đây, điểm sạt lở quốc lộ 91, đoạn qua huyện Châu Phú, tỉnh An Giang đã trở thành điểm nóng, thậm chí chính quyền địa phương đã lập tức ứng phó bằng cách thả những bao tải cát xuống vị trí sạt lở, nhưng đã thất bại và nhiều tỉ đồng bị cuốn theo dòng nước. Thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện cho biết: “Câu chuyện chống sạt lở không hề dễ dàng và đơn giản khi chúng ta chưa xác định được những đặc điểm riêng gây ra sự cố. Rõ ràng, khi đưa ra một quyết định ứng phó, thì trước tiên phải hiểu cặn kẽ những đặc điểm ở vị trí sạt lở…”.

Ngày xưa dòng chảy sông mang nặng phù sa mịn và nó có đủ cát để tiêu hao năng lượng (lực chảy dòng nước). Còn bây giờ, phù sa mịn đã giảm mà cát cũng thiếu, dòng chảy bị dư năng lượng nên hình thành “nước đói” có sức công phá lớn, nó đào vực thẳm và cắt đứt bờ sông nhanh hơn xưa. Đối với bờ, theo ông Thiện giải thích, có 5 yếu tố quyết định tính dễ bị sạt lở của bờ. Thứ nhất, độ kết dính của đất, đất càng bời rời, kết dính kém càng dễ bị sạt lở. Mà đất bờ sông Tiền, Sông Hậu ở An Giang, Đồng Tháp là đất pha cát, độ kết dính kém. Thứ hai, trọng lượng riêng của đất càng nặng thì nó càng dễ sụp, trong khi đất ở địa phương thượng nguồn như An Giang là đất cát nên nặng, dễ sụp. Thứ ba, chiều cao bờ sông tính từ đáy sông lên, càng cao càng nặng và càng dễ sụp. Thứ tư, áp lực lỗ rỗng trong đất; đất no nước thì nước trong đất có lực đẩy đỡ cho đất. Thứ năm, là mái dốc bờ sông, càng dốc đứng càng nguy hiểm. Như vậy, tùy vào các yếu tố trên mà mái dốc cần có độ lài nào đó để đạt độ ổn định. “Ví dụ đất pha cát như thế thì mái dốc phải khoảng 30 độ mới ổn định. Nếu bờ sông hiện tại là 80-90 độ thì nó phải nứt và sụp cho đến khi đủ độ ổn định, giả sử là 30 độ thì hiện tại sụp đổ sẽ hạn chế” - Thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện dẫn chứng.

Khu vực sạt lở quốc lộ 91, đoạn qua huyện Châu Phú, tỉnh An Giang.

► Phải có giải pháp phù hợp

Theo TS Dương Văn Ni, Khoa Môi trường và Tài nguyên thiên nhiên thuộc Đại học Cần Thơ, sạt lở ở vùng ĐBSCL có những đặc điểm khác nhau. Sạt lở ở An Giang khác sạt lở ở Cần Thơ, Hậu Giang, thậm chí trên cùng một con sông thì đầu con sông sạt lở khác đoạn giữa và cuối sông. Do đó cần “bắt bệnh” một cách cụ thể để có giải pháp ứng phó phù hợp, không nên ứng phó theo giải pháp chung chung. Đối với bờ biển cũng vậy, từng điểm có những đặc điểm khác nhau.

Trong bối cảnh sạt lở chung, tất cả hành động ở ĐBSCL đều không giải quyết được nguyên nhân gốc rễ là thiếu cát, phù sa. Mọi hành động chỉ là ứng phó, chống đỡ chứ sạt lở vẫn sẽ tiếp diễn. Ngăn chặn sạt lở chỗ này thì sẽ sạt lở chỗ khác. Theo Thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện vấn đề bây giờ là phải đánh đổi. Thứ nhất, là đem lợi ích của việc khai thác cát so với chi phí phải bỏ ra để ứng phó với nhiều vụ sạt lở bây giờ và tương lai, gồm công trình, tái định cư, thiệt hại về giao thông, đất đai, nhà cửa… “Phải đặt hai cái đó lên bàn cân để xem cái nào lớn hơn thì chọn” - ông nói. Thứ hai, so sánh giữa các phương án. Ví dụ, phương án thả bao cát (quốc lộ 91) hay nếu đánh giá là không thể bảo vệ, thì chọn phương án “rút lui”, chấp nhận bỏ điểm đó, tức thực hiện tái định cư những hộ dân và làm đường tránh. Khi dòng sông chọn điểm nào để nó gây sạt lở thì điểm đó là phù hợp nhất đối với dòng sông để nó giải quyết vấn đề năng lượng dòng chảy. Khi nó đã gây sạt lở rồi, không còn “tức nước nữa” mà ta trám lấp lại là ta đưa nó về trạng thái “tức nước” như trước khi sạt lở. Dòng sông sẽ phải tự tìm cách giải quyết năng lượng của nó. Thứ ba, là so sánh bờ này, bờ kia, mà cụ thể dòng chảy (qua điểm sạt lở quốc lộ 91) đi bên “vịnh”, ảnh hưởng nhà cửa lâu đời, trong khi bên kia sông là đất nông nghiệp. Vậy, so sánh nếu bên kia đất ít giá trị hơn, thì chấp nhận mua đất, bồi thường cho dân và “nắn” dòng chảy, chuyển tim sông ra giữa, có thể tăng tốc dòng chảy... Thứ tư, là so sánh giữa việc lấy cát nơi khác, đắp nơi này, nhưng lấp chỗ này, nó sạt lở chỗ kia, tức chúng ta không giải quyết vấn đề mà là di chuyển vấn đề đi nơi khác, rồi lại đuổi theo đi giải quyết sạt lở liên tục...

Thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện nhấn mạnh: “Cuối cùng, trước khi sạt lở thì nên xem là tình huống khẩn cấp. Còn sau khi sạt lở, ở giai đoạn khắc phục thì việc phân tích thấu đáo, chọn đúng phương án hiệu quả mới là giải pháp ưu tiên và thiết thực nhất”.l

Bài, ảnh: HÀ VĂN

Chia sẻ bài viết