Nữ hoàng Anh Elizabeth II đã gởi lời chúc mừng Barbados và cầu chúc sự an bình, thịnh vượng đến với người dân đảo quốc vùng Caribe nhân ngày trọng đại nước này thiết lập nền cộng hòa.
Ảnh: Getty Images
Thời điểm lịch sử
Hôm 30-11, Barbados chính thức trở thành nước cộng hòa với buổi lễ tuyên thệ nhậm chức của Tổng thống Sandra Mason (ảnh), thay thế vai trò người đứng đầu nhà nước của Nữ hoàng Elizabeth II. Bà Mason từng là toàn quyền của Barbados, đại diện cho Nữ hoàng trong Vương quốc Thịnh vượng chung.
Buổi lễ nhậm chức của bà Mason đồng thời chấm dứt ràng buộc cuối cùng giữa Barbados và chế độ quân chủ Anh sau gần 400 năm. Lá cờ Hoàng gia đại diện cho Nữ hoàng Elizabeth II ở thủ đô Bridgetown đã được hạ xuống vào lúc nửa đêm (giờ địa phương) trong buổi lễ trùng với dịp kỷ niệm 55 năm ngày quốc gia này giành độc lập.
Trong thông điệp gửi tới tân Tổng thống Mason, Nữ hoàng cho biết các nước thành viên Khối Thịnh vượng chung đã xây dựng quan hệ dựa trên các giá trị cơ bản, cùng chia sẻ sự thịnh vượng và hợp tác chặt chẽ trong nhiều vấn đề, bao gồm cuộc khủng hoảng biến đổi khí hậu gần đây. Là một trong những quốc gia tích cực của khối, Nữ hoàng hy vọng Barbados tiếp tục duy trì quan hệ hữu hảo với Hoàng gia Anh cũng như giữa hai dân tộc. Cuối cùng, người đứng đầu nền quân chủ Anh gởi lời chúc Tổng thống Mason và toàn thể người dân Barbados “hạnh phúc, hòa bình và thịnh vượng trong tương lai”.
Ðại diện Nữ hoàng tham dự lễ nhậm chức, Thái tử Charles đã có bài phát biểu chúc mừng Barbados bắt đầu một chương mới trong lịch sử. Tuyên bố của ông đồng thời tái khẳng định hoạt động ngoại giao nhân dân giữa hai nước, qua đó phản ánh mong muốn của Hoàng gia nói riêng và nước Anh nói chung trong duy trì liên kết chặt chẽ với đảo quốc Tây Ðại Tây Dương.
Bước đi gây chú ý
Từ tháng 9-2020, Barbados đã tuyên bố tách khỏi Vương quốc Thịnh vượng chung gồm 15 quốc gia có Nữ hoàng Elizabeth II là người trị vì theo hiến pháp nhưng không can dự vào chính trị. Theo các nhà quan sát, quyết định này sẽ được những thành viên còn lại theo dõi chặt chẽ và thúc đẩy các cuộc thảo luận về một động thái tương tự, đặc biệt ở vùng Caribe. Thời điểm gần nhất các nước Caribe bãi bỏ chế độ quân chủ là vào năm 1970 khi Guyana, Dominica cùng Trinidad & Tobago trở thành quốc gia cộng hòa. Còn lần cuối cùng Nữ hoàng bị bãi nhiệm vai trò đứng đầu nhà nước là vào năm 1992, khi Mauritius tự xưng quốc gia cộng hòa.
Ðược biết, vương quốc tự trị gồm 15 nước kể trên nằm trong Khối Thịnh vượng chung - hiệp hội chính trị tự nguyện gồm 54 thành viên và đa phần là cựu thuộc địa của Ðế quốc Anh. Ngoài những nước có nguyên thủ là Nữ hoàng Elizabeth II, khối hiện có 5 vương quốc có vua trị vì cho riêng mình trong khi 34 quốc gia theo chế độ cộng hòa. Các nước thành viên không có nghĩa vụ pháp lý với nhau. Thay vào đó, họ liên hiệp thông qua ngôn ngữ, lịch sử, văn hóa và chia sẻ những giá trị về dân chủ, nhân quyền và pháp trị.
Một số nước từng rút ra hoặc bị khai trừ khỏi khối. Chẳng hạn như năm 2003, cố Tổng thống Robert Mugabe đã rút Zimbabwe khỏi khối sau khi bị cáo buộc gian lận bầu cử và bị đình chỉ tư cách thành viên. Cũng có quốc gia đã rút ra rồi tái gia nhập như Nam Phi, Pakistan. Quốc gia cuối cùng rời khỏi khối là Madives vào năm 2016.
Khối Thịnh vượng chung bao phủ hơn 29.958.050 km2 (11.566.870 dặm vuông Anh), gần một phần tư diện tích đất liền thế giới và trải trên mọi lục địa. Với dân số ước tính là 2,328 tỉ vào năm 2013, gần một phần ba dân số thế giới, Khối Thịnh vượng chung vào năm 2014 có GDP danh nghĩa là 10.450 tỉ USD, chiếm 14% GDP danh nghĩa toàn cầu.
MAI QUYÊN (Theo Guardian)